Giá nhà liền thổ tăng dựng đứng

An Chi - 15:46, 28/04/2022

TheLEADERGiá bán sơ cấp trên thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Các doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mặt bằng giá nhà liền thổ ở các dự án chào bán mới lên mức cao kỷ lục.

Kỷ lục mức giá chào bán 381 triệu đồng/m2 đất xây nhà liền kề đối với khu vực quận Tây Hồ cuối năm ngoái đã bị"xô đổ" bởi giá bán lên tới 417 triệu đồng từ các sản phẩm nhà phố chào bán đầu năm nay ở quận Hoàng Mai.

Do các chủ đầu tư tăng giá bán nên giá nhà liền kề chào bán trung bình trong quí I năm nay đã tăng tới 73% theo năm, theo dữ liệu của công ty tư vấn Savills. Giá biệt thự tăng chậm hơn, nhưng cũng ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Những căn nhà phố có thể kinh doanh ghi nhận mức tăng tới 70% theo năm, và mức giá trung bình đã lên tới 323 triệu đồng/m2 đất.

Theo Savills, đợt mở bán giai đoạn tiếp theo của các dự án luôn có giá bán cao hơn đáng kể so với các giai đoạn trước. Giá nhà phố của giai đoạn sau tại quận Hoàng Mai ghi nhận mức tăng 56% theo quý trong khi huyện Hoài Đức ghi nhận mức tăng 42% theo quý cho nhà liền kề và 26% theo quý cho nhà phố tại các giai đoạn tiếp theo.

Giá biệt thự, liền kề tăng cao là do nguồn cung mới đang rất hạn chế. Trong quý I, nguồn cung mới chỉ đạt 801 căn, tăng 227% theo quý nhưng vẫn giảm 15% theo năm.

Nguồn cung này chỉ đến từ hai dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của ba dự án đang bán. Trong đó, dự án Eurowindow Twin Parks tại Huyện Gia Lâm dẫn đầu nguồn cung mới với 46% thị phần. Nguồn cung mới còn lại đến từ các quận/huyện bao gồm Hoài Đức, Bắc Từ Liêm và Hoàng Mai.

Trong khi nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu trên thị trường và tỷ lệ thanh khoản vẫn rất khả quan. Lượng giao dịch trong quý I/2022 đã cải thiện với 666 căn bán được, tăng 62% theo quý so với quý IV/2021. 

Bên cạnh đó, việc cơ sở hạ tầng hoàn thiện cũng góp phần giúp giá bất động sản tăng mạnh. Kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) được khai thác vào cuối năm 2021, giá tại các dự án biệt thự/nhà liền kề nằm ở cuối tuyến khu vực Hà Đông đã tăng khoảng 5% theo quý. 

Năm 2022, các tuyến đường sắt trọng điểm sẽ được ưu tiên hoàn thiện quy hoạch, bao gồm tuyến đường sắt số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai) và tuyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Các dự án biệt thự, nhà liền kề nằm gần các tuyến đường sắt trên, đặc biệt ở khu vực Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ và Hoàng Mai sẽ được hưởng lợi. 

Trong khi đó, quy hoạch đường Vành đai 4 đang được xem xét phê duyệt; điều này sẽ giúp cải thiện tình hình hoạt động chung tại các thị trường có đường Vành đai này đi quanhư Hà Nội, Hưng Yên, và Bắc Ninh.

Mặc dù phân khúc biệt thự và nhà liền kề vẫn đang có hoạt động tích cực, tuy nhiên, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường biệt thự và nhà liền kề chậm lại trong ngắn hạn.

Trong nửa đầu năm 2022, một số ngân hàng như Sacombank sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bấtđộng sản từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4. Các biện pháp thắt chặt khác cũng dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành ngày 30 tháng 1 năm 2022, Ngân hàng Nhà Nước yêu cầu các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào các lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, hoặc các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. 

Các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT và trái phiếu doanh nghiệp. Tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế và dự kiến sẽ giảm trong năm 2022. Việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn.

Trong phần còn lại của năm, ông Matthew cho rằng, thị trường sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ mười dự án. Khu vực phía Tây có nguồn cung tương lai lớn nhất với Hoài Đức chiếm 60% và Hà Đông với 13% thị phần. Nguồn cung mới trong toàn bộ năm 2022 được ước tính khoảng 2.400 căn, tương đương với năm 2020 và 2021. 

Thị trường sẽ chỉ đón nhận thêm năm dự án mới, trong khi 69% nguồn cung tương lai sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của năm dự án đang bán. Với nguồn cung hạn chế tại Hà Nội, giá bán sẽ khó có thể giảm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay Hòa Bình.