Doanh nghiệp đòi hỏi ngày càng cao trong tuyển dụng

Tùng Anh - 14:12, 13/08/2022

TheLEADERNhững sự biến chuyển trong bối cảnh buộc các doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức trong việc tuyển dụng. Ở chiều ngược lại, người lao động cũng không ngừng cập nhật nhu cầu để nâng cấp chính mình nếu muốn tìm được công việc ứng ý và phát triển được sự nghiệp của bản thân.

Doanh nghiệp đòi hỏi ngày càng cao trong tuyển dụng
Các tiêu chí tuyển dụng ngày càng cao

Là một partner của tập đoàn EY, bà Hiền Nguyễn cho biết, nếu như trước đây, những công ty ngành tài chính, kiểm toán thường tuyển ứng viên có kinh nghiệm và chuyên môn về kế toán hoặc tài chính thì hiện nay những đơn vị này yêu cầu thêm kiến thức về phân tích dữ liệu, lập trình hoặc học máy.

Ở góc độ ngành marketing, bà Thùy Anh - Principal, Global Integrated Marketing tại Công ty Thiết bị y tế Medtronic, người có 12 năm kinh nghiệm làm marketing cho các tập đoàn lớn tại nhiều thị trường cho rằng, trước đây mọi người thường nghĩ làm việc trong ngành marketing cần sự sáng tạo, nhưng hiện nay, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có khả năng lãnh đạo đội nhóm, phân tích và giải quyết vấn đề do cần phối hợp công việc giữa các phòng ban.

Chia sẻ về những phẩm chất của một ứng viên tiềm năng nói chung, bà Hiền cho rằng, ngoài những kiến thức chuyên môn mà người xin việc cần có, yếu tố quyết định trong những cuộc phỏng vấn là sự chuẩn bị, nghiên cứu về tin tức ngành nghề hiện tại cũng như các kỹ năng mềm trong công việc.

“Ứng viên cũng biết cách tận dụng tối đa thời gian phỏng vấn, để tạo dấu ấn và thể hiện hết những điểm mạnh bản thân”, bà Hiền nói trong tọa đàm nhân lực kinh doanh, tài chính và tư vấn trong khuôn khổ chương trình Vòng tay nước Mỹ 10 do Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.

Có cùng quan điểm, ông Việt Đỗ, Giám đốc kinh doanh tại Capital One nhấn mạnh thêm yếu tố giao tiếp. Ông cho rằng, mức độ cao hơn của việc “giao tiếp để hiểu” là “giao tiếp để truyền cảm hứng”. Việc giao tiếp không chỉ dừng lại ở mức truyền đạt thông tin, nói ra vấn đề, mà cần mạch lạc trong lối suy nghĩ.

Trước xu hướng nâng cao tiêu chí tuyển dụng, kỹ năng xây dựng mạng lưới ngay từ khi đi học là yếu tố quan trọng để tăng cơ hội ngành nghề sau này. Tuy nhiên, bà Thùy Anh cho rằng, việc xây dựng mạng lưới đúng cách mới quan trọng.

“Mối quan hệ được xây dựng từ hai phía và duy trì theo thời gian, đặc biệt tập trung vào những mối quan hệ quan trọng, có tính hỗ trợ và cùng phát triển”, bà Thuỳ Anh nói.

“Những thay đổi đột ngột buộc phải nghĩ vấn đề từ gốc”

Ở một góc nhìn khác, của các ứng viên là du học sinh và công dân toàn cầu, bà Lê Diệp Kiều Trang, nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster nhận định, cần trang bị khả năng “thích nghi” và “thức thời” khi đứng trước những “làn sóng” khủng hoảng, thay đổi đột ngột không lường trước của thế giới cũng như những yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. 

Khoảng 20 năm trước, khi bà Trang mới tốt nghiệp đại học, đại dịch SARS bùng phát. Sau đó, khủng hoảng kinh tế tại Mỹ năm 2008 nổ ra khiến nhiều người mất định hướng. Chứng kiến những thay đổi đột ngột của thế giới do khủng hoảng, bà Trang nhận thấy, mọi người bắt đầu suy nghĩ vấn đề từ gốc nhiều hơn là đi theo những trào lưu.

Bởi không ai biết xu hướng như thế nào hay tin chắc hướng đi của mình là đúng, phải chịu trách nhiệm trước quyết định của riêng mình”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, những “đợt sóng” này lại tạo điều kiện để mọi người không đi theo lối mòn, tạo ngã rẽ mới và biết cách tự nhận định về tình hình thế giới.

“Tâm lý mọi người thường sợ khi không có đường sẵn để đi. Tuy nhiên, nếu dựa vào những kiến thức học hỏi được, mỗi người sẽ có chính kiến riêng, tạo ra thế hệ của những người độc lập với suy nghĩ đột phá”, nhà sáng lập Alabaster nhận định.

Sự “thích ứng” và “thức thời” là hai yếu tố mà bà Trang cho rằng du học sinh và sinh viên cần có khi tìm việc làm trong bối cảnh hiện nay. Những khủng hoảng lại giúp bản thân tìm ra hướng thích ứng, những ngã rẽ phù hợp. “Nếu đủ bản lĩnh, bạn sẽ nghĩ thực ra những sự kiện này không hẳn tồi tệ, mà là thử thách để tìm thấy chính mình”, bà chia sẻ.

Giúp du học sinh tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “ở lại Mỹ hay về Việt Nam”, nhà sáng lập Alabaster gợi ý việc trải nghiệm nhiều môi trường làm việc để biết nhiều thứ mới và tìm thấy điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

Bà nhấn mạnh, một công dân toàn cầu phải có sự thích ứng toàn cầu và quan trọng là tìm ra bản thân con đường phù hợp, không phải con đường “hoành tráng”, không nhất thiết phải bắt đầu công việc tại những tập đoàn lớn, mà tập trung tìm những cơ hội phù hợp năng lực và mục tiêu.