Gam màu sáng, tối trong bức tranh kinh tế Hà Nội nửa đầu năm 2022

Nhật Hạ - 14:43, 04/07/2022

TheLEADERGRDP quý II và 6 tháng đầu năm nay của Hà Nội đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực lần lượt 9,49% và 7,79%, cao hơn so với kịch bản đưa ra đầu năm.

Gam màu sáng, tối trong bức tranh kinh tế Hà Nội nửa đầu năm 2022
Các chỉ báo về kinh tế ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của TP. Hà Nội.

Điểm sáng trong kinh tế Hà Nội

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội phục hồi nhanh trong nửa đầu năm 2022. Bức tranh kinh tế của thành phố ghi nhận một số điểm nổi bật. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện gần 117,5 nghìn tỷ đồng, đạt gần 57% dự toán, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30,5 nghìn tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và tăng 2,8% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển là 10,2 nghìn tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, giảm nhẹ 0,7%; chi thường xuyên đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ.

Các chỉ báo về kinh tế ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. GRDP quý II ước tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm nay (6,4 – 6,9%). Điều này đã góp phần đưa GRDP nửa đầu năm nay tăng 7,79%, gấp 1,3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (6,02%) và gấp 1,08% lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21%) – thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Trong đó, dịch vụ 6 tháng qua tăng 9,05%, gấp 1,54 lần mức tăng cùng kỳ; công nghiệp tăng 6,73%, xây dựng tăng 5,54%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%.

Sau 2 tháng mở cửa trở lại, các di tích thuộc thành phố quản ký đã thu hút lượng khách gấp hơn 10 lần, doanh thu tăng 8 lần so với 3 tháng đầu năm nay. Cùng với đó là việc SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội. Cộng hưởng, tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm nay đạt 336 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước – gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 7,2%).

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội quý II tăng 3 74% và lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch trong nước quý II tăng 188% và lũy kế 6 tháng qua tăng 142%.

Hạn chế trong kinh tế Thủ Đô nửa đầu năm 2022

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế Thủ Đô vẫn còn những tồn tại và hạn chế như triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022 còn chậm. Mặc dù chỉ số PAPI và SIPAS có sự tăng hạng, nhưng chỉ số PCI và PAR Index đều giảm bậc xếp hạng.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã thiếu chặt chẽ; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà; chuyển đổi số trong quản lý còn chậm.

Ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ do các doanh nghiệp gặp khó khăn khi chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 trong thời gian dài; ngoài ra, việc mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh còn có khó khăn về mặt bằng, vốn đầu tư…

Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm nay thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu.

Tại họp báo quý II/2022 của UBND TP. Hà Nội, ông Vũ Ca Cương, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, hiện Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 trung bình là 180 ca/ ngày. Mới đây, theo kết quả giải trình tự gene của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội có 3 người nhiễm biến chủng mới BA.5.

Đây là biến chủng phụ của Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn các biến chủng khác như BA.1, BA.2 nhưng mức độ nặng hay không chưa có bằng chứng rõ ràng. Theo ông Cương, các triệu chứng của 3 ca trên là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Gam màu sáng, tối trong bức tranh kinh tế Hà Nội nửa đầu năm 2022
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương tại buổi họp báo quý II/2022 của UBND TP. Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, việc tiêm vaccine mũi 4 và tiêm cho trẻ em đang hơi chậm, do một số bộ phận người dân chưa đồng tình. Ngành y tế đang đẩy mạnh truyền thông để tăng cường tỷ lệ tiêm.

Liên quan đến việc hơn 850 cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, ông Cương cho biết việc này xảy ra rải rác trong năm. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm tạo áp lực tương đối lớn lên cán bộ y tế tất cả các tuyến, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng.

Trước tình hình đó, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo với các cấp lãnh đạo và đưa ra một số giải pháp thực hiện. Theo đó, căn cứ vào đề án vị trí việc làm tuyển dụng các nhân viên y tế; điều tiết nhân lực cho các đơn vị khó khăn về nhân lực...

Về hoạt động quản lý của thành phố tại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết: hiện nay, sở đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố. Quận, huyện quản lý tổng diện tích trông giữ xe là hơn 91.000 m2. Năm 2021, Sở Giao thông vận tải đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 46 tỷ đồng; trong 6 tháng qua đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 20 tỷ đồng.

Mặt khác, về tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn thành phố, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hoặc là đất không phải giải phóng mặt bằng) và đã được UBND Thành phố quyết định giao đất, đang thực hiện thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định…

Về quỹ nhà tái định cư, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, hiện nay, thành phố đang đầu tư xây dựng 05 khu nhà tái định cư gồm 1.272 căn hộ, cụ thể như: Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 khu tái định cư tập trung Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm; Dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư tại phường Trần Phú (phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô); dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1 thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư: 362 căn hộ, thành phố đã bố trí các căn hộ tại dự án để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Tam Trinh.

Đối với các khu nhà tái định cư trên, thành phố đã cho rà soát tình trạng cũng như xác định nguyên nhân chưa hoàn thành dự án, từ đó đôn đốc chủ đầu tư dự án sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, thành phố đã đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội; thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước…

UBND thành phố cũng tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động ổn định; đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy điện rác Seraphin, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…