G20 thúc giục đối thoại 'xóa tan' căng thẳng thương mại

Tuệ Ngân - 11:13, 23/07/2018

TheLEADERCác thành viên của G20 trong cuộc họp mới đây đã kêu gọi tăng cường đối thoại, xoa dịu căng thẳng thương mại ngày càng leo thang và gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

G20 thúc giục đối thoại 'xóa tan' căng thẳng thương mại
Căng thẳng thương mại và địa chính trị khiến G20 phải đưa ra các cảnh báo. Ảnh: TL TheLEADER

Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) mới đây đã kết thúc tại Buenos Aires, Argentina, đưa ra lời cảnh báo rằng "những căng thẳng thương mại và địa chính trị" sẽ đe dọa sự mở rộng của nền kinh tế, AFP đưa tin. 

Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra sự tức giận từ các đồng minh truyền thống như Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico cũng như tạo ra một loạt các biện pháp trả đũa.

Giữa thời điểm lo ngại ngày càng tăng về leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu, G20 nhấn mạnh "sự cần thiết của đẩy mạnh đối thoại và hành động để giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tự tin", AFP dẫn lời.

Tuyên bố của G20 không đề cập đến nhân tố Mỹ, trung tâm tranh chấp thương mại với các quốc gia thành viên khác như Trung Quốc hay EU mà thể hiện nhiều sự quan tâm hơn đối với những căng thẳng thời gian gần đây, cao hơn mức độ được thể hiện vào tháng Ba.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne cho rằng G20 không có khả năng phá vỡ những tranh chấp thương mại hiện có mà những điều này nên được giải quyết trực tiếp ở cấp chính phủ hoặc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trả lời báo giới, ông Dujovne nhấn mạnh: "Đây không phải là việc phủ nhận những khác biệt. Chúng tôi đang cố gắng nhấn mạnh sự đồng thuận bởi chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn sự sống và hài hòa trong nhóm", AFP dẫn lời.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, G20 đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản những kết quả tồi tệ hơn xảy ra, cứu hàng triệu việc làm và "khi vào những thời điểm khó khăn, bạn sẽ thấy tầm quan trọng như thế nào", vị Bộ trưởng Kinh tế Argentina khẳng định.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhắc lại tuyên bố nước Mỹ muốn việc trao đổi thương mại trở nên cân bằng hơn với các quốc gia khác.

Ông Mnuchin bác bỏ những tác động kinh tế của việc tăng thuế quan cũng như những hành động trả đũa, cho rằng những ảnh hưởng chỉ ở mức vi mô. "Ở quan điểm vĩ mô, chúng tôi chưa thấy bất kì điều gì quan trọng với nền kinh tế".

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, ông Donald Trump cho biết “đã sẵn sàng đi đến con số 500 tỷ USD”, gần bằng mức nhập khẩu 505 tỷ USD năm 2017 của Mỹ từ Trung Quốc.

Tính đến nay, cả Mỹ và Trung Quốc mới chỉ áp thuế mới đối với 34 tỷ USD giá trị hàng nhập từ đối phương dù trước đó có nhiều lời đe dọa được đưa ra.

Theo nhận định của CNBC, nếu con số 500 tỷ USD thật sự xảy ra, Trung Quốc sẽ không thể đi theo thương mại bởi mức nhập khẩu từ Mỹ vào quốc gia châu Á này thấp hơn rất nhiều.