Thịt lợn tăng giá đẩy CPI tháng 12 lên mức cao nhất 9 năm qua
Nhã Lam
Thứ bảy, 28/12/2019 - 08:35
Mặc dù vậy, CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm trước và là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong ba năm qua.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước, chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.
Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 trong chín năm trở lại đây. Nguyên nhân đến từ việc có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu tăng giá so với tháng trước.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42% do cả giá lương thực, giá thực phẩm tăng mạnh và ăn uống ngoài gia đình tăng 2,44% do ảnh hưởng của nhóm thực phẩm tăng (làm CPI chung tăng 0,22%).
Trong đó, giá thực phẩm tăng 4,41% (làm CPI chung tăng 1%) do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung thịt lợn giảm.
Giá thịt lợn tháng 12 tăng 20% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,83%), kéo theo giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng theo, gồm giá thịt quay, giò chả tăng 8,25%; giá thịt hộp tăng 2,74%; giá nội tạng tăng 9,26% và giá mỡ ăn tăng 19,99%.
Các mặt hàng thay thế cũng tăng theo như giá thịt bò tăng 2,04%; giá thịt gà tăng 3,46%; giá thủy sản chế biến tăng 1,11%.
Giá lương thực tăng 0,45% chủ yếu do nhu cầu gạo xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trước thềm năm mới. Giá gạo tháng 12/2019 tăng 0,54% so với tháng trước.
Nhóm giao thông tăng 0,61% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 30/11/2019 và điều chỉnh giảm vào thời điểm 16/12/2019 làm giá xăng, dầu tăng 1,27% (tác động làm CPI chung tăng 0,05%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43% do giá gas trong nước tăng 1,03% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,37%;
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,33%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; giáo dục và dịch vụ giáo dục đều tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09% so với tháng trước.
CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua. CPI tháng 12/2019 tăng 5,23% so với tháng 12/2018.
Tổng cục thống kê cho biết, CPI bình quân năm 2019 tăng do năm nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng, cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào dịp Tết và thời tiết nắng nóng trong quý II/2019 và quý III/2019 làm cho giá điện sinh hoạt tăng 8,38%.
Thứ hai, các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT làm giá dịch vụ y tế tăng 4,65% (tác động làm CPI chung tăng 0,18%).
Thứ ba, tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí dẫn đến chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2019 tăng 6,11% so với năm 2018 (tác động làm CPI tăng 0,32%).
Thứ tư, việc tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam làm chỉ số giá nhóm văn phòng phẩm tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, còn một số yếu tố về thị trường, như giá nhóm hàng thực phẩm tăng 5,08% (giá thịt lợn bình quân năm 2019 tăng 11,79%); giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng khoảng 1,79%; quần áo may sẵn các loại tăng 1,7%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,02%; giá du lịch trọn gói tăng 3,04% và một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép…
Ngược lại, một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI gồm giá xăng, dầu trong nước chịu ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu trên thị trường thế giới.
Tính từ thời điểm 1/1/2019 đến thời điểm 20/12/2019, giá dầu Brent bình quân năm 2019 trên thị trường thế giới giảm 10,28% so với năm 2018, theo đó giá xăng, dầu trong nước giảm 3,13% (làm CPI chung giảm 0,15%); giá gas sinh hoạt trong nước điều chỉnh giảm 5,98%; giá đường giảm 3,17%;
Lạm phát cơ bản tháng 12/2019 tăng 0,68% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I/2020 tăng cao trên 4%. Do đó yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý II/2019 nhằm kiềm chế lạm phát cả năm 2020 dưới 4%.
Giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua phần chính không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong đó, đã có biểu hiện hộ chăn nuôi găm hàng, tiểu thương thổi giá lợn lên cao.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.