Gemadept bán cảng Nam Hải, tập trung vào khu vực phía Nam

Dũng Phạm - 14:46, 20/03/2024

TheLEADERViệc thoái vốn thành công khỏi hai cụm cảng lớn tại miền Bắc là Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải cùng với kế hoạch tập trung nâng cấp, mở rộng các cụm cảng chủ chốt hiện có cho thấy xu hướng tập trung nguồn lực cho “cuộc chơi lớn” của Gemadept.

Công ty CP Gemadept vừa công bố thông tin công ty đã ký hợp đồng với đối tác vào ngày 15/3 để chuyển nhượng cảng Nam Hải và ICD Nam Hải. Tuy nhiên, thông tin bên nhận chuyển nhượng chưa được tiết lộ.

Cảng Nam Hải có công suất thiết kế đạt 200.000 TEU và là cảng đầu tiên của Gemadept tại miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, khi nhiều cảng mới với công suất thiết kế lớn được xây dựng, cùng với việc sở hữu vị trí thiếu cạnh tranh, cảng Nam Hải đang ngày càng đón ít tàu hơn, chủ yếu chuyển qua các hoạt động lưu kho bãi.

Theo ước tính của Chứng khoán BSC, Gemadept có thể thu được khoản lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng từ việc bán cảng Nam Hải. Trong năm 2023, Gemadept cũng đã chuyển nhượng một cụm cảng khác tại Hải Phòng là cảng Nam Hải Đình Vũ, số tiền thu về được là hơn 1.800 tỷ đồng.

Chứng khoán BSC cho rằng việc thoái vốn Nam Hải là bước đi hợp lý trong cải thiện hiệu quả hoạt động các cảng hiện hữu.

Theo số liệu từ Công ty CP Chứng khoán SSI, kết quả kinh doanh của các cảng miền Nam ghi nhận sự cải thiện mạnh khi hồi phục 47% so với cùng kỳ, so với mức suy giảm 6% tại các cảng phía Bắc.

Như vậy, sau thương vụ thoái vốn, Gemadept hiện chỉ còn sở hữu cảng Nam Đình Vũ ở khu vực phía Bắc và công ty có kế hoạch tập trung phát triển vào cảng này nhằm nâng cao khả năng phục vụ những chuyến tàu trong nước và nội Á.

Cảng Nam Đình Vũ, sở hữu vị trí cửa ngõ đắc địa ngay cửa sông Bạch Đằng, là cửa ngõ thông ra biển gần nhất và là một trong những dự án cảng trọng điểm của Gemadept với 7 bến cảng container, công suất gần 2 triệu TEU và 3 triệu tấn/năm. Cảng có quy mô lớn nhất và năng lực tiếp nhận được tàu lớn nhất khu vực Đình Vũ, Hải Phòng - cỡ tàu lên đến 48.000 DWT.

Thương vụ thoái vốn lần này sẽ hỗ trợ thêm nguồn lực để Gemadept tập trung cho các dự án phía Bắc là cảng Nam Đình Vũ giai đoạn III - dự kiến đi vào hoạt động trong 2025 và trở thành cảng sông có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc.

Ngoài ra, theo kế hoạch phát triển dài hạn của Gemadept, dự án siêu cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn II có tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD, công suất 1,5 triệu TEU/năm, cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT. Cảng dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 2.1 vào năm 2025 và giai đoạn 2.2 vào năm 2027.

Trong năm ngoái, Gemadept và Công ty điều hành cảng SSA Marine (Mỹ) cùng đã triển khai hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển trung tâm logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.

Cảng Cái Mép Hạ (còn gọi là cảng Cái Mép – Thị Vải) được xây dựng ở ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều lợi thế khai thác.

Nhằm kéo dài bến cảng để có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, dự án được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quy hoạch trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích nâng lên hơn 2.20ha, biến khu vực này thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới.

Có thể thấy, việc thoái vốn thành công khỏi hai cụm cảng tại miền Bắc là cảng Nam Hải Đình Vũ và cảng Nam Hải và kế hoạch nâng cấp, mở rộng các cụm cảng, siêu cảng chủ chốt hiện có cho thấy xu hướng tập trung nguồn lực cho “cuộc chơi lớn” của Gemadept.

Điều này đúng như chia sẻ của lãnh đạo Gemadept tại buổi hội thảo về triển vọng 2024 rằng "chiến lược của Gemadept là đang hướng tới tối ưu những dự án lớn, phát triển quy mô đủ lớn để có tiếng nói, thành người chơi chính trên thị trường."