EVN lãi 6.800 tỷ đồng trong năm 2018

Trần Anh - 13:34, 19/06/2019

TheLEADERNăm 2018, dù giá nhiên liệu liên tục tăng nhưng EVN vẫn có lãi nhờ khai thác tố đa các nguồn điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí thường xuyên.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 cho biết, doanh thu thuần toàn tập đoàn đạt 338.500 tỷ đồng, tăng 13% và lãi gộp đạt 53.158 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017.

Chi phí trong năm qua của EVN cũng tăng mạnh, đặc biệt là chi phí tài chính (bao gồm lãi vay) lên tới 29.054 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2017. Dù quy mô vay nợ của EVN không thay đổi nhiều nhưng cấu trúc đã chuyển theo hướng giảm dài hạn và tăng nợ ngắn hạn.

Cụ thể, theo báo cáo, nợ vay dài hạn giảm từ 366 nghìn tỷ đồng năm 2017 về 360 nghìn tỷ đồng cuối năm 2017. Còn nợ ngắn hạn tăng thêm khoảng 7.000 tỷ đồng. Riêng tại công ty mẹ, nơi ghi nhận phần lớn các khoản vay nợ của tập đoàn, năm 2018 chi phí lãi vay là 10.734 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí tăng nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của EVN đạt 8.324 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Cộng thêm 751 tỷ đồng các khoản lợi nhuận từ hoạt động khác, lãi trước thuế hợp nhất năm 2018 đạt 9.076 tỷ đồng, tăng 11,4% và lãi sau thuế đạt 6.817 tỷ đồng, tăng 3,3%.

Trong năm 2019, EVN đặt mục tiêu điện sản xuất và mua đạt 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018. Theo dự báo, năm 2019 sẽ là năm khó khăn với EVN do hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung không tích đủ nước dẫn tới sản lượng thủy điện thiếu hụt. Các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến tăng trong năm 2019...

Từ ngày 20/3 vừa qua, EVN cũng đã tăng giá điện lên thêm 8,36% để có tiền trả cho các nhà cung cấp nguyên liệu. Trước đó, lần gần nhất EVN tăng giá điện là tháng 11/2017.

Để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho nền kinh tế, EVN gần đây nỗ lực cùng với các chủ đầu tư đưa vào khai thác nhiều dự án điện mặt trời. Một loạt dự án điện mặt trời khác đang chạy đua với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 để hưởng mức giá ưu đãi.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW đã được gửi lên trong vòng một năm qua trong khi mức được phê duyệt đến hết năm 2018 mới chỉ ở mức 7.500 MW. 

Mặc dù vậy, quá nhiều nhà máy điện mặt trời tập trung ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ các dự án điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải.