FDI vào Trung Quốc và các nước đang phát triển có dấu hiệu phục hồi

Phạm Sơn - 09:23, 09/11/2020

TheLEADERDòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển đang suy giảm nặng nề, trong khi khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển đang có dấu hiệu phục hồi tương đối khả quan.

FDI vào Trung Quốc và các nước đang phát triển có dấu hiệu phục hồi
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu đã suy giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019.

Số liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu đã suy giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân chủ yếu là do các tập đoàn đa quốc gia tạm dừng nhiều dự án đầu tư đang tiến hành cũng như từ bỏ kế hoạch đầu tư mới vì lo ngại về Covid-19.

Mức giảm mạnh nhất thuộc về các quốc gia phát triển, ước tính chỉ đạt 98 tỷ USD, giảm tới 75%, đặc biệt là các quốc gia châu Âu như Hà Lan và Thụy Sĩ.

“Số liệu cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn so với những gì chúng ta tưởng”, ông James Zhan, Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp UNCTAD cho biết.

Hình thức đầu tư thông qua mua bán sáp nhập (M&A) trong ba quý đầu năm đạt 319 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là trong lĩnh vực kỹ thuật số và dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, tổng giá trị của các dự án đầu tư mới, hình thức đầu tư đang là xu thế của dòng vốn FDI toàn cầu đạt 358 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, giảm 37% so với năm 2019.

Châu Á đang phục hồi, Trung Quốc là ngôi sao sáng

Các khu vực bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ chứng kiến mức suy giảm nhẹ hơn, với 12% ở châu Á, 28% ở châu Phi và 25% đối với Nam Mỹ.

Trong bức tranh ảm đạm của FDI toàn cầu, Trung Quốc trở thành kẻ đi ngược với xu thế, với mức tăng trưởng trong thu hút FDI đạt 2,5%, trong đó giá trị các thương vụ M&A tăng tới 84%, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Các chuyên gia UNCTAD lý giải, mức tăng trưởng dương trong nguồn vốn FDI vào Trung Quốc chứng tỏ sức hút của thị trường đông dân nhất thế giới này vẫn còn rất mạnh mẽ, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, ông Zhan cho biết, Trung Quốc đang có nhiều chính sách nhằm nới lỏng các quy định về thu hút FDI, thông qua việc mở rộng các danh mục đầu tư cũng như nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại khu vực Đông Nam Á, trong 6 tháng đầu năm thu hút FDI giảm tới 20% do sự suy giảm nặng nề ở 3 thị trường là Singapore (giảm 28%), Indonesia (giảm 24%) và Việt Nam (giảm 16%). Các thương vụ M&A cũng là động lực để duy trì tính ổn định của dòng vốn vào khu vực này, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng.

Tính đến tháng 10/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu vào lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Cùng với đó, lĩnh vực năng lượng sạch đang được chú trọng ưu tiên thu hút đầu tư cũng đóng góp tương đối khả quan vào tổng nguồn vốn FDI tiếp nhận, đặc biệt với dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Bạc Liêu của Singapore với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD.

UNCTAD dự đoán, FDI toàn cầu năm 2020 chứng kiến mức suy giảm 30 – 40% do các nhà đầu tư vẫn còn giữ tâm lý dè dặt kể cả khi đại dịch không tiếp tục bùng phát mạnh mẽ. Trong đó các thị trường đang phát triển và khu vực Đông Á sẽ ổn định và phục hồi bền vững hơn so với phần còn lại của thế giới.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cùng với những rủi ro về địa chính trị, tạo ra một tương lai vô cùng khó lường cho đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, FDI vẫn được xác định là động lực vô cùng quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển.

Do đó, UNCTAD cùng nhiều tổ chức quốc tế đưa ra khuyến cáo các nước cần đảm bảo những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhưng cũng duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại để không tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.