Dự thảo trái luật về cách thành lập Văn phòng EPR?

Phạm Sơn - 10:29, 28/09/2021

TheLEADERCộng đồng doanh nghiệp phản ánh, các quy định liên quan đến công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn chưa rõ ràng và có thể sẽ không hiệu quả.

Dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường chi tiết hóa các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), được kỳ vọng là công cụ hiệu quả trong việc quản lý chất thải rắn, thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quy định chi tiết việc vận hành công cụ EPR đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo nghị định, Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức ngoài công lập, chịu sự chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng EPR quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường thành lập và phê duyệt điều lệ hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam.

Về điều này, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Nghị định 53/2006/NĐ-CP có quy định “Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập”.

Như vậy, Văn phòng EPR nếu là tổ chức sự nghiệp ngoài công lập như dự thảo nghị định thì các hoạt động của EPR cần được quyết định bởi cộng đồng doanh nghiệp thay vì Bộ Tài nguyên và môi trường.

Mặt khác, nếu sửa đối theo hướng Văn phòng EPR là tổ chức công lập sẽ làm tăng biên chế Nhà nước, trái với chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính.

Văn phòng EPR sẽ là tổ chức trực tiếp, giám sát khoản tiền đóng góp của doanh nghiệp để thực hiện thu gom, tái chế, do đó hoạt động của cơ quan này rất cần có sự minh bạch. Đây cũng là điểm khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi dự thảo nghị định quy định sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp để chi trả kinh phí cho hoạt động của Văn phòng EPR.

Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức nhiều buổi tham vấn, từ đó có những chỉnh lý tiến bộ, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo các doanh nghiệp, nhân sự của Văn phòng EPR là cán bộ Nhà nước, do đó chi phí quản lý, hoạt động của cơ quan này nên lấy từ ngân sách nhà nước thay cho việc bắt doanh nghiệp đóng thêm tiền.

Cùng với đó, dự thảo nghị định cũng không quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với trường hợp cán bộ Văn phòng EPR sử dụng khoản tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích.

Các hiệp hội đề nghị không thành lập Văn phòng EPR quốc gia, thay vào đó nên giao nhiệm vụ giám sát và quản lý việc thực thi trách nhiệm tái chế cho một đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường để có sự sát sao trong công tác quản lý nhà nước.

Một cơ quan khác được quy định trong dự thảo nghị định cũng gặp phải những ý kiến trái chiều là Hội đồng EPR quốc gia. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), vai trò giám sát của Hội đồng EPR sẽ rất hạn chế khi không trực tiếp tham gia vào công tác quản lý cơ chế EPR mà chỉ giám sát Văn phòng EPR.

Cơ cấu tham gia Hội đồng EPR bao gồm đại diện các Bộ liên quan và đại diện doanh nghiệp nhưng cũng chưa có quy định chi tiết về thành phần, cơ cấu tham gia của đại diện doanh nghiệp là bao nhiêu, trong khi cơ chế đưa ra quyết định của Hội đồng là biểu quyết theo đa số.

Một số tổ chức như Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) cũng đề xuất nên cho phép sự tham gia của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các tổ chức khoa học ngoài công lập vào Hội đồng EPR.

Theo đại diện VZWA, sự tham gia của các tổ chức này là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ đại diện cho người tiêu dùng, tức là đối tượng thực sự phải trả tiền cho công cụ EPR và các tổ chức khoa học ngoài công lập sẽ đóng vai trò là bên trung gian, có năng lực giám sát việc thực hiện EPR một cách hiệu quả.

Bên cạnh công cụ EPR, một vấn đề trong dự thảo nghị định được nhiều doanh nghiệp và tổ chức quan tâm là lời khẳng định tinh gọn thủ tục hành chính trong cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Tiểu ban Thực phẩm và đồ uống, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận xét, dù đã tiếp thu ý kiến đóng góp và có những điều chỉnh rất tiến bộ nhưng thủ tục cấp giấy phép môi trường vẫn trùng lặp, rưởm rà.

Theo ông Uy, Bộ Tài nguyên và môi trường tích hợp 7 loại giấy phép vào giấy phép môi trường, tuy nhiên quy trình xét và cấp vẫn không thay đổi đáng kể, “giống như việc đổ 7 chai rượu 0,5 lít vào 1 chai 3,5 lít”.

“Dự thảo nghị định không làm rõ tiêu chí nào là cần thiết, không rõ thời gian thẩm định, kiểm tra thực địa sau bao lâu phải có kết quả thì làm sao để hạn chế cơ chế xin – cho”, ông Uy đặt vấn đề.

EuroCham và một số hiệp hội khác đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường có những hành động thực tế hơn, ví dụ như chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tránh việc trùng lặp hồ sơ; quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ…