Doanh thu và lợi nhuận của Phúc Sinh giảm mạnh vì hồ tiêu rớt giá

Trần Anh - 07:46, 08/12/2019

TheLEADERViệc sản lượng hồ tiêu tăng mạnh đã đẩy giá xuống thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ, tác động lớn tới người nông dân và cả những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.

Giai đoạn những năm 2014 – 2016, khi giá hồ tiêu tăng mạnh, nhiều quốc gia đã chuyển đổi diện tích một số cây công nghiệp sang trồng hồ tiêu. Điển hình trong đó là các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Những cây hồ tiêu được trồng trong giai đoạn đó sẽ được thu hoạch từ khoảng năm 2017 và tạo nên sản lượng đột biến trong ngành hồ tiêu.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ước tính trong năm 2017, khoảng 725.000 tấn hạt tiêu đã được sản xuất, tăng 10% so với năm trước đó. Riêng Việt Nam đóng góp khoảng 252.000 tấn, tăng 20%. Từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu hồ tiêu. 

Tuy nhiên việc sản lượng hồ tiêu tăng mạnh đã đẩy giá xuống thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ, tác động mạnh tới người nông dân và cả những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.

Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh) là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu lớn nhất Việt Nam với hơn 20 năm tham gia kinh doanh trong ngành này. 

Năm 2015, doanh số của Phúc Sinh đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ xuất khẩu hồ tiêu. Con số này chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam (1,25 tỷ USD) và chiếm khoảng 8% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu. Có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp này với ngành hồ tiêu là khá lớn.

Năm 2016, Phúc Sinh vươn tới đỉnh cao khi đạt doanh thu trên 6.500 tỷ đồng và lãi ròng 51 tỷ đồng. Nhìn vào một doanh nghiệp đứng đầu ngành như Phúc Sinh, doanh thu trên 6 nghìn tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận thấp cho thấy xuất khẩu hồ tiêu là ngành khá rủi ro, chỉ cần biến động nhỏ về giá tiêu trên thị trường là đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp.

Và rủi ro đó đến vào năm 2017, khi ngành hồ tiêu toàn cầu đột biến sản lượng. Bản thân Phúc Sinh lúc đó cũng dính vào scandal xuất khẩu hồ tiêu kém chất lượng khiến doanh số không ngừng đi xuống.

Năm 2017, Phúc Sinh ghi nhận doanh thu đạt 5.435 tỷ đồng, giảm gần 20% so năm trước đó. Bước sang năm 2018, doanh thu của công ty chỉ còn 3.896 tỷ đồng, tiếp tục giảm thêm 30%.

Doanh số sụt giảm mạnh 2 năm liên tiếp trong khi chi phí gần như không đổi, lợi nhuận của Phúc Sinh chịu ảnh hưởng mạnh. Lợi nhuận ròng năm 2018 của công ty chỉ đạt 27,8 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2017.

Doanh và lợi nhuận của Phúc Sinh giảm mạnh vì hồ tiêu rớt giá
Sản phẩm tiêu chế biến của Phúc Sinh

Để bù đắp cho sự sa sút của mảng hồ tiêu, những năm gần đây Phúc Sinh đẩy mạnh mảng xuất khẩu cà phê. Năm 2018, Phúc Sinh xuất khoảng 70 ngàn tấn cà phê.

Xây dựng nhà máy rang xay đầu tiên vào năm 2009. Đến năm 2017, Phúc Sinh phát triển vùng trồng cà phê Arabica tại Sơn La. Nhà máy chế biến ướt Sơn La có vốn đầu tư 100 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm bắt đầu đi vào vận hành từ cuối năm 2018. Đầu năm nay, Phúc Sinh đã giới thiệu ra thị trường thương hiệu “Blue Sơn La

Để thực hiện kế hoạch đầu tư sang lĩnh vực mới, trong những năm qua, Phúc Sinh đã liên tục tăng vốn điều lệ. Từ mức 155 tỷ đồng năm 2016, vốn điều lệ hiện tại của công ty đã lên 369 tỷ đồng. Trong đó, ông Phan Minh Thông đang nắm giữ 70% cổ phần của công ty.