Gã khổng lồ Spotify và cuộc chiến giành cờ trận trên thị trường nhạc số Việt Nam

Han Sovy - 10:02, 05/05/2018

TheLEADERSpotify - dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới - vào Việt Nam đã đặt ra một thế trận mới: sự đối đầu của những ông lớn nội địa với các nền tảng nghe nhạc hàng đầu trên thế giới. Lợi thế địa phương, yếu tố quy mô, tính toàn cầu và công nghệ, tất cả đều đã sẵn sàng cho cuộc chiến giành lấy “cờ trận”. Trước bối cảnh đó, Spotify cũng có một số định hướng riêng để tự tin nhập cuộc.

Một tháng vẫn còn là quá sớm để nói về câu chuyện thành công của Spotify tại Việt Nam, nhưng với những gì gã “khổng lồ” nhạc số đạt được trong khoảng thời gian trên, đặc biệt là “công lớn” góp vào quá trình thay đổi thói quen nghe nhạc trả phí đã cho thấy vị thế nhất định của Spotify trong lòng cộng đồng người dùng ứng dụng nhạc số tại Việt Nam.

Spotify - dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới - đã chính thức bước chân vào Việt Nam ngày 13/3 vừa qua, đây là quốc gia thứ 65 mà Spotify có mặt.

Hiện Spotify đã có hơn hai tỷ playlist có sẵn, khoảng 100 tỷ các đầu dữ liệu mỗi ngày, 71 triệu tài khoản trả phí trong 159 triệu người sử dụng trên 65 nước. Mỗi ngày, phần mềm này tích hợp thêm hơn 30 nghìn bài hát, với hai triệu playlist.

Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán New York (NYSE) ngày 3/4 vừa qua, giá cổ phiếu Spotify tăng mạnh 25%, từ mức tham chiếu 132 USD lên 165,9 USD, tương đương với vốn hóa thị trường 29,5 tỷ USD.

Doanh thu năm 2017 của Spotify là 4,99 tỷ USD, tăng trưởng 39% so với năm 2016.

Xét về lợi thế, Spotify cập nhật rất nhanh và đầy đủ những ca khúc và album mới nhất trên toàn thế giới và được đánh giá là một trong những nền tảng âm nhạc hàng đầu hiện nay với thư viện hơn 35 triệu bài hát trên toàn thế giới, 2 tỷ playlist được tạo ra và phục vụ tới 159 triệu người nghe thường xuyên (trong đó có 71 triệu người dùng trả phí).

Bên cạnh đó, việc tập trung vào phục vụ đối tượng người dùng trẻ (độ tuổi từ 18-24) thông qua các playlist tập trung đến cá tính âm nhạc khác nhau của người dùng (Discovery Weekly hàng tuần hay Daily Mix hàng ngày) được xem là hướng đi có nhiều nét mới, giúp Spotify tạo được điểm nhấn tại một thị trường như Việt Nam.

Mặc dù khởi đầu tưởng như thuận lợi nhưng thực tế, Spotify cũng như thị trường nhạc số tại Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó, dù có những thay đổi bước đầu tích cực, song thói quen nghe nhạc “không tốn tiền” vẫn còn đó. Thực tế cho thấy, ngay khi mới ra mắt tại Việt Nam, trên một số diễn đàn đã có những bài viết hướng dẫn cách tạo tài khoản Premium trên Spotify miễn phí, đây cũng là tình trạng mà Zing MP3 hay NCT từng gặp phải.

Ngoài ra, một số hạn chế nhất định với riêng thị trường Việt Nam như chỉ thanh toán qua thẻ tín dụng như Visa/Mastercard, ứng dụng không hỗ trợ lời của các bài hát, chưa có tuyển tập nhạc theo mùa và các ngày đặc biệt trong năm hoặc thiếu các hỗ trợ nghe nhạc miễn phí qua 3G (không tính dung lượng)… cũng gián tiếp tạo nên rào cản của một bộ phận lớn người dùng tại thị trường này.

Gã khổng lồ Spotify và cuộc chiến giành cờ trận trên thị trường nhạc số Việt Nam
Bà Sunita Kaur, Giám đốc điều hành Spotify khu vực châu Á

Trước những cơ hội và thách thức đó, thị trường Việt Nam có đơn giản chỉ là miếng bánh ngon hay canh bạc đầu tư của “gã khồng lồ xanh” ngành nhạc số? TheLEADER đã có cuộc trao đổi với bà Sunita Kaur, Giám đốc điều hành Spotify khu vực châu Á về vấn đề này.

Với vị thế của một tên tuổi lớn thuộc lĩnh vực kinh doanh nhạc số, bà đánh giá thế nào về xu hướng người dùng và thị trường nhạc số tại Việt Nam hiện nay? Thực trạng đó có tác động gì đến các định hướng của Spotify tại thị trường này?

Bà Sunita Kaur: Việt Nam là khu vực rất tiềm năng về nhạc số với số lượng đông đảo người yêu nhạc và một nền tảng di động phát triển năng động trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, thói quen tự do lựa chọn bài hát yêu thích ở mọi lúc mọi nơi thông qua các thiết bị di động đang ngày càng phổ biến, mở rộng về đối tượng và cả quy mô người dùng. Đây cũng là quốc gia có nền âm nhạc phát triển nhanh bởi sự lớn mạnh của cộng đồng nghệ sĩ.

Mang vai trò là một thương hiệu nhạc số quốc tế, Spotify cam kết đồng hành cùng nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu và tại các quốc gia khác nhau. Chúng tôi rất háo hức khi đến Việt Nam và mong muốn được tôn vinh các tài năng âm nhạc địa phương cũng như tạo cầu nối để họ đến gần hơn với cộng đồng yêu âm nhạc Việt. 

Spotify đã xây dựng một đội ngũ biên tập âm nhạc được tuyển chọn tại Việt Nam để đảm bảo các sản phẩm tại Spotify phù hợp với thị hiếu, văn hóa âm nhạc đặc thù tại đây. Ngoài việc mang đến thư viện nhạc với hơn 35 triệu bài hát, chúng tôi đặt kỳ vọng nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của người dùng tại Việt Nam đối với các sản phẩm dành riêng cho thị trường như ‘Top Hits Vietnam’, ‘V-Pop không thể thiếu’, ‘Tuyệt phẩm Bolero’, ‘Cà phê quán quen’ và ‘#phượt’.

Nhân câu chuyện Spotify bước vào Việt Nam, theo bà, đâu là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp nhạc số nước ngoài cần chú ý khi thâm nhập vào một thị trường như Việt Nam?

Bà Sunita Kaur: Theo quan điểm của Spotify, tại bất kỳ điểm đến nào, chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những nhu cầu mà thị trường nhạc số nước sở tại đặt ra, trong đó, các hoạt động khảo sát phân tích nội tại (insight), cả về luật định lẫn yếu tố văn hóa, đóng vai trò cốt lõi.

Trở lại câu chuyện tại Việt Nam, Spotify đã dành thời gian nghiên cứu hành vi người dùng để tìm ra quy trình hoạt động phù hợp, thích ứng nhất với hạ tầng định hình từ trước, từng bước thực hiện nhiệm vụ tạo ra một công đồng âm nhạc đúng luật và an toàn. 

Ra mắt một dịch vụ nhạc số tốn rất nhiều thời gian, nhưng không vì thế mà chúng tôi cho phép mình đẩy nhanh quy trình , mọi hoạt động kinh doanh chỉ thật sự sẵn sàng khi chúng tôi có những sản phẩm tương thích thị trường và thỏa mãn các yêu cầu pháp lý.

Ngoài ra, nền tảng công nghệ cũng là yếu tố mà chúng quan tâm khi bước vào Việt Nam. Theo đó, ứng dụng (app) phải được địa phương hóa (localize), tương thích trên cả 3 thiết bị phổ biến (di động, máy tính, máy tính bảng), không chỉ với ngôn ngữ mà còn là dữ liệu trong thư viện nhạc. Song song đó, hình thức thanh toán và các đối tác trong nước cũng cần được lựa chọn đúng đắn để đảm bảo cho sự hoạt động lâu dài.

Những kỳ vọng mà Spotify đặt ra ở thị trường Việt Nam? Những định hướng phát triển đó tại có gì khác so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới hay không?

Bà Sunita Kaur: Âm nhạc là thị trường có tác động sâu rộng đến Việt Nam. Với mục tiêu “định cư dài hạn” tại thị trường này, chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để tạo ra những sản phẩm phù hợp với gu âm nhạc, văn hóa và thị hiếu của số đông người nghe nhạc tại đây. Song song với đó, chúng tôi đã và đang phát triển nền tảng âm nhạc theo hướng giúp các nghệ sỹ Việt, đặc biệt là nghệ sỹ trẻ, có cơ hội tiếp cận gần hơn với cộng đồng âm nhạc.

Tại Việt Nam, bản quyền âm nhạc cũng là một khu vực mà chúng tôi chú trọng khi triển khai các định hướng kinh doanh. Như các bạn đã biết, nền công nghiệp nhạc số trên thế giới buổi đầu hình thành cũng gặp phải vấn đề “nhạc lậu” – yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của ngành. Còn tại Việt Nam, âm nhạc không bản quyền tồn tại trong một thời gian dài đã vô tình hình thành nên thói quen “nghe nhạc không cần phí”. 

Với bài toán đang được đặt ra, Spotify xác định sẽ trở thành đơn vị không chỉ khuyến khích, nuôi dưỡng các sản phẩm có bản quyền mà còn góp phần tạo ra một cộng đồng nghe nhạc lành mạnh đúng pháp luật tại đây.

Trên thế giới, kể từ khi ra mắt vào năm 2008, Spotify đã hoàn trả lại được 8 tỷ euro (tính đến 31/12/2017) trên tổng lợi nhuận cho các đơn vị, cá nhân sở hữu bản quyền âm nhạc. Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất và quản lý âm nhạc Việt Nam để đảm bảo các sản phẩm Việt trên hệ thống Spotify đúng luật, không vi phạm bản quyền tác giả.

Nhạc số Việt trên hệ thống Spotify sẽ được phát triển như thế nào?

Bà Sunita Kaur: Với những tiềm năng mà chúng tôi nhận thấy tại một thị trường nhạc số quan trọng như Việt Nam, Spotify sẽ tiếp tục bổ sung số lượng nghệ sỹ, sản phẩm âm nhạc cũng như những playlists chọn lọc để phục vụ rộng hơn các đối tượng người nghe.

Các nghệ sỹ cần làm việc với công ty thu âm hoặc một đơn vị phát hành nhạc để có thể đăng tải nhạc trên Spotify. Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác này, cũng như đảm bảo rằng mọi khâu hợp tác rõ ràng, minh bạch về phía các nghệ sỹ, chúng tôi cũng cung cấp một cổng thông tin Spotify for Artists, giúp các nghệ sỹ có thể theo dõi được quá trình đăng tải của sản phẩm (khi nào, do ai…) trên Spotify.

Dự đoán của bà về tương lại thị trường nhạc số tại Việt Nam.

Bà Sunita Kaur: Chúng tôi rất vui khi được đồng hành cùng nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam và tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm âm nhạc tốt nhất cho người dùng của chúng tôi tại đây. Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là sự bắt đầu và mô hình stream nhạc là con đường phía trước cho những người yêu âm nhạc ở Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!