Giá nguyên liệu tăng thu hẹp biên lợi nhuận Vinamilk

Việt Hưng - 09:51, 04/05/2022

TheLEADERDù biên lợi nhuận giảm nhẹ, Vinamilk dự kiến duy trì đà tăng trưởng doanh thu khoảng 7% mỗi năm và có thể đạt 86.000 tỷ đồng vào năm 2026.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2022, với doanh thu thuần hợp nhất 13.878 tỷ đồng - tăng 5,2%, và lợi nhuận đạt 2.283 tỷ đồng - giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thị trường nội địa chiếm gần 85% tổng doanh số của công ty và tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường nước ngoài chiếm hơn 2.200 tỷ đồng doanh thu còn lại, tăng trưởng 10%. 

Kênh truyền thống duy trì đóng vai trò chủ lực trong hệ thống phân phối toàn quốc của Vinamilk với độ phủ mạnh mẽ ở các vùng nông thôn. Tăng trưởng doanh thu của kênh truyền thống tiếp tục phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng do các lệnh giãn cách và hạn chế di chuyển. Kênh hiện đại tiếp tục tăng tốc với mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. 

Giá nguyên liệu tăng thu hẹp biên lợi nhuận Vinamilk
Giá nguyên liệu tăng thu hẹp biên lợi nhuận Vinamilk

Đối với chuỗi cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt (GMSV) nói riêng, doanh thu trong quý 1/2022 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng gần 25% so với cùng kỳ. Trong quý đầu năm, công ty đã tiến hành mở mới gần 30 cửa hàng và đến nay, số cửa hàng đã lên đến gần 620.

Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (MCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 675 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong quý vừa qua, Sữa Mộc Châu đã tung ra thị trường 2 sản phẩm sữa tươi tiệt trùng mới với bao bì bắt mắt.

Dù doanh thu tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Vinamilk trong quý 1/2022 chỉ đạt 40,3% (so với mức 49% trước đây) dưới áp lực từ các chi phí sản xuất gia tăng. Giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Năm nay, Vinamilk dự kiến lợi nhuận giảm khoảng 7% so với năm ngoái. Nếu không đạt kế hoạch đề ra, đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng âm.

Để tìm kiếm đà tăng trưởng mới, Vinamilk hướng đến 4 mũi nhọn: phát triển sản phẩm và trải nghiệm người dùng, đầu tư R&D; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững; khởi tạo cơ hội kinh doanh tại thị trường mới thông qua hình thức M&A, liên doanh, đầu tư cho các dựa án mạo hiểm, khởi nghiệp về tiêu dùng nhanh, củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống đồng thời chuyển dịch qua đầu tư sản xuất tại chỗ; thu hút nhân tài, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu cho năm nay là 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, tương đương 105% và 93% so với năm 2021.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông về các chiến lược để duy trì đà tăng trưởng, Ban lãnh đạo của Vinamilk cho biết, ngành sữa Việt Nam chưa bão hòa như nhiều người nghĩ, tiêu thụ sữa bình quân của người dân còn rất thấp.

Các yếu tố cốt lõi cho ngành sữa phát triển là GDP tăng trưởng dẫn đến sử dụngngành sữa tăng và bình quân mỗi năm hơn 1 triệu trẻ em ra đời. Vì vậy dự kiến doanh thu ngành sữa sẽ tăng lên 136.000 tỷ đồng vào 2026. Vinamilk dự kiến tăngtrưởng theo GDP là khoảng 7%, đạt vào khoảng 86.000 tỷ đồng vào năm 2026.

Để duy trì tăng trưởng, ngoài đảm bảo dinh dưỡng, Vinamilk cũng sẽ tập trung vào sản phẩm cao cấp. Khi xãhội phát triển thì sẽ có nhu cầu về những sản phẩm độc đáo, cao cấp.

Đồng thời tập trung phát triển mọi kênh phân phối: kênh truyền thống với 250 ngàn điểm lẻ,kênh hiện đại (siêu thị và cửa hàng), thương mại điện tử. Trong mùa dịch vừa rồi, kênh hiện đại phát triển mạnh hơn kênh truyền thống. Thương mại điện tử thời gian qua tăng trưởng gấp ba (03) lần, mặc dù tỷlệ đóng góp còn thấp nhưng tăng trưởng rất ấn tượng. 

Trong thời gian sắp tới Vinamilk sẽ có chiến lược để tăng trưởng mạnh thương mại điện tử, học tập các công ty lớn như Amazon,Alibaba.  Xu hướng hiện tại kênh phân phối chuyển từ kênh truyền thống sang hiện đại, nên Vinamilk sẽ tập trung phát triển theo xu hướng này.