Đời lừng mỹ vị ở Nước mắm Hạnh Phúc

Kim Yến - 10:41, 28/11/2023

TheLEADERBằng giọng kể lúc hoài niệm, lúc vững vàng, quyết liệt, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hạnh Phúc Lê Nguyễn Huyền Trân đưa người nghe qua từng thăng trầm, êm, xóc của thương hiệu Nước mắm Hạnh Phúc.

Đến với nhà máy sản xuất nước mắm Hạnh Phúc có thể cảm nhận ngay nguồn năng lượng mới đang cân hòa lan tỏa. 

Thế hệ thứ hai đầy tự tin với tinh thần vừa kế thừa, vừa đổi mới sáng tạo đã thổi hồn vào trong từng khâu nhỏ của quy trình và trong từng trái tim nhân viên, khiến cho gương mặt ai cũng an nhiên, giản dị, nhẹ nhàng. Một nét đẹp vô cùng hiếm thấy trong nhịp sống kinh doanh vốn xô bồ ồn tạp và đầy áp lực.

Được cùng ăn bữa cơm trong nhà máy với rau trái tươi ngon do chị đầu bếp vô cùng chịu khó chiều lòng nhiều gu ăn uống khác nhau, được trò chuyện với chị xếp chai, anh thợ máy, người phụ trách kỹ thuật đấu hương… mới thấy họ đã gắn bó nhiều thế hệ với công ty vì điều gì.

Đời lừng mỹ vị ở Nước mắm Hạnh Phúc
Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hạnh Phúc Lê Nguyễn Huyền Trân

'Căn cước' của thương hiệu Hạnh Phúc

Ngược dòng thời gian về cột mốc 1979 đến nay, trên hành trình hơn bốn thập niên, điều gì đã làm nên hệ giá trị truyền thống của thương hiệu Nước mắm Hạnh Phúc?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Những viên gạch đầu tiên của ngôi nhà Hạnh Phúc đã được cha tôi đặt ở tổ hợp sản xuất nước mắm theo phương pháp thủ công truyền thống bên bờ Kênh Tẻ hồi cuối thập niên 70 khi ông di cư từ vùng quê sông nước miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn lập nghiệp.

Thuở bấy giờ, theo dòng giao thương tấp nập, những con cá cơm đúng mùa đánh bắt từ vùng biển Tây Nam về đến cơ sở nước mắm Hạnh Phúc được ủ chượp với muối già miệt Bà Rịa cho ra những chai nước mắm truyền thống mang hương vị đậm đà và màu sắc đặc trưng. Theo đó, giá trị truyền thống cơ bản nhất của thương hiệu Hạnh Phúc chính là nằm ở cái “căn cước” nước mắm truyền thống miền Tây Nam Bộ hào sảng.

Sản xuất và giao thương bên dòng Kênh Tẻ, ba mẹ tôi khởi nghiệp bằng tinh thần không ngừng học hỏi, nghe ở đâu người ta làm mắm có gì hay là ba tôi khăn gói lên đường tìm hiểu rồi về tự làm, tự sai lầm, tự rút kinh nghiệm, tự cải tiến.

Đến tận bây giờ, ba cũng thường khi đặt ra cho tôi những bài toán cải tiến chất lượng khá là thách thức. Tâm huyết của ba với nghề sản xuất nước mắm cứ vậy mà cuốn mẹ và tôi vào cái dòng kinh thương bấp bênh, đòi hỏi sự chuyển động, đổi mới để sinh tồn.

Về sản xuất ba tôi lo, còn về kinh doanh thì một tay mẹ tôi cáng đáng. Người kinh doanh như mẹ, ví với dòng nước chảy róc rách đá, mẹ “cân” hết. Đúng nghĩa đen, mỗi khi 3 - 4 tàu cá về cùng lúc, mẹ cân chính xác nhiều tấn cá trong ngày. Thời bao cấp, muốn bán hàng phải qua hệ thống các hợp tác xã… vậy đó rồi cũng một tay mẹ tôi “cân” hết, chưa kể đến hàng tá mối lái tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Mẹ lăn xả, tiếp cận chào hàng, giao hàng, thâu tiền hàng… khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn - Chợ Lớn, chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lần mới xong công việc. Mẹ tôi gan góc lắm!

Cũng vì vậy, một trong những giá trị truyền thống góp phần tạo nên bản sắc thương hiệu Hạnh Phúc hôm nay được hình thành từ tinh thần cần lao, gan góc, không ngừng học hỏi của ba mẹ tôi.

Đại gia đình Hạnh Phúc chúng tôi không chỉ bao gồm gia đình tôi, gia đình cậu út Quốc Hùng, người sát cánh cùng ba mẹ tôi từ thời lập xưởng trong vai trò cải tiến kỹ thuật, mà còn có cả những gia đình của cô chú, anh chị em nhân viên đã gắn bó với Hạnh Phúc từ những năm đầu tiên. Mối kết nối sâu sắc với từng nhân viên trong công ty được bền bỉ duy trì qua những năm tháng quan tâm chia sẻ niềm vui nỗi khổ của từng mái ấm nhỏ, để tạo nên một gia đình lớn.

Ba mẹ tôi cũng là chủ hôn của nhiều cặp vợ chồng, giúp họ xây nhà, tạo công ăn việc làm cho con cái. Thế hệ thứ hai chúng tôi cứ thế cùng lớn lên dưới mái nhà Hạnh Phúc. Ba mẹ tôi đi lên từ bàn tay trắng, tạo dựng được cơ ngơi Hạnh Phúc với nguồn lực trung thành gắn bó, mạng lưới bạn hàng nể trọng thế này phần lớn cũng bằng thái độ đối đãi chân tình, tử tế dành cho mọi người. Đây cũng là một nét truyền thống khắc họa giá trị của thương hiệu Hạnh Phúc.

Không chỉ kế thừa cơ ngơi, nhà xưởng, bản sắc thương hiệu… tôi còn may mắn được kế thừa từ ba mẹ tấm lòng đối đãi giao hòa, hữu ái với anh chị em gia đình Hạnh Phúc và với cộng đồng, địa phương nơi mình giao thương, nương tựa. Khi di dời xưởng đến khu công nghiệp Long Hậu, chúng tôi vẫn duy trì văn phòng tại nơi Hạnh Phúc khai sinh ở đường Tôn Thất Thuyết bên bờ Kênh Tẻ như một biểu tượng về lòng biết ơn sâu sắc.

Ở vị trí của người kế nghiệp, ngoài lòng tri ân sâu sắc, tôi luôn nhắc mình tận tâm gìn giữ và phát huy bản sắc thương hiệu Hạnh Phúc ở thị trường Việt Nam và trong tâm trí người tiêu dùng đã tin chọn chúng tôi hơn bốn thập niên qua.

Nhìn về những giá trị truyền thống của gia đình trong nghề sản xuất nước mắm thủ công, điều gì thôi thúc Huyền Trân trên hành trình tiếp theo của cơ nghiệp gia đình?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Nước mắm Hạnh Phúc thời ba mẹ tôi đã có một cột mốc ghi dấu ấn của sự cải tiến, đổi mới. Đó là thành tựu tiên phong sản xuất nước mắm cao đạm áp dụng quy trình công nghệ cô đặc chân không hiện đại, tạo giá trị gia tăng đáng kể cho nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Để dựng được cột mốc này, cha tôi đã miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm trường kỳ suốt hơn 10 năm. Quả là một cuộc cách mạng bền bỉ từ 1989 đến 1999 nhằm đáp ứng kỳ vọng nâng cao chất lượng cho một dòng mắm truyền thống vốn được coi là quốc hồn quốc túy của cha ông.

Thành công này đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế và tạo tiếng vang lớn trong ngành, được người tiêu dùng cả nước đón nhận với niềm tin yêu và mến mộ thời điểm lúc bấy giờ.

Nối tiếp truyền thống sản xuất kinh doanh với tinh thần cầu thị, cải tiến, đổi mới, tôi cùng nguồn lực của mình sẽ cố gắng tạo ra những giá trị mới trên định hướng lấy chất lượng làm trọng tâm; đặt lợi ích người tiêu dùng đã tin chọn chúng tôi vào vị trí trung tâm trong mọi quyết định sản xuất và kinh doanh. Không thể nói trước điều gì chỉ có thể tận tâm để xứng đáng với những gì ba mẹ và thế hệ quản trị tiền nhiệm giao phó cho chúng tôi.

Môi trường của Hạnh Phúc gói gọn trong tầm dưới 100 con người thôi, nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ nhà thùng Phú Quốc cũng có hạn, nên chúng tôi chủ trương không chạy theo thị phần, không chạy theo số lượng, tôn trọng tối đa nguyên tắc dừng lắng cho nước mắm lên hương, kết tinh những giá trị tốt lành nhất có thể.

Với con người của Hạnh Phúc cũng vậy, mỗi người chuyên tâm làm tốt một khâu để họ cảm nhận được sự vững chãi trong nghề. Nhìn cách ba mẹ đối xử tốt với nhân viên, sau hơn 40 năm họ vẫn gắn bó với công ty, tôi biết làm sao để duy trì sự thấu hiểu của chủ doanh nghiệp với nhân viên mới là khó nhất.

Người được chọn

Việc tiếp quản gia nghiệp có phải là “sứ mệnh nặng nề” mà Huyền Trân buộc phải gánh lấy?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Tạo ra một doanh nghiệp Hạnh Phúc quả thực không dễ dàng, đó là cả một quá trình vun bồi cho những phẩm chất cần có để mỗi con người trong đó được hạnh phúc hơn, lạc quan hơn, thành công hơn… đã thấm vào trong máu thịt, trở thành lẽ sống hàng ngày.

Ngay từ nhỏ, mỗi lần đi học về là tôi phụ các cô súc chai, phụ mẹ thu mua cá, muối… lớn hơn chút xíu thì nhảy vô sổ sách, tham gia các hội chợ… tôi đã thấm vào trong mình dòng chảy của công việc. Được biết có những gia nghiệp cũng có quy mô và nền tảng tốt mà không ai tiếp nối, tôi nhìn ba cũng rất xót xa. Nối nghiệp ba mẹ, lo cho đại gia đình Hạnh Phúc, đến giờ này, thật lòng cũng là sở nguyện của bản thân tôi.

Tôi tìm cho mình nguồn động lực từ hình ảnh các cô trong xưởng và mẹ tôi xách mấy chục chai nước mắm đi bán lặc lè cực lắm, rồi thâu chai, súc chai; hình ảnh các chú gắng cùng cha tôi cặm cụi tìm tòi phương pháp cải tiến bởi công nhân không thể nào học hỏi được hết nhưng chuyển động từ tốn, chậm rãi đó bắt đầu gợi lên trong tôi ý niệm về sự dừng lắng đáng suy ngẫm. Các cô chú ấy giờ vẫn còn làm ở nhà máy, nên tôi muốn tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên vốn đã xem Hạnh Phúc là ngôi nhà lớn của họ để gắn bó lâu năm.

Thế hệ trước đã cống hiến rất nhiều, để tạo dựng tên tuổi Hạnh Phúc, tôi biết ơn về điều đó, phải giữ sao cho đời sống anh chị em đầy đủ, mọi người thấy niềm vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa. Làm trong môi trường thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc, đem không khí đó về xây dựng gia đình nhỏ, từ hạnh phúc nhỏ mới có được hạnh phúc lớn.

Cái tên Hạnh Phúc cũng là một cơ duyên, một niềm xác tín mà cuộc đời đã đặt lên vai cha tôi, để ông có thể biến nó thành triết lý sống cho đại cuộc, và cho dòng họ biết trân quý từng giọt nước mắm truyền thống. Trách nhiệm với gia nghiệp, tôi không phân nặng nhẹ mà chỉ hướng đến sự cân bằng.

Nói đến sự cân bằng, triết lý sống nào giúp Huyền Trân tiệm cận sự cân bằng mà chị hướng đến?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Trong mỗi người luôn có thử thách, phải tìm cho mình lối sống tích cực, thực hành hàng ngày, kết nối với người có lối sống như mình, để tạo thành cộng đồng cùng đi với mình trên con đường đó. Để làm được vậy, trước hết mình phải tìm ra những kết nối đem lại niềm vui cho bản thân.

Tôi rất thích hương thơm của hoa, chỉ cần hít hà hương hoa là thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng hơn nên tôi đã mở riêng một tiệm hoa, đặt tên là Les Abeilles (tiếng Pháp là những con ong) với cảm hứng từ hình ảnh đàn ong chăm chỉ, đoàn kết, vui vẻ, náo nhiệt, năng lượng tràn trề như niềm vui đem mật về tổ.

Tôi thường không ra ngoài nhiều, sau khi rời xưởng, tôi ghé tiệm hoa để thưởng thức niềm vui hương sắc, quan sát người thích hoa, đến tiệm hoa tự lựa chọn những bông hoa giản dị rồi tự phối theo cách họ thích. Sau tiệm hoa, tôi sẽ mở thêm tiệm cà phê Ravie (Niềm hạnh phúc) vào tháng 12 này, như một salon văn hóa rất nhẹ nhàng với những hoạt động trao đổi trò chuyện từ các nhà văn hóa, nghệ thuật…

Đối diện với những bài toán về năng suất và áp lực về cạnh tranh không lành mạnh… khiến tôi căng thẳng. Những lúc như vậy, tôi chọn cho phép bản thân mình dừng lắng để tiệm cận trạng thái cân bằng, từ đó lắng nghe tiếng nói bên trong mình, cảm nhận sự hoàn thiện, ổn định thân tâm trí để tập trung và sáng tạo hơn; như chính đời của giọt nước mắm Hạnh Phúc tinh tuyền dừng lắng qua nhiều điểm gia tăng giá trị, đạt đến phẩm cấp hảo hạng.

Để cân bằng giữa công việc và gia đình, những bữa cơm chiều đầy ắp tiếng cười và huyên náo những câu chuyện xoay quanh chén nước mắm lừng mỹ vị tình thân cũng là thử thách với bản thân tôi.

Giờ mọi thứ dần ổn định, mọi người cảm thấy vui vẻ, mình lại quay về với chính mình. Từ nhỏ làm việc với cha trong công ty, tôi hầu như đánh mất sở thích của mình, không xây dựng vun đắp bản thân, tâm trạng không có gì mới mẻ, bị dao động và đi xuống… điều đó thôi thúc mình làm gì đó để hạnh phúc. 

Khi anh em nhận thấy người lãnh đạo có cuộc sống như vậy mới có thể đặt niềm tin và hy vọng vào mình, động lực đó khiến mình luôn giữ lửa, bước đi nhẹ nhàng để tận hưởng cuộc sống.

Đúng là chất, đúng là mình

Huyền Trân ấp ủ điều gì cho hành trình tiếp nối thương hiệu Hạnh Phúc?

Chị Lê Nguyễn Huyền Trân: Năm sau, Hạnh Phúc chạm cột mốc 45 năm hành trình, tôi cùng với Thiên Ân, con trai chú Quốc Hùng, người cũng phụ trách phát triển kinh doanh và truyền thông bắt đầu hành trình tiếp biến, mang những giá trị truyền thống từ 1979 vào một bối cảnh mới; cũng vẫn với cách làm từ tốn, nhẹ nhàng để những giá trị của doanh nghiệp thấm dần vào đời sống người tiêu dùng. Thiên Ân hiện là một nguồn năng lượng trẻ, mới mẻ của gia đình Hạnh Phúc, đồng hành cùng tôi, chị em nhìn nhau tạo động lực, tôi cảm thấy mình không độc hành.

Bấy lâu nay, Hạnh Phúc đã tốt và được xã hội công nhận. Nước mắm Hạnh Phúc may mắn lại được người tiêu dùng kỹ tính tin yêu và chọn dùng; dần dà thương hiệu được ưu ái truyền miệng. Chúng tôi thực sự cảm kích.

Ở hành trình tiếp nối, chúng tôi mong muốn thương hiệu Hạnh Phúc không chỉ là một thương hiệu được truyền miệng mà sẽ có thể dịch chuyển dần sang vị thế một thương hiệu truyền cảm hứng trong tâm trí người tiêu dùng.

Ba mẹ chúng tôi đã nỗ lực hơn bốn thập niên để từng chai nước mắm dán nhãn Hạnh Phúc đạt đến phẩm cấp hảo hạng. Phẩm cấp hảo hạng của Hạnh Phúc bấy lâu nay không chỉ là nước mắm ngon, mà còn là cách mỗi con người trong ngôi nhà Hạnh Phúc chúng tôi sống với nghề, sống với nhau và sống với cộng đồng.

Đời lừng mỹ vị ở Nước mắm Hạnh Phúc 1
Chị Trân cảm thấy may mắn được kế thừa từ ba mẹ tấm lòng đối đãi giao hòa, hữu ái

Triết lý dừng lắng của đời mắm dường như thấm vào huyết quản, để chúng tôi biết chậm lại, thanh lọc chính mình, nhìn thấy mình rõ hơn, kết tinh những giá trị đẹp trước hết là cho một bản thể tốt đẹp, sau đó là dâng hiến cho nghề, cho đời.

Với người tiêu dùng, chúng tôi tin, rằng: phẩm cấp hảo hạng của Hạnh Phúc không chỉ là nước mắm ngon, mang đến cho người tiêu dùng những món ăn ngon, những bữa cơm ngon mà chúng tôi cũng thực sự mong muốn chất lượng đời sống của những người tiêu dùng đã tin chọn chúng tôi cũng ngon lành ở ngưỡng phẩm cấp hảo hạng.

Chúng tôi muốn chia sẻ nhiều hơn đến người tiêu dùng về những giá trị tích cực góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống để khi ngồi xuống ăn chai nước mắm, quây quần bên bữa cơm, họ nhận thấy như mình đang thưởng thức mỹ vị tốt lành của đời sống.

Quy mô nhỏ, ngân sách có hạn, tiếp cận bài bản, giúp chúng tôi tìm ra được thông điệp “Lúc ta dừng, Đời lừng mỹ vị” trên nền tảng của triết lý dừng lắng.

Không nói về nước mắm, không nói về hạnh phúc bởi mỗi người sẽ có định nghĩa riêng về hạnh phúc một khi chất lượng cuộc sống của họ ở trạng thái tốt đẹp và bản thân họ tìm thấy mình ở tâm thế vững chãi, cân bằng, tươi mới.

Hành trình lan tỏa thông điệp vẫn còn thách thức ở chỗ chúng tôi phải nói thế nào để tự mỗi người cảm nhận được giá trị riêng mình trong tâm thế dừng lắng. Dừng lắng vốn là một giá trị sẵn có, đang được thực hành hàng ngày từ tác phong quản trị đến quy cách sản xuất tại Hạnh Phúc, chỉ chưa được gọi tên. Thông điệp truyền thông Hạnh Phúc không quá “xu hướng”, nhưng đúng là chất và đúng là mình.