Dự án BT: Mảnh đất vàng để trục lợi

Đỗ Thành Nhân - 11:00, 25/10/2017

TheLEADERHệ lụy từ các dự án BT, nếu được phân tích đầy đủ, nghiêm túc, minh bạch thì suất đầu tư ở Việt Nam quá cao so với thế giới.

Thời gian gần đây những dự án BOT giao thông bị đưa ra dư luận, thanh tra vào cuộc, công bố những số liệu thực tế làm cho cả xã hội phải giật mình. Thì ra, nhiều dự án BOT của các nhóm lợi ích chi phối, tìm cách kiếm lời bất chính, góp phần đẩy chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam xuống mức thấp.

Tuy nhiên, có một phương thức hợp tác công tư (PPP) khác mà dư luận ít quan tâm cũng tác động tiêu cực đến xã hội rất lớn là đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) – hình thức hợp đồng này theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và được nhà nước thanh toán bằng quỹ đất.

Dư luận ít quan tâm tới dự án BT, bởi vì khác với dự án BOT giao thông tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân phải trả phí hàng ngày, hàng giờ; thì dự án BT đối tượng tác động trực tiếp là Nhà nước. Chỉ một số người dân vùng dự án bị mất đất và các hệ lụy xã hội kèm theo chưa đủ sức tác động mạnh đến dư luận xã hội.

Chưa thống kê được bao nhiêu dự án BT

Theo Kiểm toán Nhà nước, hiên nay ở cấp Bộ Giao thông vận tải quản lý, chỉ có bốn dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỷ đồng đã và đang triển khai, trong đó có hai dự án BT thuộc lĩnh vực hàng hải.

Các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương, tuy nhiên chưa có một thống kê nào cho thấy tại 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay có bao nhiêu dự án BT và hiệu quả “đổi đất lấy hạ tầng” đến nay ra sao.

Riêng ở Hà Nội, đã thấy rõ hơn quy mô và tầm vóc của các dự án BT tại địa phương lớn biết chừng nào khi so với quy mô của tất cả các dự án BOT trên cả nước đã đi vào khai thác.

Một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về các dự án BT (tháng 6/2017) cho thấy với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỷ đồng. Trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án PPP và đều là BT. Con số này giảm xuống còn 24 dự án từ năm 2014, theo kết luận mới được công bố của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT - BT tại Hà Nội.

Một số dự án sau khi hoàn thành theo hình thức BT lại trở thành biểu tượng cho sự lãng phí nguồn lực của nhà nước. Dự án Bảo tàng Hà Nội; dự án BT xử lý nước thải Yên Sở là những ví dụ.

Bảo tàng Hà Nội, một dự án BT nhiều ý kiến cho rằng không hiệu quả, lãng phí nguồn lực nhà nước. Ảnh Danviet

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự án BT xử lý nước thải Yên Sở bị cơ quan kiểm toán đề nghị ghi giảm quyết toán tương đương 61,9 triệu USD...

Việc thanh toán bằng đất cũng thường chỉ chiếm một phần, không quá 50% vốn nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án, phần còn lại chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước hoặc trái phiếu Chính Phủ.

Cơ sở pháp lý để thực hiện là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg được không ít nhà đầu tư vận dụng khai thác quỹ đất để trục lợi trong kinh doanh.

Nguyên nhân?

Về khâu đầu tư, nhà đầu tư bỏ chi phí để nghiên cứu lập đề xuất dự án (chi phí này được tính vào giá trị đầu tư) với nguyên tắc thanh toán theo điều 3, quyết định 23/2015/QĐ-TTg, cụ thể: 

Thứ nhất, "giá trị dự án BT xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng”, chi phí thường được nhà đầu tư đưa lên tối đa theo định mức cho phép.

Thứ hai, "giá trị quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư xác định theo quy định của pháp luật về đất đai", theo giá đất cơ sở của từng địa phương và thường là thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý.

Không ít nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Về việc thẩm định dự án, phải nói là năng lực thẩm định dự án của các cơ quan chức năng không cao, thường vận dụng các quy định của pháp luật để thực hiện; không đánh giá đúng giá trị thực tế của đất đai theo thị trường, nhất là giá trị gia tăng khi đất được hưởng lợi từ chính dự án.

Việc công bố dự án của nhà đầu tư không được công khai, minh bạch để những chuyên gia hay cộng đồng dân cư phân tích phản biện. Đó là chưa nói đến những "thỏa thuận ngầm" giữa nhà đầu tư và một số quan chức có thẩm quyền hình thành nhóm lợi ích đầu cơ, lũng đoạn dự án.

Việc thẩm định dự án của cơ quan Nhà nước có khi chỉ mang tính thủ tục để hợp pháp hóa dự án cho nhà đầu tư.

Về nguyên tắc, những dự án BT sẽ được đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế, cũng như dự án BOT, các dự án BT đều chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó “quân xanh quân đỏ”, để cho nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện.

Hệ lụy từ các dự án BT, nếu được phân tích đầy đủ, nghiêm túc, minh bạch thì suất đầu tư ở Việt Nam quá cao so với thế giới. Với cơ chế hiện nay thì bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tiếp diễn đó là nhà đầu tư (nhóm lợi ích nào đó) tìm cách kiếm lời bất chính trên thân phận những người dân mất đất được đền bù với giá rẻ mạt.

Với thực trạng để cho nhà đầu tư tự đề xuất dự án, nhà nước thẩm định và đấu thầu theo những quy định lỏng lẻo của luật pháp cùng với sự thiếu minh bạch, phản biện của xã hội vô hình chung trở thành môi trường béo bở để nhà đầu tư, các nhóm lợi ích bắt tay với quan chức tham nhũng kiếm tiền bất hợp pháp.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư sáng 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018 Chính phủ sẽ tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT.

Nghị định 15 và Quyết định 23 là cơ sở pháp lý của dự án BT:

(1) Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015, Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

(2) Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, ngày 26/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao.