Doanh nghiệp làm gì để tự lực cánh sinh thời Covid-19

Phạm Sơn - 15:45, 13/08/2020

TheLEADERĐảm bảo các doanh nghiệp có thể vượt qua thời kỳ khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra chính là chìa khóa giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và bền vững.

Doanh nghiệp làm gì để tự lực cánh sinh thời Covid-19
Trong 7 tháng đầu năm đã có tới khoảng 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tương đương với khoảng 9.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng.

Nền kinh tế đang rơi vào một thời kỳ khủng hoảng chưa từng thấy do những tác động của đại dịch Covid-19. Theo thống kê mới công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 7 tháng đầu năm đã có tới khoảng 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tương đương với khoảng 9.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng.

Doanh nghiệp phải “từ bỏ cuộc chơi” đa số là những đơn vị mới thành lập, có quy mô không lớn, tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, du lịch, giải trí, nghệ thuật, giáo dục đào tạo. Đây cũng là những ngành nghề chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cứu doanh nghiệp để cứu nền kinh tế

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Cụ thể, ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 93% tổng số doanh nghiệp, cung cấp việc làm cho khoảng 50% lực lượng lao động trên khắp cả nước.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu có quy mô hoạt động ở địa phương với nguồn lực được cung cấp tại chỗ, giúp khai thác và phát huy tiềm năng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, trong thời kỳ khó khăn, những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đóng vai trò như một “thanh giảm sóc”, góp phần bình ổn thị trường trước những cú sốc đánh vào nền kinh tế.

Như vậy, bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là yếu tố then chốt để đạt được sự phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững.

Vừa qua, chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ, điển hình như Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị quyết 116/2020/QH14 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Chương trình Sức sống Việt Nam do Bộ Kế hoạch và đầu tư hợp tác cùng Tập đoàn Facebook phát động…

3 yếu tố then chốt để doanh nghiệp tự mình đứng vững

Trong bối cảnh khó khăn khi diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp hỗ trợ, giải cứu từ phía nhà nước, mà cần phải tìm ra giải pháp để tự kiện toàn năng lực, nâng cao khả năng sống sót cho đến khi đại dịch kết thúc.

Mới đây, bà Vandana Menon, Chuyên gia Quản lý Cộng đồng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đề ra 3 phương án giúp doanh nghiệp có thể tự lực đứng vững qua cơn khủng hoảng.

Đầu tiên, thay đổi để thích ứng và ổn định. Với diễn biến khó lường của nền kinh tế, sức sống của các doanh nghiệp được đo lường bằng tốc độ thích ứng với hoàn cảnh. Đây cũng là một trong những tinh thần cốt lõi của chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra trong Trạng thái bình thường mới.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện rất tốt sự thích ứng với hoàn cảnh, thông qua những chính sách như áp dụng giờ làm linh hoạt, làm việc trên nền tảng trực tuyến; nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế; tập trung khai thác thị trường nội địa; thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh… qua đó đã từng bước ổn định trạng hoạt động, nâng cao sức chống chịu.

Doanh nghiệp làm gì để tự lực cánh sinh thời Covid
Phương án làm việc tại nhà đã được nhiều doanh nghiệp triển khai để bảo vệ nhân viên khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Theo bà Menon, khả năng thích ứng linh hoạt giờ đây đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại đến khi khủng hoảng kết thúc. Không chỉ thay đổi về phương pháp hoạt động, nhiều doanh nghiệp cũng có tận dụng công nghệ để thể chuyển đổi cơ cấu sản phẩm hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, điển hình như hãng đồ điện gia dụng LUG của Ba Lan đã phát triển dòng đèn chiếu sáng diệt khuẩn cũng như các thiết bị điện y tế, giúp doanh số của công ty này tăng nhanh dù nền kinh tế đang đình trệ.

Thứ hai, đẩy nhanh chuyển đổi số để bứt phá sau đại dịch. Theo nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu quản lý toàn cầu McKinsey, Covid-19 đã khiến quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng khi chỉ mất 2 tuần cho những kết quả được dự đoán là phải mất 5 năm để đạt được.

Chuyển đổi số không chỉ là phương pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh một cách an toàn hơn mà còn tạo ra cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp sau khi đại dịch kết thúc. Các chuyên gia của McKinsey nhận định, nếu quá trình số hóa diễn ra một cách đồng bộ, toàn bộ nền kinh tế có thể chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc như những gì đã xảy ra sau đại dịch SARS ở Trung Quốc.

Cuối cùng, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối các bên liên quan để tìm ra giải pháp. Trong thời đại Covid-19, vấn đề hạn chế tiếp xúc đã đặt ra rào cản cho việc kết nối và tạo dựng quan hệ. Tuy nhiên, bà Menon nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phải tích cực kết nối, chia sẻ thông tin với nhau cũng như với người tiêu dùng, các tổ chức xã hội và chính phủ để có thể tìm ra giải pháp hiệu quả.

Đây có thể sẽ là phương án tối ưu để doanh nghiệp tìm kiếm cho mình nguồn cung thay thế hay khách hàng tiềm năng để giải quyết khó khăn do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.