Leader talk
Đóng góp cho giáo dục, y tế của doanh nghiệp: Trách nhiệm xã hội hay từ thiện?
Các quĩ phát triển giáo dục và xã hội lớn nhất trên thế giới hiện nay như Ford foundation, Toyota, Samsung… đều là của các doanh nghiệp. Ở các nước phát triển việc các doanh nghiệp đóng góp cho giáo dục, y tế không phải là hành động từ thiện mà là một nghĩa vụ bắt buộc và là giá trị đạo đức của doanh nghiệp đối với xã hội.
LTS: Trong chuyên đề “Thương hiệu Việt- Sức mạnh nội lực của nền kinh tế” do TheLEADER thực hiện nhân kỷ niệm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, không thể không đề cập đến Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp(CSR), một chủ đề mà nhiều doanh nghiệp cũng như trong cộng đồng vẫn còn có cách hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng và đôi khi có sự lẫn lộn giữa các giá trị.
Bài viết của TS Nguyễn Minh Hòa dưới đây là một góc nhìn sâu sắc về CSR.
3 ý thức về trách nhiệm và 5 cái lợi của CSR
Nói về CSR, bản thân doanh nghiệp cần ý thức được ba điều sau đây:
Một là họ có nghĩa vụ phải tham gia vào việc đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực, bởi bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sử dụng một đội ngũ đông đảo các kỹ sư, cử nhân và lao động lành nghề. Những người này tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, do vậy doanh nghiệp phải trích một phần trong doanh thu của họ cho công việc đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực, không thể có chuyện anh sử dụng lao động được đào tạo miễn phí. Đó là nghĩa vụ.
Thứ hai, bất kỳ sản phẩm nào mà các doanh nghiệp làm ra, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, nhỏ như cây kim, mỏng như Durex, bé như một viên thuốc thì nguồn của nó cũng phải khai thác từ thiên nhiên, mà hiểu theo đúng nghĩa thì “mẹ thiên nhiên” là của chung tất cả chúng ta, không phải của riêng ai, chưa kể các nước có chính kiến rằng tài nguyên là của toàn dân, thì sở hữu về tài nguyên thiên nhiên lại càng rõ hơn nữa. Anh lấy của tôi (dù chỉ là một phần) thì anh cũng phải trả lại cho tôi dưới dạng này hay dạng khác. Đó là trách nhiệm.
Thứ ba là các doanh nghiệp sản xuất phải trả chí phí cho việc làm tổn hại hữu hình và vô hình cho xã hội qua hành vi sản xuất của mình. Bất luận anh sản xuất cái gì cũng mang lại những tổn hại cho môi trường sống và xã hội được nhìn thấy như khói bụi, tiếng ồn, nhiệt độ, khí thải, chất độc, rác...Những tổn hại đo lường được này không chỉ phát sinh trong quá trình sản xuất mà còn trong quá trình sử dụng và cả khi nó kết thúc vòng đời của một sản phẩm, chẳng hạn rác điện tử là một trong những thứ gây rắc rối nhất cho môi trường trong giai đoạn hiện nay.
Những ngành sản xuất mang lợi nhuận lớn nhưng tác hại trực tiếp thì cũng vô cùng lớn như thuốc lá, rượu bia, nước giải khát có gas,.. và những tổn hại không thấy được ngay như gây thiệt hại đến tâm thế con người lâu dài trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, gây đam mê thái quá, làm lệch lạc hành vi, sai lầm nhận thức, thậm chí là hệ quả cho muôn đời sau, những sản phẩm của công nghệ thông tin, sản phẩm sinh học biến đổi gen là những ví dụ điển hình cho trường hợp này. Việc doanh nghiệp phải trả chi phí bù đắp cho những tổn hại hữu hình và vô hình cho xã hội này là đạo đức.
Việc trả chi phí này thông qua hai cách, một là nộp cho chính phủ theo luật định (có thể 0.2 đến 0.5 % tùy theo hoàn cảnh mỗi nước, lợi nhuận mỗi doanh nghiệp); sau đó chính phủ điều tiết lại cho các cơ sở đào tạo thông qua việc phân bổ tài chính quốc gia cho giáo dục, việc xây dựng các công trình phục vụ giáo dục, và trợ giúp khẩn cấp.
Hai là tự mỗi tập đoàn, công ty thực hiện việc chia xẻ lợi ích cho giáo dục, thông qua các chương trình thường thấy, bao gồm xây dựng các quĩ phát triển giáo dục như trao học bổng cho sinh viên (nhất là sinh viên nghèo), nghiên cứu sinh; tài trợ cho các chương trình nghiên cứu khoa học (chủ yếu là cho nghiên cứu khoa học cơ bản không sinh lời); đặt ra các giải thưởng nghiên cứu khoa học thường niên, hoặc trực tiếp tài trợ cho việc phát triển cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, thư viện, sân thể thao, các cuộc thi, các hoạt động ngoại khoá cho sinh viên…
Một số doanh nghiệp chọn cách nộp tiền, nhưng phần nhiều doanh nghiệp chọn cách thứ hai là tài trợ thông qua các chương trình khác nhau. Với cách này doanh nghiệp sẽ được 5 cái lợi sau đây:
Thứ nhất là tạo dựng được một hình ảnh đẹp của công ty, sản phẩm của mình trong xã hội và trên thương trường. Mỗi khi nhắc đến doanh nghiệp đó người ta không chỉ nói về thành công trong sản xuất, buôn bán mà còn là tấm gương của hoạt động xã hội. Những doanh nghiệp này được xã hội tôn trọng và hàng hóa của họ thường được ưu tiên khi người tiêu dùng lựa chọn, kể cả trong trường hợp sản phẩm bị lỗi thì người tiêu dùng cũng dễ thông cảm và không tẩy chay hàng hoá của đơn vị đó.
Thứ hai là doanh nghiệp đó được các nhà quản lý quan tâm, các lãnh đạo chính trị sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cho thấy thường những công ty tử tế khi gặp khó khăn khách quan thì các ngân hàng sẵn lòng chìa tay ra giúp đỡ, các nhà lãnh đạo tìm cách tháo gỡ để họ vượt qua khó khăn.
Thứ ba, các doanh nghiệp này được chính phủ cho miễn giảm, dãn nợ thuế vì chính phủ coi việc họ đóng góp cho phát triển xã hội là một thành tích đáng khích lệ.
Thứ tư, các doanh nghiệp thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu, và từ mối quan hệ hai chiều này họ sẽ đặt hàng các trường, viện đào tạo theo nhu cầu và ngược lại các cơ sở đào tạo cũng có nơi cho sinh viên thực tập, thâm nhập thực tế.
Cuối cùng thì việc một doanh nghiệp đóng góp cho xã hội nhiều sẽ mang lại cho các cán bộ, nhân viên, người lao động trong công ty một niềm tự hào chân chính. Niềm tự hào này được coi là chất kết dính cho sự đoàn kết, và sự cống hiến hết mình cho doanh nghiệp của các thành viên.
Nên chăng luật hóa trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, y tế của doanh nghiệp
Ở TP. HCM hiện nay có khá nhiều nhà doanh nghiệp làm công tác xã hội rất tốt, điển hình như quĩ Lawrence. S.Ting đã chi hơn 100 tỷ đồng cho quĩ phát triển giáo dục, các công ty khác cũng thường được nhắc đến trong hoạt động tài trợ cho giáo dục và nghiên cứu khoa học như Nam Long, Thủ Đức House, Holcim, Vinamilk, …
Nhưng thật lòng mà nói ở Việt Nam, số doanh nghiệp làm công tác xã hội bất vụ lợi không nhiều. Nhiều tập đoàn, công ty sẵn sàng tài trợ cho các cuộc thi sắc đẹp, thời trang, nhưng lại tỏ ra keo kiệt khi tài trợ cho y tế, giáo dục. Khi sinh viên đến xin vài triệu cho thuê một chuyến xe hoạt động từ thiện, mang sách, quần áo cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa thì họ lại lảng tránh, thậm trí đuổi như đuổi tà.
Còn nếu có hỗ trợ cho giáo dục thì mục đích không phải là cho giáo dục mà cho chính mình, chủ yếu là PR tên tuổi, sản phẩm cho công ty, mà thái độ thường là kẻ cả ban ơn hay làm từ thiện hơn là thực hiện một nghĩa vụ đạo đức.
Có những doanh nghiệp cho trường học một chút quà mọn mà đòi hỏi phải đặt logo to nhất ở nơi trang trọng nhất, phải để ngài lãnh đạo công ty được phát biểu chính thức trong buổi lễ, mời cả một đội ngũ đông đảo phóng viên đến tác nghiệp (nhiều khi chi phí cho các hoạt động này lớn hơn số tiền tài trợ). Có không ít doanh nghiệp làm công tác xã hội với mục đích tạo “váng mỡ chính trị” theo kiểu “bỏ con săn sắt để bắt con cá voi” hay “sám hối” sau một phi vụ bất thường nào đó.
Đã đến lúc nhà nước nên đưa việc đóng góp cho giáo dục, y tế của các doanh nghiệp vào luật doanh nghiệp hay vào các quy phạm pháp luật phù hợp. Còn đối với các doanh nghiệp cần nhận thức lại việc đóng góp cho phát triển xã hội không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là đạo đức kinh doanh, nó xuất phát từ trong trái tim và mong muốn được chia xẻ với cộng đồng.
Cuối cùng, tôi muốn kết thúc bài viết này bằng hai mẩu chuyện có thật. Khi tôi còn làm trưởng khoa của một trường đại học công lập, có một vị muốn đến được nói chuyện với sinh viên, sẵn sàng tài trợ một món kha khá, nhưng với một điều kiện là nhà trường phải tặng cho ông ấy một bằng chứng nhận là Giáo sư thỉnh giảng (Visiting Professor) để làm đẹp lý lịch cá nhân!
Còn một vị khác, là chủ một doanh nghiệp nho nhỏ, nhưng hễ có một sinh viên nào trong khoa của tôi khó khăn quá, không có tiền đóng học phí là ông ấy mang đến ngay. 10 năm tôi làm trưởng khoa không có một sinh viên nào bỏ học vì không có tiền học là nhờ ông ấy, có điều lạ là ông ấy sẵn lòng giúp cả khi đã bị phá sản nợ hàng trăm tỷ vì tính toán sai, đến mức cạo đầu đi tu. Hào hiệp thế nhưng không ai, kể cả người nhận tiền biết tên ông ấy, trừ tôi. Những doanh nhân như thế có nhiều, nhưng chắc không phải là đa số.
Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: 'Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội trong 30 năm đổi mới'
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?