Khát vọng lớn trong dòng chảy nước mắm truyền thống
Đặng Hoa
Thứ sáu, 19/02/2021 - 08:21
Nước mắm không chỉ là gia vị, là sản phẩm kinh doanh mà còn là hộ chiếu ẩm thực, là những giọt tinh túy chứa đựng các giá trị truyền thống, dòng chảy văn hóa và hồn cốt của dân tộc.
Có một người trẻ đang miệt mài trên hành trình bảo tồn và nâng tầm những giọt tinh túy ấy!
Những ngày cận Tết, văn phòng đại diện của thương hiệu Nước mắm Lê Gia nằm trên đường Phạm Thận Duật (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Tiếng ô tô đến chở hàng, tiếng người í ới gọi nhau bốc hàng rồi kiểm kê dưới tầng một, tiếng gõ máy lạch cạch không ngớt trên tầng hai.
Khá im ắng trên tầng ba, có đôi vợ chồng trẻ đang đắm mình trong dòng suy nghĩ về hành trình 5 năm khởi nghiệp đầy sóng gió vừa qua và những kế hoạch táo bạo sẽ được triển khai ngay trong năm mới nhằm sớm hiện thực hoá khát vọng nâng tầm sản phẩm nước mắm truyền thống của vùng quê xứ Thanh.
Hành trình khởi nghiệp đầy “giông bão”
“Tôi là người khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh”, anh Lê Anh, nhà sáng lập thương hiệu nước mắm Lê Gia mỉm cười nhớ lại điểm xuất phát hành trình khởi nghiệp của mình. Không có kiến thức về thị trường và vốn liếng cũng rất ít ỏi, hành trang duy nhất anh có vào thời điểm đó là tình yêu với nước mắm và sự ủng hộ hết mình của chị Vân - vợ anh.
Sinh ra trong một làng nghề làm mắm ở một vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa, anh Lê Anh lớn lên cùng những bát cơm nóng hổi chan nước mắm, cùng mùi nước mắm mẹ khuấy trong chum bốc lên mỗi trưa hè quyện vào từng giấc ngủ. Tình yêu nước mắm lớn lên trong anh tự bao giờ, thấm vào từng thớ da, thớ thịt và trở thành một phần không thể thiếu. Để rồi khi trưởng thành lên thành phố ăn nước mắm ngoài hàng, anh lại nhớ đến mùi vị của quê hương.
Mỗi con người thường sẽ có những quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, với anh Lê Anh, đó là lúc anh quyết định từ bỏ nghề kỹ sư xây dựng có mức thu nhập hơn hai nghìn USD/tháng tại một doanh nghiệp nước ngoài để trở về quê kế nghiệp của cha ông.
“Chỉ đơn giản là vì tôi thích mắm”, anh chia sẻ và nhớ lại thời điểm 5 năm trước, kiệt quệ là hai chữ mà báo giới dành cho nghề nước mắm truyền thống. Người trẻ không còn mặn mà, nghề làm mắm đứng trước nguy cơ mai một. Điều này cũng không quá khó hiểu vì đây là một ngành cực kỳ khốc liệt, sản xuất lâu, đọng vốn, thu tiền lẻ, khó mở rộng quy mô…
“Tôi tự hào mình là người sản xuất nước mắm truyền thống trẻ nhất Việt Nam”, vị doanh nhân 8X nói.
Lê Anh thừa nhận, quyết định khởi nghiệp của anh có phần mạo hiểm và ngông cuồng. Thông thường, các nhà khởi nghiệp sẽ đi từ nhu cầu của thị trường rồi mới quay về sản xuất với một triển vọng sáng sủa. Còn anh lại “ngược chiều”, bắt đầu từ sản xuất rồi mới tìm đến thị trường cho dù biết rất rõ tương lai mù mịt với nhiều rủi ro.
Có một chuyên gia đã từng nhận xét anh là người “cố chấp kiểu đáng yêu” khi lắc đầu trước lời khuyên đặt xưởng ở vùng Nam Trung Bộ để tận dụng khí hậu nắng quanh năm nhằm giảm được rất nhiều chi phí lại tăng được sản lượng. Bởi lẽ anh Lê Anh xác định, sản phẩm của Lê Gia phải gắn bó với quê hương.
Trước khi triển khai, anh tìm đến tham vấn ý kiến các chuyên gia như tiến sĩ “mắm” Trần Thị Dung, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành… Sau đó anh tìm tòi, thử nhiều loại cá, nhiều tỷ lệ và thời tiết để ra được công thức và cách làm của mình. Gần như không có làng mắm nào từ Bắc chí Nam mà anh chưa tìm đến.
Anh chia sẻ, cái hay của nước mắm truyền thống là mỗi nhà sản xuất có một bí quyết, tỷ lệ riêng để tạo nên mùi vị đặc trưng và bản sắc, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Như nước mắm của Lê Gia được tạo nên với các đặc trưng: nguyên bản tự nhiên, hậu vị thanh, mùi thơm dịu.
Rồi anh bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên, xây nhà xưởng trên mảnh đất trống mà ông nội để lại cho các chú, thuê thợ đóng thùng gỗ, thử các phương pháp. Anh liều lắm, chỉ có chút vốn liếng mà đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để đóng mỗi thùng ướp chượp khổng lồ dù chẳng biết liệu một ngày tài sản có “đội nón ra đi” hay không.
“Đó là một hành trình vất vả. Khi đến với nó, thứ đầu tiên tôi nghĩ không phải là tiền vì nếu đặt lợi ích về tiền bạc lên trước thì sẽ không làm được. Được làm điều mình thích, có giá trị với tôi đó là hạnh phúc”, anh Lê Anh chia sẻ.
Sản xuất được sản phẩm rồi, để đưa được sản phẩm đến với người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu và gia tăng giá trị cho công ty lại là một thách thức lớn không kém. Suốt ba tháng hè của năm đầu tiên đưa sản phẩm ra thị trường, anh cùng vợ mang sản phẩm đến khu du lịch Hải Tiến nài nỉ từng cửa hàng cho đặt kệ, đến từng mâm cơm mời khách nếm thử sản phẩm của mình.
“Buồn là cứ một mâm cơm 10 người thì đã có tới tám người ăn nước mắm công nghiệp, hai người còn lại đã có loại nước chấm quen dùng nên họ lắc đầu, thậm chí xua đuổi, nhiều người còn nói những câu rất khó nghe. Lúc đó tôi mới cảm nhận được bóng tối tương lai, nghĩ liệu mình có đi sai đường hay có gì không ổn hay không”, anh Lê Anh nhớ lại.
Những lúc muốn dừng lại, anh nghĩ đến lý do mình bắt đầu. Một phần, anh đã nhận được quá nhiều sự kỳ vọng, hỗ trợ từ gia đình và người thân. Ngoài ra, hai chữ tử tế và cần cù cùng tình yêu nước mắm đã tiếp sức cho vợ chồng anh bước tiếp.
Ba tháng hè bươn chải đó đã cho anh nhiều thông tin phản hồi từ thị trường, rồi anh nhìn thấy “khe sáng” của thị trường khi nhận ra trong một mâm cơm thường sẽ có một vài em bé được bố mẹ cho đi cùng.
Nắm bắt xu hướng các mẹ cần gia vị sạch cho con trong thời kỳ ăn dặm, anh quyết định chọn lối đi riêng bằng cách sản xuất nước mắm dành cho bé với thành phần 100% tự nhiên, không có phụ gia, đầu tư thiết kế, bao bì phù hợp. Chiến lược của Lê Gia là từ sản phẩm dành cho bé sau khi được các mẹ tin dùng sẽ tin tưởng thương hiệu và từ đó sẽ dùng sang các loại sản phẩm khác làm từ mắm của Lê Gia.
Liên tục lắng nghe và thấu hiểu khách hàng để đầu tư vào trải nghiệm là một trong những yếu tố mang lại tính cạnh tranh cho Lê Gia. Có lẽ chẳng có nhà sản xuất nước mắm truyền thống nào lại dám đầu tư gần nửa tỷ đồng chỉ để thiết kế và làm khuôn sản xuất chai đựng có cổ chai có thể khống chế được lượng mắm rót ra, không đọng lại thừa trên cổ chai; nắp chai thì thao tác mở, đóng dễ dàng, đảm bảo an toàn và sạch sẽ so với loại nắp bật thông thường.
Doanh nghiệp này cũng chịu khó đầu tư vào mẫu mã, bao bì, làm nên các hộp đựng đẹp, sang trọng, tinh tế, phù hợp để làm quà tặng, tiện dụng trong sử dụng cho người tiêu dùng. Anh Lê Anh cho biết, sẽ làm tất cả những gì có thể làm được cho khách hàng trong khả năng, trên tinh thần “gieo trước gặt sau”.
“Đây cũng là một cách để nâng tầm nước mắm truyền thống vì nếu một chai nước mắm không đủ độ sang, không đủ độ tinh tế sẽ không được chọn làm quà tặng. Với người dân Việt, nước mắm đậm đà, thể hiện cho kết giao tình thân, tình cảm mặn nồng. Việc dùng nước mắm truyền thống làm quà tặng như nâng tầm một sản phầm quốc hồn quốc túy của cha ông”, anh Lê Anh cho biết.
Đến nay, thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia đã sống được và đang lớn dần mặc dù phải trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. Các sản phẩm từ mắm của Lê Gia đã có mặt trên kệ của các hệ thống siêu thị lớn, luôn lọt vào danh sách gia vị bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm nước mắm cho bé Lê Gia đã được các hệ thống thương mại sản phẩm cho mẹ và bé uy tín cho lên kệ bán.
Không chỉ phân phối trong nước, thương hiệu mắm Lê Gia đã có mặt tại những thị trường khó tính nhưng tiềm năng trên thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Liên bang Nga, Panama…
Còn những trăn trở lớn hơn
Dù đã đạt được một số thành tựu nhưng với anh Lê Anh, vẫn còn rất nhiều thử thách ở phía trước. Không chỉ là tăng độ phủ sóng của Lê Gia mà vị doanh nhân đến từ xứ Thanh vẫn luôn trăn trở về bài toán nâng tầm nước mắm truyền thống cũng như góp sức phát triển quê hương.
Những đặc tính cố hữu của việc sản xuất nước mắm truyền thống như đòi hỏi nguồn lực lớn, đọng vốn, thu tiền lẻ… dường như chưa phải là khó khăn lớn nhất đối với Lê Gia nói riêng và nước mắm truyền thống nói chung. Vấn đề khiến anh Lê Anh đau đáu bấy lâu nay vẫn là sự thay đổi trong khẩu vị của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng không thể chờ được vị ngọt của đạm cá đến sau vị mặn. Người trẻ thậm chí bây giờ còn ăn tương ớt thay vì nước mắm nữa cơ, và thị phần nước mắm truyền thống ngày càng hẹp, có những khi chỉ còn 10%”, anh Lê Anh cho biết.
Theo doanh nhân này, thị hiếu của người tiêu dùng theo kiểu quá “fast-food”(ăn nhanh) mà chưa hiểu được những giá trị của nước mắm truyền thống, chưa hiểu được sự chắt chiu để làm ra được từng giọt nước mắm rất thật, chất và tinh túy.
Trong Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam diễn ra tháng 10/2020, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc đã cho rằng, nước mắm không chỉ là gia vị cho bữa ăn mà còn là giá trị truyền thống, giá trị văn hóa.
“Trong nước mắm không chỉ có muối, cá mà còn có nắng, gió, mồ hôi, tấm lòng của dòng chảy dân tộc”, chủ tịch VCCI nói.
Việc thay đổi người tiêu dùng, đặc biệt với người trẻ là câu chuyện quá lớn và đòi hỏi một nỗ lực rất bền bỉ của những người làm nước mắm truyền thống. Cách Lê Gia đang làm hiện nay là truyền thông minh bạch. Lê Gia kể những câu chuyện văn hóa rất thật, rất đời gắn với sản phẩm.
Trong đó, Lê Gia đầu tư vào nhà thùng ở Hải Tiến (Thanh Hóa) tại khu sản xuất để mời khách đến tham quan tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm, để xóa bỏ những định kiến về nước mắm truyền thống và cảm nhận được sự tinh túy trong từng giọt mắm. Khi họ được tận mắt chứng kiến quy trình làm mắm sạch, tự nhiên và bền vững, tư duy và hành động của họ sẽ thay đổi, họ sẽ sẵn sàng chờ được vị ngọt của đạm cá đến sau vị mặn.
Trong năm 2021, Lê Gia sẽ làm nhà máy trên cơ sở trải nghiệm du lịch kiểu trang trại giáo dục (edufarm). Đối tượng khách hướng đến không chỉ là du khách đến Hải Tiến mà còn là thế hệ trẻ, học sinh của các trường.
Theo chị Vân - vợ Lê Anh, việc xây dựng trải nghiệm sâu sắc về sản xuất và sử dụng nước mắm sẽ giúp khách đến nắm bắt được tất cả thành tố cấu tạo nên sản phẩm, để thấy rằng những đặc sắc trong ẩm thực Việt Nam gắn liền với cuộc sống của người dân. Đó là những đoàn thuyền đánh cá đặc trưng cho vùng biển miền Trung, những luồng cá đặc sản trên biển Việt Nam; những cánh đồng làm muối, các diêm dân; đời sống văn hóa đặc sắc của cộng đồng ngư dân, diêm dân và người làm nước mắm; đặc biệt đó còn là quá trình ngâm, ủ, chăm sóc và đón chờ từng giọt nước mắm nhỉ.
Không đi nhanh nhưng Lê Gia lựa chọn đi bền vững. “Khi ký quyết định giao đất cho Lê Gia, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có nói rằng nếu xã chuyển đổi đất này thành đất ở thì có thể thu được khá nhiều tiền ngay; nhưng giao cho Lê Gia làm dự án du lịch trải nghiệm gắn với nghề làm nước mắm truyền thống của địa phương, việc thu tiền của xã sẽ là bền vững, lâu dài”, anh Lê Anh kể lại.
Những nỗi niềm với quê hương cũng là lý do anh Lê Anh quyết định tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Thanh Hóa, bởi lẽ theo anh, OCOP là minh chứng cho tính cộng đồng và đặc sắc bản địa. Mới đây, sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Lê Gia được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao, trong đó có hai sản phẩm đang đề xuất công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia.
Sang nửa cuối năm 2021, dự án trải nghiệm du lịch được kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị mới cho Lê Gia, cho nước mắm truyền thống và cho khách du lịch cũng như cộng đồng bản địa. Đặc biệt, tâm huyết và kỳ vọng cho dự án này của nhà đầu tư trẻ sẽ góp sức làm đẹp và phát triển quê hương; từ đó kéo được nhiều bạn trẻ trở về làm thay da đổi thịt những vùng quê còn nghèo ở xứ Thanh.
Nhìn bề ngoài, hắn bình thường và khó đoán. Da trắng, tóc húi cua như người Nhật. Trái với vẻ bề ngoài nhu mì, hắn quyết đoán và tinh tế. Là chủ nhân của bảo tàng nước mắm “Làng Chài Xưa” và show diễn “Huyền thoại làng Chài” (Fishermen Show) ở Phan Thiết. Cả hai đều cực chất, được dân du lịch đánh giá là độc bản.
Mắm Châu Đốc Bà Giáo Khỏe đã trở thành di sản đáng tự hào của một nền văn hóa cá trải dài suốt 100 năm lịch sử của đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng phải đến hậu duệ đời thứ tư, với tình yêu khoa học và cái “gen” của gia đình từ thời mở cõi, anh Nguyễn Phụng Hoàng mới mở ra cánh cửa xuất khẩu cho hơn 30 loại mắm với giá trị gia tăng cao hơn bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại.
Kinh doanh đủ mọi nghề để tích luỹ vốn liếng, chàng trai trẻ Trần Ngọc Dũng đã làm một cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục, biến làng chài Khánh Thiện thành “bảo tàng sống” để du khách rung động và biết yêu hơn giọt nước mắm truyền thống.
Vai trò của Nhà nước, của những nhà làm luật trong các cuộc chơi, các cuộc tranh tài như những gì đang diễn ra giữa chai nước mắm truyền thống và chai nước mắm công nghiệp trở nên vô cùng quan trọng.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.