Dự án sân bay Phan Thiết: Tắc vốn hay tắc cơ chế?

Thái Bình - 14:50, 08/10/2020

TheLEADERĐược các nhà đầu tư du lịch mong chờ và khởi công từ 5 năm trước nhưng dự án đầu tư sân bay Phan Thiết cho đến nay vẫn chưa thể "cất cánh".

Khởi công trong cùng một năm nhưng trong khi sân bay Vân Đồn đã khánh thành và đưa vào sử dụng thì sân bay Phan Thiết vẫn là dự án nằm trên giấy. 

Dự án sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ năm 2013 với định hướng là sân bay lưỡng dụng, sử dụng chung cho mục đích quốc phòng và dân dụng. Cùng thời điểm đó, Công ty CP Rạng Đông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận được đầu tư hạng mục cảng hàng không dân dụng. 

Hơn 5 năm trước, lễ khởi công diễn ra tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết. Sân bay có tổng diện tích 543ha, trong đó diện tích quốc phòng là 150ha, khu hàng không dân dụng là 109,5ha và diện tích dùng chung là 283,5ha. 

Tổng công ty 319 - BQP là nhà đầu tư hạng mục quốc phòng theo hình thức hợp đồng BT và Công ty CP Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng bằng hình thức BOT. Dự kiến, công trình với vốn đầu tư ước tính ban đầu là 5.600 tỷ đồng, hoàn thành và bàn giao trong năm 2018.

Tuy nhiên, đến năm 2018, dự án sân bay Phan Thiết chỉ có thêm một bước tiến quan trọng là Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, nâng cấp sân bay từ hạng 4C lên 4E. Trên thực địa, dự án hầu như giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, dự án sân bay Vân Đồn đã được khánh thành vào cuối năm đó.

Một dự án triển khai thần tốc và dự án kia ì ạch có thể là do cơ chế thực hiện khác nhau. Dự án sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group - một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và giải trí - làm chủ đầu tư. Dự án sân bay Phan Thiết lại mang tính chất lưỡng dụng, và mỗi thành phần lại do một chủ đầu tư quyết định nhưng phải khớp nối với nhau thì mới triển khai được. 

Việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng khu vực hàng không dân dụng tại sân bay Phan Thiết dường như không gặp nhiều vướng mắc. Công ty CP Rạng Đông là một đơn vị đa ngành với hệ sinh thái nghỉ dưỡng, khoáng sản và xây lắp, và mới đây đã nâng vốn điều lệ lên hơn 3.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc huy động vốn để triển khai hạng mục quốc phòng của dự án gặp nhiều thách thức hơn. 

Quay trở lại thời điểm tháng 7/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Phan Thiết và sân bay Cam Ranh. 

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện tại Phan Thiết và hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng tại sân bay Cam Ranh theo hình thức BT.

Nguồn vốn đầu tư cho những dự án này ước tính khoảng 8.250 tỷ đồng dự kiến lấy từ nguồn thu bán đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang và nguồn khác được cấp có thẩm quyền quyết định.

Năm 2016, một phần đáng kể diện tích của sân bay Nha Trang cũ (hơn 62 ha) đã được tỉnh Khánh Hòa sử dụng để hoàn trả vốn cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để thực hiện 3 dự án BT tại tỉnh này.

Thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 90 ha đất còn lại của sân bay Nha Trang cũ cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Đáng chú ý, ngay đầu năm 2020, phương án xã hội hóa đầu tư cả hạng mục hàng không dân dụng và khu bay dự án cảng hàng không Phan Thiết đã được sở ngành tỉnh Bình Thuận và Công ty Rạng Đông đặt lên bàn cân.

Theo đó, phương án xã hội hóa sẽ giúp tỉnh chủ động trong triển khai dự án, không phải phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án khu sân bay quân sự như phương án cũ. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là thời gian rất lâu do phải làm lại thủ tục dự án từ đầu, kinh phí tỉnh Bình Thuận bỏ ra quá lớn so với ngân sách.

Theo tiến độ cập nhật, ở hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Công ty CP Rạng Đông và Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ thẩm duyệt hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng 1/500 đối với khu hàng không dân dụng.

Đầu tháng 6/2020, UBND tỉnh Bình Thuận lấy ý kiến Bộ Quốc phòng về hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng 1/500 đối với khu hàng không dân dụng để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ giữa hai hạng mục.

Mặc dù nhà đầu tư khu hàng không dân dụng sẵn sàng triển khai dự án nhưng dường như sẽ vẫn tiếp tục phải chờ nguồn vốn có được từ đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ để xây dựng khu bay.