ESG: Doanh nghiệp nhỏ phải đứng ngoài cuộc chơi?

Phạm Sơn - 14:55, 04/06/2024

TheLEADERVốn mỏng, thiếu hụt về kinh nghiệm, nguồn lực khiến doanh nghiệp nhỏ thường không mấy mặn mà với thực hành phát triển bền vững theo chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

ESG: Doanh nghiệp nhỏ phải đứng ngoài cuộc chơi?
Tự nghiên cứu, tinh chọn giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp thực hành ESG một cách "rẻ" hơn. Ảnh: Hoàng Anh

Khảo sát của PwC công bố cuối năm 2022 chỉ ra, có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ (quy mô dưới 500 lao động) đã chủ động thực hiện các hoạt động liên quan đến ESG. Trong khi đó, 21% số doanh nghiệp nhỏ cho biết không có ý định thực hành ESG trong khoảng 2 – 4 năm tới.

Không thể trách rằng doanh nghiệp thiếu chủ động, bởi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ, với nguồn lực hạn hẹp, đang tập trung hướng đến bài toán doanh thu, lợi nhuận để đảm bảo khả năng sinh tồn. Phát triển bền vững trở thành một món đầu tư xa xỉ nhưng hiệu quả vẫn còn xa vời.

Điều này có thể hình dung như một gia đình giàu có sẽ sẵn sàng cho con cái theo học những khóa kỹ năng, năng khiếu đắt tiền, trong khi ở các gia đình điều kiện khó khăn, đảm bảo việc học kiến thức phổ thông cho con cái đã là một điều vất vả.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo cách đó, ESG giống như một điểm cộng “có thì tốt, không có thì thôi” chứ chưa phải là một giá trị mang tính sống còn đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, có nhiều khẳng định rằng, ESG sớm muộn sẽ trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy

Những tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tính bền vững hay khẩu vị của nhà đầu tư trong bối cảnh mới là lý do được nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra để trả lời câu hỏi “tại sao phải làm ESG”.

Tuy nhiên, những vấn đề đó vẫn ở quá xa so với doanh nghiệp nhỏ, thường tập trung vào thị trường trong nước, xuất khẩu tiểu ngạch, kinh doanh bằng “vốn tự có” hoặc đi vay ngân hàng chứ ít khi nghĩ đến huy động vốn từ các quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế.

Do vậy, để doanh nghiệp nhỏ chủ động với xu thế ESG, điều kiện tiên quyết là thay đổi về mặt tư duy. Tức, làm ESG không phải để hài lòng người khác mà căn bản là giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, tiết giảm chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng chống chịu trước những rủi ro, biến động.

Thực tế, đó là điểm khác biệt của ESG, giúp khái niệm này trở nên phổ biến, dần thay thế cho những hoạt động như làm thiện nguyện hay trách nhiệm xã hội (CSR). ESG tác động trực tiếp tới quy trình, từ đó tạo ra tác động tích cực dựa trên thế mạnh của chính doanh nghiệp.

Chẳng hạn, đối với yếu tố E là môi trường, không đơn giản là doanh nghiệp hô hào nhân sự đi nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh, mà là việc doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm tiêu hao, thất thoát, lãng phí. Đó cũng là cách doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng giá.

Hoặc yếu tố S là xã hội, là tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp chung sống hài hòa với cộng đồng. Tùy thuộc vào điều kiện riêng, doanh nghiệp có thể tạo ra tác động tích cực tới các nhóm cộng đồng, bao gồm khách hàng, dân cư địa phương hay những nhóm người liên quan trực tiếp đến đội ngũ nhân sự.

Bằng cách tạo ra giá trị tích cực cho những cộng đồng này, doanh nghiệp dễ dàng nhận được sự yêu thích, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Còn yếu tố G là quản trị doanh nghiệp, liên quan đến những tiêu chí quản trị nhằm gia tăng hiệu suất, hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực như cấp trên chèn ép cấp dưới, cấp dưới bất tuân cấp trên, tham nhũng, lợi dụng tài sản doanh nghiệp để kiếm lợi cá nhân.

Thực hành tốt yếu tố G, doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, bình đẳng, nhận được sự trung thành từ nhân sự và tránh tổn thất do những hiện tượng tiêu cực trong vận hành.

Doanh nghiệp nhỏ dễ làm ESG

Thiếu vốn, thiếu nguồn lực công nghệ, lao động nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn có những lợi thế nhất định khi triển khai các hoạt động hướng đến phát triển bền vững.

Bởi lẽ, phát triển bền vững xuất phát từ ý chí của nhà lãnh đạo, tuy nhiên người thực hành lại là đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Doanh nghiệp muốn thay đổi cách vận hành để tiết kiệm năng lượng, thiết lập quy trình làm việc giúp nâng cao năng suất nhưng sẽ không có nghĩa lý gì nếu nhân sự không có ý thức tiết kiệm điện hoặc nghĩ ra đủ cách “lách luật” đối với các quy định, nội quy tại nơi làm việc.

Tại những doanh nghiệp lớn, tồn tại một khoảng cách nhất định giữa nhà lãnh đạo và đội ngũ nhân viên, khiến cho việc truyền đạt các thông tin, tạo nguồn cảm hứng khó đạt được mục đích. Còn doanh nghiệp nhỏ, nhân viên dễ dàng được gặp, được trò chuyện với “sếp tổng” nên cũng dễ dàng tiếp nhận tư tưởng, quan điểm chỉ đạo từ lãnh đạo cao nhất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ với quy trình đơn giản, thay đổi quy trình đáp ứng những tiêu chuẩn ESG cũng có phần dễ hơn so với những doanh nghiệp lớn, sở hữu quy trình tương đối phức tạp và lâu đời.

Thực tế, dù có rất nhiều tiêu chuẩn được đưa ra nhưng chưa có một tiêu chuẩn chung mang tính thống nhất về thực hành ESG. Bởi vậy, với nguồn lực hạn hẹp, doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể “lựa cơm gắp mắm”, tìm kiếm và tinh chọn những giải pháp thiết thực và phù hợp nhất để triển khai.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có quy mô chỉ vài chục nhân sự không nhất thiết phải tốn tiền mua một hệ thống hoạch định nguồn lực (ERP) có giá hàng ngàn USD, thay vào đó có thể là những chính sách nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của lãnh đạo, đảm bảo quyền lên tiếng của nhân viên.

Hoặc, sở hữu một công nghệ ánh xạ cung cấp hình ảnh chuẩn 4K có thể rất tốn tiền nhưng nếu tự nghiên cứu, tìm hiểu, doanh nghiệp có thể tạo ra công nghệ ánh xạ với độ phân giải thấp hơn nhưng vẫn hiệu quả trong việc thử nghiệm sản phẩm mới, tránh tiêu hao tài nguyên khi thử nghiệm.