Doanh nghiệp không đủ gạo chất lượng cao để xuất khẩu

Hoàng Đông - 09:56, 27/04/2023

TheLEADERThị trường thuận lợi, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, song doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như tính minh bạch, bền vững để tận dụng cơ hội.

“Không đủ gạo để bán” là khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo được ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Lotus Rice, đưa ra trước Bộ Công thương.

Tuy nhiên, “không đủ” ở đây là không đủ gạo chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Ông Khỏe cho biết, Lotus Rice là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu gạo sang EU, xuất phát từ khi chỉ bán được vài chục tấn, đến nay đã tận dụng EVFTA và bán được vài ngàn tấn mỗi năm nhưng “vẫn chưa là gì” so nhu cầu của EU.

Trước khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, giờ họ mua gạo vì chất lượng
Ông Huỳnh Văn Khỏe
Giám đốc Lotus Rice

“Trước khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, giờ họ mua gạo vì chất lượng”, ông Khỏe nhấn mạnh.

Thực tế, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023 là tương đối khả quan. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15/4, xuất khẩu gạo đạt khoảng gần 2,4 triệu tấn, tương đương với khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 33,7% về số lượng và 44,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng 3 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với bình quân quý I/2022. Trong đó giá gạo 5% tấm đạt mức giá cao nhất thế giới, vượt qua những đối thủ nặng ký bao gồm Ấn Độ và Thái Lan.

Đặc biệt, không chỉ tăng ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, doanh nghiệp còn xuất khẩu mạnh sang các thị trường tiềm năng như Chile, Singapore… Trong đó, xuất khẩu gạo sang EU tăng 11% so với cùng kỳ.

Nêu kết quả ấn tượng về xuất khẩu gạo những tháng đầu năm, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, lý giải, những bất ổn toàn cầu khiến thị trường gạo toàn cầu đang có nguồn cung thấp hơn nguồn cầu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi cả về cuối năm, khi các quốc gia tăng cường dự trữ lương thực.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, bổ sung, chất lượng gạo Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường khó tính, có thể thấy rõ qua những chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao xuất khẩu tốt sang EU.

Xuất khẩu thuận lợi chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường gạo thế giới. Theo ông Khỏe, đứng trước cơ hội này, cần có chính sách quy hoạch lại vùng trồng, tổ chức lại vùng nguyên liệu sản xuất một cách căn cơ để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu.

Nói về tình hình xuất khẩu gạo đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Tân nhận xét, chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, trong đó gạo thơm, gạo nếp ngày càng tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, những sản phẩm như gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi lượng, dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng hóa chủng loại gạo xuất khẩu và mở đường cho dòng gạo chất lượng cao.

Doanh nghiệp ‘không đủ gạo để bán’ 1
Thứ trưởng Bộ Công thương Huỳnh Sinh Tân tại Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý 1-2023. Ảnh: Báo đầu tư

“Gạo Việt Nam đang ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính”, Thứ trưởng cho biết.

Trước thuận lợi trong xuất khẩu gạo, Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành gạo cần phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường.

Thừa nhận những khó khăn ngành gạo đang gặp phải không chỉ là vướng mắc ở khâu nâng cao chất lượng mà còn là giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào nông nghiệp tăng cao, chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện cơ cấu lại từng chủng loại gạo đặc thù, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu.