Leader talk
Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: 'Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội trong 30 năm đổi mới'
Theo doanh nhân Mai Hữu Tín, trong 3 thập kỷ đổi mới, chúng ta đã chọn làm những việc dễ nhất như khai thác tài nguyên, sử dụng lao động rẻ, đầu tư lớn vào doanh nghiệp nhà nước… và chưa tạo ra được nền tảng phát triển lâu bền từ giáo dục, từ việc giải phóng tối đa sức phấn đấu của người dân, của doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách, thủ tục phù hợp.
Sau đổi mới, Luật Doanh nghiệp đã đặt những dấu mốc đầu tiên cho sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp, nhiều thương hiệu khởi nghiệp từ thời kỳ đầu đổi mới đã khẳng định được vị thế của mình tại thị trường nội địa, khu vực và quốc tế, trở thành động lực thúc đẩy và dẫn dắt nền kinh tế phát triển.
Trải qua những cơn địa chấn với hai cuộc khủng hoảng kinh tế, những thử thách đến từ những bất cập trong điều hành chính sách vĩ mô và quản trị doanh nghiệp, nhất là khi công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng với độ mở lớn, xu thế và thách thức mới về công nghệ, mua bán, sáp nhập, liên doanh… đã làm tổn thương không ít đến những thương hiệu đã từng vang bóng một thời.
Nhưng cùng với làn sóng công nghiệp 4.0, của kinh tế số và trí tuệ nhân tạo, sự bền chí và khả năng thích ứng với sự thay đổi liên tục của các thương hiệu dẫn đầu còn trụ lại, cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của những tên tuổi mới và hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mang lại một khí sắc mới mẻ cho sức mạnh quốc gia.
Nhân dịp sắp kỷ niệm ngày doanh nhân 13/10, với sự tham gia đồng hành của các doanh nhân tiên phong cùng những chuyên gia kinh tế uy tín, TheLEADER thực hiện chuyên đề “Thương hiệu Việt - Sức mạnh nội lực của nền kinh tế”, nhằm đưa ra những góc nhìn khác nhau về thành quả thực sự của kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới.
Bài 1: 'Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội trong 30 năm đổi mới'
Chưa bao giờ, các doanh nghiệp dẫn đầu sử dụng công cụ mua bán - sáp nhập (M&A) có hiệu quả như thời gian qua, những cuộc M&A đình đám của các thương hiệu dẫn đầu đã góp phần tăng sức mạnh của hàng loạt tên tuổi như Vingoup, TTC, THACO, U&I… sang những lãnh địa hoàn toàn mới, trở thành quy mô tập đoàn trong một thời gian ngắn hơn nhiều so với thế giới.
Tuy nhiên, không ít các thương hiệu Việt đình đám như nước giải khát Tribeco, Diana, Kinh Đô, Phở 24, kem đánh răng Dạ Lan, Thorakao, nước tương Nam Dương, Chương Dương, Bông Bạch Tuyết, LiOA… sau M&A hoặc đã biến mất trên thương trường, hoặc đang sống “vật vờ” ở thị trường nội, hoặc đang trong hành trình tìm lại thời hoàng kim của mình.
Làm thế nào để quản trị được làn sóng M&A, biến nó thành công cụ đắc lực cho sức mạnh của doanh nghiệp? Tiến trình này đã được nhà nước quan tâm ra sao dưới góc nhìn chính sách? Liệu có cần tăng cường hỗ trợ với các thương hiệu mạnh hay không?
Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên TheLEADER với ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn U&I, một tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực, nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám như vụ giải cứu Công ty Bồn nước Inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành…
Ông đánh giá thế nào về sức mạnh của nền kinh tế nhìn vào top đầu những thương hiệu quốc gia?
Ông Mai Hữu Tín: Nếu định nghĩa thương hiệu quốc gia là thương hiệu thuần túy của người Việt thì chưa thể gọi đó là sức mạnh. Số thương hiệu của người Việt được người Việt tin dùng và có sức cạnh tranh thật sự trên thị trường hiện vẫn rất ít và chiếm một tỉ lệ thấp trong giá trị toàn nền kinh tế.
Vậy theo ông, sau 30 năm đổi mới chúng ta còn lại gì?
Ông Mai Hữu Tín: Câu hỏi của chị hàm ý là chúng ta đã mất rất nhiều phải không?
Tôi nhìn vấn đề theo góc khác: Chúng ta đã chọn làm những việc dễ nhất như khai thác tài nguyên, sử dụng lao động rẻ, đầu tư lớn vào doanh nghiệp nhà nước… và chưa tạo ra được nền tảng phát triển lâu bền từ giáo dục, từ việc giải phóng tối đa sức phấn đấu của người dân, của doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách, thủ tục phù hợp.
Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội nhưng nếu chúng ta chịu thay đổi và thay đổi nhanh thì vẫn còn rất nhiều việc có thể làm cho người dân và doanh nghiệp tư nhân.
Ông nhìn nhận thế nào về những cuộc M&A đình đám của hàng loạt thương hiệu mạnh? Những được - mất nhìn dưới góc độ doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế?
Ông Mai Hữu Tín: Nếu chúng ta tuân thủ mọi nguyên tắc của kinh tế thị trường thì nền kinh tế không mất gì cả. Nguồn lực mới thay thế nguồn lực cũ và khả năng là họ sẽ làm tốt hơn.
Đương nhiên chúng ta có xót xa khi các ông chủ mới trong đa số trường hợp không phải là người Việt và như vậy lợi nhuận tạo ra sau các cuộc M&A đó không nằm trong túi người Việt và có thể không được tái đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Nhà nước vẫn thu thuế được, người tiêu dùng được phục vụ tốt hơn.
Chỉ nhìn riêng từ khía cạnh nội lực thì đúng là đau, bởi có nhiều ông chủ bán đi nhưng giảm hoặc rút luôn việc đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông, vì sao các quốc gia hùng mạnh sau khi toàn cầu hóa thương hiệu giờ lại quay về chính sách bảo hộ?
Ông Mai Hữu Tín: Hai việc này khác nhau.
Họ vẫn tiếp tục toàn cầu hóa các thương hiệu của họ chứ. Còn bảo hộ là để làm giảm bớt các căng thẳng trong lòng xã hội bởi không phải ai cũng được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và còn để tạo khó khăn cho các đối thủ của họ nữa.
Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để vừa hội nhập sâu rộng, vừa tạo dựng được sức mạnh nội lực của nền kinh tế dựa vào các thương hiệu dẫn đầu?
Ông Mai Hữu Tín: Tôi cho rằng giải phóng tối đa sức phát triển của người dân và doanh nghiệp tư nhân vẫn là vấn đề mấu chốt. Chính sách cần công bằng và mang tính nuôi dưỡng. Thủ tục cần nhanh, sạch, với chi phí so sánh được với các nền kinh tế tốt khác. Các quyền cơ bản của con người cần được nhanh chóng luật hóa đầy đủ.
Sau các thương vụ M&A, số tiền đó hiện đang tiêu xài như thế nào là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, theo ông, sau khi bán cho nước ngoài Nhà nước có ngăn được chuyện chuyển giá không?
Ông Mai Hữu Tín: Tôi hiểu ý của chị là tiền bán doanh nghiệp của các ông chủ Việt Nam. Tôi thấy họ sử dụng tiền đó theo hướng bảo đảm tính an toàn cho cá nhân và gia đình họ bằng cách chia nhỏ ra: một phần vẫn được đầu tư gián tiếp ở Việt Nam. Phần khác ở nước ngoài. Họ đầu tư cho cuộc sống, sức khỏe và giáo dục các thế hệ kế tiếp nhiều hơn.
Còn việc có ngăn chặn được việc chuyển giá sau M&A hay không thì tôi không đủ cơ sở để trả lời.
Vì sao có một số doanh nghiệp Việt đủ tiền lại không mua mà các đại gia nước ngoài lại nhảy vào? Họ đang toan tính những gì sau đó?
Ông Mai Hữu Tín: Mọi quyết định về đầu tư đều dựa trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích. Toan tính đầu tiên của các nhà đầu tư đương nhiên là lợi ích kinh tế có được, còn phần chi phí bao gồm cả chi phí cơ hội, chi phí rủi ro…
Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp nội đủ lớn, đủ mạnh và đủ khả năng quản lý để so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài có lịch sử phát triển lâu dài hơn, có nguồn tài chính tốt hơn, có khả năng quản trị cao hơn và đã quen với việc kinh doanh quốc tế.
Khi không thật sự đủ lực thì đương nhiên các doanh nghiệp trong nước không dám gánh thêm rủi ro.
Từng M&A những thương hiệu Việt như Bồn nước Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành… ông đánh giá thế nào về lợi ích của doanh nghiệp và của chính mình?
Ông Mai Hữu Tín: Cũng như mọi người khác thôi, việc gì có thể làm thì tôi cố gắng làm, có thể một phần là do tôi suy nghĩ lạc quan hơn và dám gánh chịu rủi ro cao hơn so với các đồng nghiệp Việt Nam khác.
Tôi thích thách thức bản thân mình. Khi làm việc khó thì cơ thể và trí não bắt buộc phải hoạt động nhiều hơn bởi động lực tồn tại lớn hơn. Đương nhiên đây chỉ là lựa chọn của cá nhân tôi.
Trong làn sóng M&A mạnh mẽ này, ông chia sẻ điều gì với doanh nghiệp để có chiến lược kỹ càng nhằm gia tăng sức mạnh thương hiệu trong M&A?
Ông Mai Hữu Tín: Hiểu đối tượng thật chắc là quan trọng nhưng hiểu chính mình theo tôi lại quan trọng hơn. Và để làm vậy thì rất cần dành thời gian tập trung suy nghĩ về mình trong tỉnh thức.
Xin cám ơn ông!
(*) Mời bạn đọc đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24 - Một nền kinh tế khỏe mạnh thì mua bán doanh nghiệp phải thật sôi động
Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: Chàng võ sĩ trên đấu trường kinh tế
Giá cổ phiếu lao dốc, thương vụ M&A Sabeco có thực sự thành công?
Từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu SAB của Sabeco đã giảm mạnh khoảng gần 20% song các chuyên gia đánh giá con số này chưa đủ để đánh giá sự thành công của thương vụ này chỉ sau chưa đầy một năm sáp nhập.
Số lượng thương vụ M&A ngành tiêu dùng nhanh chạm đỉnh 15 năm
Trong bối cảnh tăng trưởng không mấy khả quan, các doanh nghiệp lĩnh vực tiêu dùng năm 2017 đã gia tăng số lượng và giá trị mua bán sáp nhập.
Hậu M&A chuỗi cafe mua chuỗi phở: Gộp thương hiệu hay để phát triển riêng?
Mua xong mà để đó, không tận dụng chuỗi địa điểm đắt giá của thương hiệu phở là quá lãng phí. Chủ thương hiệu cà phê sẽ phải làm gì?
M&A doanh nghiệp không chỉ là phép cộng
Tăng trưởng là mong muốn của mọi doanh nghiệp khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, tăng trưởng theo hướng nào luôn là câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp: M&A để tăng trưởng, hay phát triển tự thân theo hướng truyền thống?
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.