Đối tác Nhật 'bơm vốn' cho Netland mở rộng đầu tư

Hứa Phương - 08:00, 14/03/2019

TheLEADERNguồn tiền thu được từ phát hành cổ phiếu cho đối tác Nhật Bản sẽ được dùng để đầu tư vào căn hộ cao cấp và đất nền đô thị bên cạnh bất động sản nghỉ dưỡng, Phó Tổng giám đốc Netland Nguyễn Hữu Quang cho biết.

Đối tác Nhật 'bơm vốn' cho Netland mở rộng đầu tư
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Netland.

Được biết sắp tới Netland sẽ mở văn phòng đại diện ở Nhật Bản, ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Đây là một trong những nội dung hợp tác giữa Netland và Sanei Architecture Planning Ltd. Tất cả các nội dung và chương trình của Netland triển khai bên Nhật sẽ do Sanei Architecture Planning Ltd tư vấn và làm đầu mối. Ngược lại, các chương trình cũng như đầu tư của Sanei Architecture Planning Ltd tại Việt Nam sẽ do Netland làm đầu mối và Sanei Architecture Planning Ltd sẽ ưu tiên vốn cho Netland phát triển dự án tại Việt Nam.

Đại diện của Sanei Architecture Planning Ltd cho biết đã đầu tư khoảng 50 triệu USD tại Việt Nam. Họ dự kiến sẽ nâng mức đầu tư lên đến 100 triệu USD trong năm nay, trong đó có ưu tiên cho các dự án của Netland.

Khi mở xong văn phòng đại diện ở Tokyo, Netland cũng đưa các dự án qua Nhật Bản để giới thiệu thông qua Sanei Architecture Planning Ltd. Bên cạnh đó, Netland cũng bán các sản phẩm bất động sản của đối tác Nhật cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Người Việt Nam đã đầu tư rất nhiều bất động sản ở Hoa Kỳ, Australia thì tại sao với Nhật mình lại không làm và Netland sẽ là người tiên phong làm việc này. Việc Netland mở văn phòng đại diện ở bên Nhật là nằm trong kế hoạch đó.

Netland đã thương thảo với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng cuối cùng tại sao lại chọn công ty Nhật làm đối tác chính?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Hiện nay Netland đang có hai cổ đông lớn là Sanei Architecture Planning Ltd (10% cổ phần) và G7-Holdings INC (6% cổ phần) đều đến từ Nhật Bản. Bên cạnh đó Netland cũng đang nhận được sự quan tâm của các tập đoàn khác đến từ Nhật.

Trước khi làm việc với các đối tác Nhật, Netland cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư Thụy Sĩ, Trung Quốc, Singapore... Trong quá trình thương thảo với các đối tác này, Netland gặp được đại diện của Sanei Architecture Planning Ltd.

Chúng tôi thương thảo song song với các đối tác trên nguyên tắc đối tác nào xong trước, chốt được giá tốt thì sẽ bán cho đối tác đó. Cuối cùng, Netland đã ký được với Sanei Architecture Planning Ltd. 

Cần phải nói thêm rằng, khi thương thảo với Sanei Architecture Planning Ltd, Netland còn chưa nhận giấy phép là công ty đại chúng. Tuy nhiên, đối tác Nhật vẫn chấp nhận mua và mua với giá rất tốt. Từ đó, Sanei Architecture Planning Ltd trở thành đối tác chiến lược của Netland vào tháng 2/2018.

Công ty Nhật Bản có tính cộng đồng rất cao. Khi đã có một nhà đầu tư tham gia đầu tư thì những nhà đầu tư khác đơn giản hơn bởi vì nhà đầu tư đến sau dựa trên kết quả thẩm định của nhà đầu tư đến trước.

Theo kế hoạch, Netland sẽ cần khoảng 800 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án trong thời gian tới. Các đối tác Nhật có kế hoạch bơm vốn cho công ty hay không hay Netland tính phương án đi vay ngân hàng?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Hiện Netland mới chỉ vay 38 tỷ đồng để đầu tư trụ sở, chứ chưa vay vốn để đầu tư dự án. Con số 20 tỷ đồng vay đối tác nước ngoài trong báo cáo tài chính là tiền đặt cọc của Sanei Architecture Planning Ltd để mua 2,4 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ mới đây từ 120 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng.

Netland đang chủ động được tài chính nên chưa sử dụng vốn vay. Trong tương lai, tùy thuộc vào kế hoạch phát triển sẽ quyết định có vay hay không và nếu có vay thì cũng vay với tỷ lệ kiểm soát được.

Cụ thể, vốn để triển khai dự án Barya City lấy từ nguồn phát hành cổ phiếu; dự án cao ốc ở Phan Thiết đã nộp xong tiền sử dụng đất. Đối với dự án Cồn Tân Lập ở Nha Trang, Netland chỉ góp 20% vốn và hiện cổ đông Nhật Bản đã rót nguồn vốn này.

Riêng đối với dự án Sài Gòn Metro Mall thì Netland dùng một phần nguồn vốn tự có để thanh toán, phần còn lại lấy từ lợi nhuận và từ tiền thu của khách hàng. Netland chỉ là nhà đầu tư thứ cấp của dự án Non Nước nên chỉ đặt cọc lượng vốn nhỏ và sau đó phân phối. Dự án Haborizon đã làm xong và dự kiến năm 2019, Netland sẽ thu khoản tiền hợp tác đầu tư về để tiếp tục đầu tư vào các dự án đang triển khai.

Netland khởi đầu kinh doanh bất động sản bằng việc phân phối và sau đó hợp tác đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tại sao công ty lại lựa chọn phân khúc này, và sắp tới có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các phân khúc khác hay không?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Netland khởi đầu đi lên từ thị trường ngách, là những sản phẩm nghỉ dưỡng, khu đô thị ven biển như Queen Pearl, Queen Pearl giai đoạn mở rộng hay Haborizon. Hiện nay và trong thời gian tới Netland sẽ tiếp tục đầu tư phân khúc này.

Đây là phân khúc nhiều tiềm năng và nhu cầu có thực. Ở các nước phát triển trên thế giới, phân khúc này phát triển rất mạnh. Cũng cần nói rằng ở thị trường TP. HCM quỹ đất không còn nhiều, giá rất cao, biên lợi nhuận thấp.

Ngoài phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Netland đã bước qua phân khúc căn hộ cao cấp và đất nền khu đô thị.

Trong năm 2019, Netland triển khai dự án căn hộ cao cấp ở Nha Trang với 1.504 căn hộ; dự án căn hộ cao cấp Phan Thiết; dự án căn hộ cao cấp Barya Citi; dự án Non Nước 7ha ở Đà Nẵng bao gồm khu biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng và hai khách sạn; dự án đất nền ở Cà Mau.

Đâu là thị trường Netland nhắm tới trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Chúng tôi nhắm đến TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, các tỉnh thành phố mới nổi như Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai, Cần Thơ và thị trường nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!