Doanh nghiệp hời hợt thông tin về thành viên độc lập hội đồng quản trị

Tùng Anh - 11:03, 18/05/2023

TheLEADERViệc thiếu các quy định dẫn đến thực trạng phổ biến là các hoạt động đánh giá và báo cáo về kết quả hoạt động của thành viên độc lập HĐQT và của HĐQT chỉ được thực hiện một cách đại khái, hời hợt và thiếu hiệu quả.

Doanh nghiệp hời hợt thông tin về thành viên độc lập hội đồng quản trị
Hầu hết các công bố thông tin đều có xu hướng soạn sẵn và thiếu thông tin cần thiết về thành viên độc lập HĐQT.

Các công ty niêm yết hiện đang công bố thông tin về thành viên độc lập HĐQT thông qua báo cáo quản trị công ty và báo cáo thường niên. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Thành viên độc lập HĐQT doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) và FiinGroup sau một cuộc khảo sát 544 công ty có công bố thông tin về thành viên độc lập HĐQT trong tổng số 769 công ty niêm yết trên HOSE và HNX, hầu hết các công bố thông tin đều có xu hướng soạn sẵn và thiếu thông tin cần thiết về thành viên độc lập HĐQT.

Nhiều thông tin còn thiếu được chỉ ra như: quy trình đề cử và miễn nhiệm, thông tin tiểu sử chi tiết của ứng viên, các chỉ tiêu đánh giá hoạt động, biên bản các ủy ban.

Nhìn chung, pháp luật hiện hành đã có các quy định công bố thông tin tương đối đầy đủ đối với các thành viên độc lập HĐQT.

Theo đó, các công ty đại chúng phải tuân theo một bộ quy định về công bố thông tin được quy định trong Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, bao gồm công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường và công bố một số thông tin nhất định theo yêu cầu từ Uỷ ban Chứng khoán hoặc sàn giao dịch chứng khoán có liên quan.

Đối với công bố thông tin định kỳ, thông tư này yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố, trong báo cáo thường niên và các báo cáo về quản trị công ty, các thông tin về các thành viên và cơ cấu của HĐQT, mà đặc biệt là các thành viên độc lập và hoạt động của họ; các ủy ban của HĐQT và vai trò của thành viên độc lập trong các ủy ban đó; thù lao và các khoản hỗ trợ của thành viên HĐQT.

Đối với các công bố thông tin bất thường, Thông tư 96 yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm và bãi nhiệm những người nội bộ, bao gồm cả thành viên độc lập HĐQT.

Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch trong việc đề cử và bổ nhiệm thành viên độc lập HĐQT, VNIDA cho rằng, cần bổ sung thêm quy định yêu cầu các công ty đại chúng công bố các thông tin liên quan đến quy trình đề cử và bổ nhiệm các thành viên độc lập HĐQT.

Có ba thông tin mà VNIDA đề xuất bổ sung trong quy định về công bố thông tin. Một là quy trình được sử dụng để xác định và đề cử các cá nhân tiềm năng và lý do cá nhân đó được lựa chọn cũng như lý do cá nhân đó được đánh giá là độc lập. Hai là các quan điểm, kỹ năng và kinh nghiệm mà cá nhân đó có thể đem lại cho HĐQT. Ba là những đóng góp của cá nhân đó vào tính đa dạng của HĐQT.

Pháp luật hiện hành cũng quy định, thành viên độc lập HĐQT trong công ty đại chúng có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá hoạt động của HĐQT. HĐQT cũng phải lập báo cáo về hoạt động của thành viên độc lập trong báo cáo hoạt động của mình để đệ trình trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Điều 15.3, Nghị định 156 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã nêu rõ, thành viên độc lập HĐQT trong công ty đại chúng sẽ bị phạt hành chính từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định chi tiết về các nội dung cụ thể và bắt buộc đối với báo cáo của thành viên độc lập về HĐQT và báo cáo của HĐQT về hoạt động của thành viên độc lập.

Điều này khác với quy định về nghĩa vụ báo cáo của thành viên độc lập HĐQT trong ủy ban kiểm toán. Điều 284.1 của Nghị định 155 quy định cụ thể các nội dung bắt buộc phải có trong báo cáo của thành viên độc lập HĐQT trong ủy ban kiểm toán như: thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của ủy ban kiểm toán; kết quả giám sát báo cáo tài chính, tình hình hoạt động, tình hình tài chính của công ty; kết quả đánh giá hệ thống quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ của công ty, các kết quả giám sát HĐQT, (tổng) giám đốc và các thành viên điều hành khác.

Theo đại diện VNIDA, việc thiếu các quy định đầy đủ đã dẫn đến thực trạng phổ biến là các hoạt động đánh giá và báo cáo về kết quả hoạt động của thành viên độc lập HĐQT và của HĐQT chỉ được thực hiện một cách đại khái, hời hợt và thiếu hiệu quả.

Để nâng cao vai trò giám sát của thành viên độc lập HĐQT, cần có quy định chi tiết về các tiêu chí cụ thể và nội dung bắt buộc đối với báo cáo của thành viên độc lập HĐQT và báo cáo của HĐQT, tương tự như quy định về báo cáo của thành viên độc lập HĐQT trong ủy ban kiểm toán theo Điều 284.1 Nghị định 155.

Hơn nữa, VNIDA cũng đề xuất, cần có quy định về các báo cáo bất thường để nhanh chóng đánh giá việc thực hiện và hoạt động của thành viên độc lập cũng như toàn thể HĐQT, đồng thời có các biện pháp kịp thời để khắc phục cũng như các kế hoạch để tối ưu hóa hoạt động của thành viên độc lập và toàn thể HĐQT.