Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao

Nhật Hạ - 17:12, 21/04/2020

TheLEADERGiá thịt lợn không những không giảm theo như cam kết của 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn mà trái lại, còn tăng mạnh.

Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao
Việt Nam đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn

Theo báo cáo của Bộ Công thương hôm nay, giá lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000 đồng/kg.

Trong khi đó, vào đầu tháng 4, giá lợn hơi chỉ ở mức 73.000-78.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000-150.000 đồng/kg. 

Như vậy, chỉ sau ba tuần, người dân đã phải trả thêm 15.000 đồng cho một kg thịt lợn. 

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với cam kết của các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến trong một cuộc họp với Chính phủ tổ chức cuối tháng 3.

Tại cuộc họp này, 15 doanh nghiệp lớn cam kết đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Sau đó, một số chuỗi siêu thị như Co.opmart, Big C... cũng chung tay giảm giá thịt lợn. Tuy nhiên, ngoài chợ, giá thịt lợn vẫn ở mức cao.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá cùng Thủ tướng hôm nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra hai lý do chính cho tình trạng trên.

Đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, tốc độ tái đàn chậm là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng trong thời gian qua.

Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm nay dự kiến tương đương năm 2019, trong đó, quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV gần 1,1 triệu. Bộ này cho rằng, đến hai quý cuối năm mới cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.

Thứ hai, Tổng cục thống kê nhận định, cơ cấu trong giá thịt lợn bất hợp lý. Chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn còn ở mức cao khi chiếm từ 70-90%. So với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi, chi phí này hiện đã tăng khoảng 23.000- 28.000 đồng/kg. Mức chênh giữa giá thịt lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm như hiện nay là quá cao.

Ngoài ra, theo báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, việc giá thịt lợn tăng cao còn được tạo ra bởi một số yếu tố chủ quan khác như do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch Covid-19 và có hiện tượng găm hàng, tích trữ lợn thịt để đẩy giá lên cao.

Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là “quá đáng”. Tuy nhiên, Thủ tướng đặt câu hỏi "liệu người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng?”.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính, Công an thực hiện ngay các giải pháp bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu.

Chi phí khâu trung gian là rất lớn, phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Theo Thủ tướng, “nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật”.

Cùng với việc tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước, Thủ tướng yêu cầu tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài, đồng thời, tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.

Đối với vấn đề đưa thịt lợn vào danh mục hàng hoá dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu kỹ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng và có đề án cụ thể.

Trước đó, trong văn bản kết luận cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, trong đó có chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.

Ngân hàng nhà nước được giao chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi được vay vốn, đồng thời có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.