Gấp rút chuẩn bị cho công cụ thu gom, tái chế bắt buộc

Phạm Sơn - 20:03, 16/11/2022

TheLEADERTheo đại diện PRO Việt Nam, thời gian từ nay đến năm 2024 là khoảng thời gian gấp rút tổng kết các dự án, mô hình thí điểm về thu gom và tái chế rác thải, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng, hướng tới thực thi công cụ chính sách EPR.

Với Luật Bảo vệ môi trường 2020, kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được luật hóa, đi kèm với nhiều công cụ, chính sách hướng tới thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn, giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được đưa ra tại điều 54 và điều 55 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là một trong những giải pháp mang tính đột phá hỗ trợ thiết lập kinh tế tuần hoàn. 

Theo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, công cụ EPR mang hàm ý khuyến khích doanh nghiệp thay đổi thiết kế sản phẩm, thay đổi vật liệu đầu vào theo hướng sao cho thuận tiện cho thu gom, tái chế, từ đó giảm rác thải ra môi trường, đồng thời nâng cao quyền lợi cho các bên liên quan trong bức tranh sản xuất, tiêu dùng và xử lý rác thải.

Kể từ năm 2022, nhà sản xuất, nhập khẩu có sản phẩm khó xử lý, không có giá trị tái chế phải đóng góp tài chính bắt buộc vào Quỹ Bảo vệ môi trường, theo quy định của điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Phần còn lại của công cụ EPR, tức là quy định theo điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được bắt đầu thực hiện kể từ năm 2024, với ngành hàng đầu tiên là ngành hàng bao bì.

Điều này đặt ra yêu cầu các thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cũng như các doanh nghiệp ngành hàng bao bì khác cần phải gấp rút hoàn thành những bước chuẩn bị để thực thi hiệu quả công cụ EPR.

Được thành lập từ năm 2019 với mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì Việt Nam, PRO Việt Nam cũng định hướng trở thành một tổ chức thực hiện EPR. Do đó, thời gian từ nay đến năm 2024 sẽ là khoảng thời gian để PRO Việt Nam hoàn thiện phát triển tổ chức, xây dựng cách thức làm việc, chuyển từ giai đoạn “startup” sang giai đoạn mở rộng.

Đây cũng là khoảng thời gian PRO Việt Nam cần phải gấp rút tổng kết các dự án, mô hình thí điểm, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng. Thời gian vừa qua, một loạt dự án đã được PRO Việt Nam và các thành viên tài trợ, hỗ trợ, bước đầu đạt được hiệu quả khả quan như dự án phân loại rác tại Cù Lao Chàm; tổ chức chương trình đổi rác lấy quà tại Saigon Co:op…, đều có tiềm năng giúp các thành viên nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế.

Phát biểu tại Cuộc họp thành viên PRO Việt Nam vừa qua, ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc La Vie Việt Nam, Phó chủ tịch PRO Việt Nam, cho biết, liên quan đến thực thi công cụ chính sách EPR, một số vấn đề đang gây ra sự thiếu chắc chắn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Tazzi nêu ra một số vấn đề như chưa có danh sách các đối tượng được phép nhận ủy quyền từ doanh nghiệp để thực hiện EPR; tổ chức và vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường; công nghệ sẵn có để tái chế bao bì nhựa giá trị thấp bị phủ nhận…

Để các doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng bao bì thực thi tốt công cụ chính sách EPR, lãnh đạo PRO Việt Nam đưa ra một số đề xuất.

Thứ nhất, nhanh chóng công bố danh sách ban đầu về các đơn vị được ủy quyền thực thi EPR để doanh nghiệp có đầu mối liên hệ. Thứ hai, cung cấp thông tin hướng dẫn cho PRO Việt Nam để đưa ra yêu cầu ủy quyền chính thức, với tư cách là “bên thứ ba” (bên nhận ủy quyền từ nhóm doanh nghiệp).

Thứ ba, cung cấp thông tin sơ bộ về định mức chi phí tái chế của Quỹ Bảo vệ môi trường. Thứ tư, ưu tiên vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường trong việc hỗ trợ đầu tư dài hạn nhằm nâng cao năng lực thu gom, tái chế. Các doanh nghiệp và các tổ chức thực thi EPR sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn với các dự án ngắn hạn.

Cuối cùng, công nhận giải pháp xử lý chất thải thành năng lượng là một giải pháp được cơ chế EPR chấp nhận trong ít nhất 3 năm, để tái chế nhựa có giá trị thấp.