Doanh nghiệp than khó, ngân hàng cũng ‘kêu trời’

Hoài An - 10:51, 19/11/2022

TheLEADERKhông chỉ các doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn, mà ngay cả các ngân hàng thương mại cũng đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn để cấp vốn cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp khó đủ đường

Lấy ví dụ thực tế bình quân một tháng có hơn 18 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp còn hạn chế.

Nói cách khác, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại, thì có tới 7 doanh nghiệp tạm thời, hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. “Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, ông Phòng nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp vượt sóng mới đây.

Đơn cử, trong lĩnh vực bất động sản, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

Với các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản, thống kê trong phạm vi một phân khúc cho thấy khoảng 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác.

Doanh nghiệp than khó vốn, ngân hàng cũng ‘kêu trời’
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính.

Thông tin thêm, ông Đính cho biết các doanh nghiệp chịu áp lực tăng giá đầu vào cho việc phát triển bất động sản rất lớn, từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn...

Trong khi đó, nguồn vốn lại khó khăn từ thực tế kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp “đói vốn”, khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn, kéo theo thanh khoản yếu, từ đó doanh thu sụt giảm mạnh.

Một số nguyên nhân được đưa ra là chính sách nhiều bất cập, các luật, quy định chồng chéo khiến hàng nghìn dự án khó được phê duyệt thủ tục đầu tư; tình trạng cơ cấu sản phẩm lệch pha cung – cầu.

Đặc biệt, về vấn đề vốn, doanh nghiệp phải đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh phát hành trái phiếu găp nhiều khó khăn. Theo ông Đính, Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 rất tốt và chuyên nghiệp, kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn chưa lường được vấn đề thị trường hiện nay.

Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư không chuyên chiếm hơn 80%, dù sẵn sàng bỏ vốn vào thị trường trái phiếu nhưng theo Nghị định 65 lại rất khó.

Ông Đính nhấn mạnh nếu không sớm có những điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô, thì với các vấn đề của thị trường như hiện nay, với sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản hiện tại, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa khi bước sang năm 2023, tạo ra rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế.

Đáng chú ý, ông Đính kiến nghị biện pháp nới room tín dụng cho thị trường bất động sản trên cơ sở Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát. Đặc biệt, có chính sách tín dụng đặc biệt cho những dự án cần thiết, cấp thiết cho xã hội; những dự án để khuyến khích nguồn hàng phù hợp cho người dân như nhà ở nhà hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Ngân hàng cũng không thiếu gánh nặng

Là một trong những nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc cấp vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn chung.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, theo thông lệ, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Khi doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn, thì phải tìm đến thị trường vốn, như cổ phiếu, trái phiếu.

Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng phải “gánh” thêm vai trò của thị trường vốn. Khi kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế, đặc biệt khi các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, sẽ tạo nên áp lực lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn, vừa đảm bảo độ an toàn.

Hậu quả là cả doanh nghiệp và lẫn ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước, ông Hùng nhấn mạnh.

“Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ. Điều này cũng khiến doanh nghiệp nảy ra đề xuất ngân hàng tăng room để bổ sung vốn cho doanh nghiệp".

Tuy nhiên, trên thực tế, khi dư nợ tín dụng đã gần tương đương với tổng huy động, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đều cho vay gần hết, trong khi tăng trưởng huy động vốn lại chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng, thì dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng khó có đủ vốn để cho vay, ông Hùng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp than khó vốn, ngân hàng cũng ‘kêu trời’ 1
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Không chỉ vậy, ông Hùng cho biết thêm hiện nay, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, và cũng buộc phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.

“Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao đang kéo theo cho vay cao. Bản thân các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động, để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động, nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chưa hết, các ngân hàng còn phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao khi nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không thể trả lại nợ cho ngân hàng, trong số đó còn có những doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng trả nợ trái phiếu trước hạn.

Nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây, nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu.

Một trong những giải pháp được ông Hùng nhấn mạnh là quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, khi hiện nay, có gần 1 triệu tỷ đồng, gần tương đương với tăng tín dụng từ đầu năm đến nay, đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được.

“Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao? Ai chịu trách nhiệm? Làm sao khơi thông nguồn vốn này? Phải quyết liệt, phải quy trách nhiệm", ông Hùng nói.

Cùng với đó, cả trung ương và địa phương đều có quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 20 quỹ bảo lãnh tại các tỉnh, thành phố, nhưng lại không hoạt động được.

Theo đó, cần phải xem xét và khởi động lại hoạt động của các quỹ bảo lãnh, có bảo lãnh, các ngân hàng mới dám cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.

Ngoài ra, ông đề xuất xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, như thông qua giảm thuế, phí cho các ngân hàng thương mại này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay, hay xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.