Giá vàng lên đỉnh 7 năm và những hệ lụy từ căng thẳng Mỹ - Iran

Nhật Hạ - 11:28, 08/01/2020

TheLEADERTrong lịch sử, giá vàng tăng cao khi các căng thẳng đủ nghiêm trọng để gây ra biến động tiền tệ, thường thấy nhất trong các cuộc chiến tranh hoặc leo thang quân sự. Tới đây, giá vàng được kỳ vọng sẽ sớm đạt ngưỡng kháng cự mới 1.700 USD/ounce nhờ căng thẳng gia tăng giữa Iran - Mỹ.

Giá vàng lên cao nhất 7 năm

Phiên châu Á sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục vọt lên mức 1.612 USD/ounce, đạt đỉnh cao nhất trong 7 năm kể từ tháng 3/2013, trước khi có sự điều chỉnh nhẹ về mặt kỹ thuật.

Chỉ mới qua 4 phiên giao dịch đầu năm 2020, giá vàng đã tăng 93 USD/ounce, tương đương 6% so với giá đóng cửa năm 2019, biên độ dao động rộng hiếm có của loại tài sản này trong vài năm qua.

Quy đổi sang đồng Việt Nam, giá vàng thế giới tương đương 45,6 triệu đồng/lượng (chưa tính phí vận chuyển và phí bảo hiểm), cao hơn giá vàng SJC 1,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tiếp tục 'hái quả ngọt' trong năm 2020 nhờ dầu mỏ
Diễn biến giá vàng thế giới 24 giờ qua.

Ở thị trường trong nước, giá vàng miếng cũng đang tăng mạnh theo xu hướng của thế giới, tính đến 10h sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn yết giá SJC tăng gần 350.000 đồng/lượng so với chiều qua, ở mức 44 – 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Tại khu vực Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 44 – 44,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện đã tăng 7,7 triệu đồng/ lượng kể từ đầu năm 2019.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC tại 44,07 - 41,37 triệu đồng một lượng, tăng 330.000 đồng so với hôm qua.

Chuyên gia cao cấp của Bloomberg Intelligence, ông Mike McGlone cho rằng, vàng đang khởi động đợt tăng giá mới. Với bối cảnh hiện nay, ông dự báo giá vàng sẽ sớm đạt được ngưỡng kháng cự 1.700 USD/ounce.

Thị trường kim loại quý đang tiếp tục nhận được các tin tức tích cực và xu hướng tăng được dự báo vẫn còn. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa các nước Trung Đông và Mỹ đang ngày càng gia tăng với các màn ‘đáp trả’ liên tục từ cuối tuần trước.

Nguồn cơn và hệ lụy

Sự kiện bắt đầu từ việc lực lượng du kích của Iran tấn công vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad ngày 31/12/2019. Tiếp đến, Tướng Qassim Soleimani, người đứng đầu một đơn vị đặc biệt thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq vào rạng sáng 3/1.

Ngay sau đó, Iran tuyên bố sẽ trả thù Mỹ vì cuộc không kích trên và nước này không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran với Mỹ cùng các cường quốc khác vào năm 2015, trong khi đó, Quốc hội Iraq yêu cầu Chính phủ trục xuất quân đội Mỹ.

Về phía Mỹ, ông Trump tuyên bố sẽ nhằm vào loạt địa điểm quan trọng về văn hóa của Iran nếu Tehran có hành động đáp trả về cái chết của vị tướng, đồng thời dọa sẽ áp lệnh trừng phạt "chưa từng thấy" lên Baghdad.

Trong diễn biến mới nhất, chiều 7/1 theo giờ Mỹ, ngay sau khi kết thúc tang lễ của tướng Soleimaini, Iran đã phóng một chục tên lửa đạn đạo vào căn cứ có lực lượng Mỹ ở Iraq.

‘Cơn sốt’ vàng ngày càng gia tăng do dòng tiền đang di chuyển nhanh sang các kênh đầu tư an toàn. Giới đầu tư toàn cầu đang có xu hướng mua mạnh những tài sản an toàn như vàng, Yen Nhật, trái phiếu chính phủ Mỹ, song song với bán mạnh những tài sản có độ rủi ro lớn hơn như cổ phiếu.

Trong lịch sử, giá vàng tăng cao khi các căng thẳng đủ nghiêm trọng để gây ra biến động tiền tệ, thường thấy nhất trong các cuộc chiến tranh hoặc leo thang quân sự. 

Khu vực Trung Đông hiện chiếm gần một nửa sản lượng dầu của thế giới và khoảng 1/5 vận chuyển dầu đi qua eo biển Hormuz. Do đó, căng thẳng địa chính trị nếu không được giải quyết sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu thô tại Trung Đông. Theo các nhà phân tích năng lượng được khảo sát bởi CNBC, điều này sẽ khiến giá dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Giá vàng lên đỉnh 7 năm và những hệ lụy từ căng thẳng Mỹ - Iran 1
Khu vực Trung Đông, bao gồm Iran, hiện chiếm gần một nửa sản lượng dầu của thế giới.

Theo đó, giá dầu thô sáng nay tiếp tục leo thang chóng mặt. Có lúc, giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ tăng gần 4,4%, đạt 65,44 USD/thùng.

Trong khi đó, dầu thô được xem là ‘vua’ của ngành hàng hóa thô với xu hướng dẫn dắt thị trường bao gồm cả vàng. Việc giá dầu duy trì được đà tăng, kèm theo sự suy yếu của đồng USD thời gian qua sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường vàng.

Chuyên gia phân tích thị trường của FXTM, ông Hussein Sayed nhận định, ‘vàng sẽ tiếp tục duy trì ‘cơn sốt’ khi căng thẳng mới ở Trung Đông vẫn còn’. Lý giải về điều đó, theo ông Hussein Sayed, ‘ở thời điểm không ai chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo về chính trị và thị trường, việc tích trữ vàng là sự lựa chọn tốt nhất hiện nay, mặc dù vàng đã rơi vào điểm kỹ thuật quá mua trước đó”.

Thêm nữa, ông Sayed đánh giá, đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở khu vực Trung Đông trong những năm gần đây. Sự việc này có thể gây áp lực lên tăng trưởng toàn cầu gồm cả Mỹ trong thời gian tới. Các quốc gia trên toàn cầu đã ban hành các tuyên bố kêu gọi sự kiềm chế từ cả 2 phía Mỹ và Iran.

Trước đó, 2020 được kỳ vọng là năm mà nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự kiện Brexit cùng hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo ông Sayed, triển vọng này đang dần ‘bị lung lay’ sau căng thẳng mới tại Trung Đông vừa qua. Các quyết định của giới đầu tư có thể sẽ tiếp tục cẩn trọng hơn và điều chỉnh giảm rủi ro trong danh mục đầu tư của họ để chờ phản ứng ‘trả đũa’ của Iran.

Tin về cuộc tấn công của Iran nhằm vào các căn cứ xuất hiện đúng vào thời điểm các thị trường châu Á bắt đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư. Ngay lập tức, sắc đỏ phủ khắp các sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 2,45%, chỉ số Topix "bốc hơi" 2,22%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt 1,42%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 sụt 1%.

Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh, báo hiệu một phiên "đỏ lửa" có thể diễn ra ở Phố Wall vào đêm nay. Chỉ số Dow Jones tương lai "bốc hơi" 410 điểm.