ESG dần trở thành yếu tố tài chính với quản trị doanh nghiệp

Kiều Mai - 15:53, 26/09/2022

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng, nhóm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) sẽ mang lại ý nghĩa tài chính rất lớn cho doanh nghiệp trong dài hạn, và sẽ trở thành yếu tố bắt buộc áp dụng với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, nhóm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu.

Xu hướng chuyển đổi hệ thống nói chung đã khiến các nhà đầu tư, các ngân hàng, định chế tài chính, hay quỹ đầu tư tư nhân đang chuyển dịch chiến lược đầu tư trong hiện tại và tương lai thông qua lăng kính ESG, thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.

Dẫn thông tin từ Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Vinh cho biết, thực tế rất đáng lưu ý là một trong những câu hỏi đầu tiên của các tổ chức quốc tế gần đây khi hai bên đàm phán cơ hội đầu tư tại Việt Nam đều là về việc áp dụng tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào.

Bloomberg Intelligence từng ước tính tổng tài sản ESG toàn cầu sẽ đạt mức 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/3 tài sản đang được quản lý trên toàn thế giới. Xu hướng này vẫn tiếp diễn tăng đều đặn kể từ khi con số này vượt 35 nghìn tỷ USD từ năm 2020.

Điều này cho thấy ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu, ông Vinh nhấn mạnh tại Hội thảo “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững” mới đây.

ESG dẫn dắt dòng đầu tư
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam.

Vị Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết thêm, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận các chuẩn mực ESG với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.

Các doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn rằng, không chỉ là vấn đề danh tiếng, ESG gắn liền với sự tăng trưởng ổn định, doanh thu công ty, lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Theo ông Vinh, nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG, hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp, là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn.

“Tuy nhiên, để thực hành ESG cũng như quản trị doanh nghiệp hiệu quả, cần sự đầu tư và đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Vinh phân tích.

Chia sẻ đồng quan điểm với ông Vinh, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch VBCSD, đánh giá, việc tích hợp các yếu tố ESG trong hệ thống quản trị chiến lược và trong hệ thống thông tin được công bố minh bạch sẽ giúp uy tín, lợi ích của doanh nghiệp tăng lên, có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn, được cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn.

“Đây là câu chuyện không bao giờ cũ, và hiện nay được đặt ra hơn bao giờ hết. ESG không còn là một lựa chọn, mà là xu thế tất yếu chúng ta phải làm, từ đó thay đổi từ tư duy truyền thống sang tư duy bền vững”, bà Thanh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Deloitte Việt Nam, phát triển bền vững trong doanh nghiệp trước hết là quản trị tốt công ty, vượt lên trên sự tuân thủ các quy định, hướng đến những lợi ích không chỉ trong hiện tại mà còn cả trong tương lai, lợi ích không chỉ cho bản thân doanh nghiệp, mà còn cho môi trường, xã hội.

Trong cách tiếp cận mới, quản trị phát triển bền vững không chỉ dừng lại là trách nhiệm, là những khoản chi phí, là hành động doanh nghiệp phải làm, mà còn là đòn bẩy kích hoạt cho quản trị tuân thủ tốt hơn, giúp tương lai doanh nghiệp, lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động tốt hơn.

Các doanh nghiệp có nhiều cách để tham gia và thúc đẩy quản trị phát triển bền vững. Với những doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, bền vững là làm sao để hiệu quả hóa, tối ưu hóa đầu vào này, bà Hà phân tích. Với những doanh nghiệp không sử dụng tài nguyên, bền vững là làm thế nào để giảm thiểu tối đa phần phát thải ra môi trường.

ESG dần trở thành yếu tố phi tài chính với quản trị doanh nghiệp 2
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch VBCSD.

Nhiều năm qua, quản trị doanh nghiệp, quản trị phát triển bền vững chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán và thị trường vốn. Tuy nhiên, bà Hà cho rằng: “Như vậy là chưa đủ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần quản trị bền vững”.

Nguyên nhân là bởi quản trị bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện được chiến lược toàn diện trong lộ trình dài hạn. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ đạt được tăng trưởng về kinh tế, mà còn thiết lập được các yếu tố phi tài chính, đảm bảo tính minh bạch, giải trình, từ đó trở nên hấp dẫn hơn với dòng đầu tư nước ngoài.

Dẫn báo cáo khảo sát do Deloitte Việt Nam thực hiện, bà Thanh chỉ ra rằng, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư chính là những tác nhân thúc đẩy việc chuyển đổi tư duy về quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững.

Đơn cử, sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các thương hiệu mang tính bền vững và có trách nhiệm với xã hội đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, việc thực thi các quy định về chống biến đổi khí hậu đã thúc đẩy các công ty kết hợp với nhau trong việc xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh.

Không chỉ vậy, các rủi ro pháp lý và sở thích của người tiêu dùng đang thúc đẩy sự ưa chuộng của các nhà đầu tư đối với các công ty có tính bền vững...

Các nghiên cứu cho thấy, những công ty có hiệu suất thực hiện ESG cao liên tục sẽ đạt trung bình 3,9 lần biên độ lợi nhuận hoạt động, và 2,7 lần tổng lợi nhuận cho cổ đông so với các công ty có hiệu suất ESG thấp.

"ESG cũng có thể là một cơ hội cung cấp các sản phẩm cho vay sáng tạo, và có tiềm năng giảm chi phí vốn cho các công ty có hiệu quả hoạt động ESG mạnh mẽ. Quan trọng là một trong bốn các khoản đầu tư hiện nay có thể chảy vào các quỹ về ESG", bà Thanh nhấn mạnh.