Giá thịt lợn tăng mạnh, vì sao?

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang* - 16:24, 30/03/2020

TheLEADERTrong bối cảnh cả nước chống dịch và gần như đang thực hiện chính sách thời chiến, thì doanh nghiệp và chuỗi bán lẻ thịt lợn (heo) vẫn vô cảm trục lợi với giá bán lẻ gấp 150% so với mặt bằng giá bán 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ đầu năm 2020 đã nhiều lần yêu cầu giảm giá nhưng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi cung ứng thịt heo, vẫn chưa có động thái nào đáng kể.

Thịt heo, mặt hàng tiêu dùng chiến lược

Thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn 60-70% trong bữa ăn người Việt Nam, thịt lợn còn là đầu vào chế biến và ẩm thực của rất nhiều món ăn và thực phẩm chế biến, từ giò lụa cho đến bún mì miến…và đồ hộp. Việc tăng giá thịt lợn 20-50% vào cuối năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, đã có một hiệu ứng dây chuyền lên gần như toàn mặt bằng giá thực phẩm, làm cho giá trị bữa ăn của gia đình Việt Nam giảm chất lượng từ 10% đến 30%. 

Nhiều món ăn trước và sau Tết bị tăng giá, các món ăn bình dân như bánh cuốn, bún chả, bánh mì thịt tăng 15.000 đồng lên 17.000 đồng; các món bún, mì, hủ tiếu tăng 5.000 đồng; thịt gà theo đà tăng giá thịt heo cũng tăng giá từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg; các loại cá và hải sản cũng tăng giá theo chừng 20%.

Cho dù đến nay Bộ NN&PTNN cho rằng sản lượng thịt lợn gia tăng 20% nhưng thật ra quan trọng hơn là Bộ NN&PTNT không thể điều tiết giá bán lẻ của doanh nghiệp. Ngay trong tất cả các siêu thị cho đến hôm nay giá thịt lợn hầu như không giảm so với trước Tết. Thịt lợn ba chỉ (ba rọi) vẫn ở mức bán lẻ 220.000 - 250.000 đồng/kg cao hơn đầu năm 2019 là 50 - 70.000 đồng/kg.

Thịt lợn tăng kéo theo hầu hết các mặt hàng thịt, cá, tôm cũng tăng theo, gây ra một làn sóng tăng giá ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống người dân, và góp phần gia tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Trên 60% thị phần bán lẻ do tư thương chi phối

Quan sát diễn biến cách thức điều hành thị trường và giá thịt heo trong 3 tháng qua, cho thấy sự lúng túng và thiếu kinh nghiệm trong điều hành hệ thống phân phối và kỹ thuật điều tiết giá bán lẻ của một trong những mặt hàng tiêu dùng chiến lược đó là thịt lợn (heo).

Phương thức phân phối và hệ thống bán lẻ thịt heo trong suốt thời gian dài vẫn phụ thuộc vào mạng lưới các quầy hàng tư nhân ở hàng nghìn chợ truyền thống trên cả nước. Các hệ thống siêu thị mới gia nhập thị trường như Vinmart và Bách Hóa Xanh chỉ tham gia một cách thụ động chưa theo kịp phương thức linh hoạt của tư thương bán lẻ. Duy nhất có Vissan ở TP.HCM đã xây dựng một mạng lưới trên 400 cửa hàng chuyên thực phẩm trong đó có thịt heo cùng đại lý ở một số chợ truyền thống, cùng với CP cũng bước đầu hình thành mạng lưới cửa hàng thịt tươi. Tuy nhiên trên 60% thị phần bán lẻ vẫn do hệ thống bán lẻ của tư thương chi phối.

Nhận thấy được tiềm năng nhiều tỷ USD của thị trường béo bở này, ông lớn Masan đã nhanh chân nhảy vào và bước đầu gặt hái thành công rất đáng kể với nhãn hàng MeatDeli. Thaco cũng nhanh chóng tham gia đầu tư với Hùng Vương Group (Thadi).

Tuy nhiên có vẻ như tất cả đều âm thầm ghim giá theo đà khan hiếm nguồn cung từ khi có dịch tả lợn Châu Phi cuối năm ngoái, bất chấp ‘lời kêu gọi’ và mệnh lệnh từ lãnh đạo chính phủ và các địa phương…Bênh cạnh đó là động thái găm hàng từ giới chăn nuôi hòng kiếm một khoản lợi nhuận lớn hơn, bất kể người tiêu dùng đang chịu thiệt. Trong khi đó chi phí đầu vào từ xăng dầu và thức ăn chăn nuôi đều đang giảm rất đáng kể.

Ước gì giá thịt heo giảm được như giá xăng
Thịt lợn tăng kéo theo hầu hết các mặt hàng thịt, cá, tôm cũng tăng theo, gây ra một cơn bão giá.

Cần tái cấu trúc ngành bán lẻ thịt heo

Quá trình theo dõi và phân tích chuỗi cung ứng thịt heo, chúng tôi thấy vấn đề nằm ở cách thức bán lẻ truyền thống của hệ thống bán lẻ tư nhân. Hầu như không chịu sự kiểm soát nào từ các cơ quan chức năng, ngay như một yêu cầu pháp lý cơ bản nhất là niêm yết giá bán tại quầy.

Nhìn sang lĩnh vực bán lẻ gạo, chúng ta thấy dường như đã có một thói quen niêm yết giá cho từng loại gạo. Cũng như vậy Vissan từ lâu đã thực hiện niêm yết giá bán cho từng loại thịt, ngay tại mỗi quầy bán lẻ thịt tươi, như trong Coopmart và tại hàng trăm cửa hàng Vissan.

Thực tế qua khảo sát nhanh ngày hôm nay, thậm chí như chuỗi Coopfood thịt heo được cấp bởi Sagrifood mức giá (ba rọi) là 250.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm mà một số quầy tư nhân bán ra chỉ có 190.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp dẫn đầu với sứ mệnh bình ổn giá đang nghĩ sao về thực tế này?

Chúng tôi chỉ có thể nói rằng cần phải có sức ép mạnh hơn từ chính quyền và những quyết sách nhanh và mạnh hơn nữa thì mới giải quyết nạn thao túng giá như hiện nay. Trong bối cảnh mà hàng triệu người dân đang rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thực phẩm quan trọng trong nạn dịch toàn cầu.

Cần niêm yết giá và cam kết giảm giá phù hợp

Cần nói rằng kinh tế thị trường và cạnh tranh tự nó đã điều tiết giá bán qua cạnh tranh. Tuy nhiên không thiếu những trường hợp người kinh doanh không muốn giảm giá trong một giai đoạn nhất định, vì một số nguyên nhân, trong đó không loại trừ có lợi ích nhóm, có sự thông đồng giữa người bán và nhà cung cấp vì những lợi ích cục bộ…

Những lúc như vậy, cơ quan nhà nước rất cần phải tham gia điều tiết giá trong một giai đoạn cụ thể vì mục đích chung hài hòa lợi ích giữa các thành phần trong xã hội, giữa người cung cấp, người bán và người mua, người tiêu dùng… Việc này cũng rất thường xảy ra, nhất là vào lúc này tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, nền kinh tế bị đình đốn. Thậm chí trong những hàng lang pháp lý hiện có và phổ quát, hành vi thao túng giá cả làm lũng đoạn thị trường được xem là phạm pháp và cần được xử lý theo pháp luật.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ NN&PTNN cho biết sẽ nhanh chóng làm việc trực tiếp với các công ty chăn nuôi và cung ứng hàng đầu trong chuỗi thịt lợn. Tuy nhiên nếu không có những biện pháp quyết đoán thì chưa chắc tình trạng này sẽ được giải quyết một cách căn cơ.

Nêu gương trách nhiệm xã hội

Cho dù mục đích tối thượng của kinh doanh là lợi nhuận, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp dẫn đầu trong mỗi ngành nghề còn có sứ mệnh cộng đồng. Mà cụ thể ở đây là sứ mệnh ‘bình ổn giá thị trường’. Tuy nhiên xem ra trong tình hình vùa qua, với sức ép từ Chính phủ và Bộ NN&PTNT, hầu như không thấy doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành này thực thi trách nhiệm ‘bình ổn giá thị trường’ như cách đây 10 năm.

Có thể nói rằng từ khi các tập đoàn tư nhân tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp vốn nhà nước chủ lực trong ngành thịt (TP. HCM và Hà Nội) thì cán cân cạnh tranh và năng lực điều tiết đã bị bị phá vỡ trong khoảng 3 năm trở lại đây. Thực tế cũng cho thấy từng có những chiêu trò thao túng giá như xảy ra với trứng gà cách đây 3 năm. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia kinh tế thương hiệu Võ Văn Quang, chuyên gia cam kết hỗ trợ các chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu hoàn chỉnh cho doanh nghiệp