Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông gấp rưỡi vé xe buýt
Nhã Nam
Thứ tư, 20/03/2019 - 11:45
So với xe buýt cùng hạng, giá vé đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cao hơn 1,57 lần nhưng tốc độ di chuyển nhanh hơn 2,1 lần.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội khẳng định, về thời gian đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, các cơ quan của Hà Nội, công ty Đường sắt Hà Nội chưa bao giờ phát ngôn từ ngày 1/4 chở khách. Do phải trải qua nhiều đợt kiểm định, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng nên khó xác định được thời điểm chính xác tàu đi vào vận hành.
Về phương án giá vé, ông Vũ Hồng Trường cho biết, vào ngày 5/3, UBND Thành phố Hà Nội đã họp thông qua phương án giá vé, hiện đang được lấy ý kiến đóng góp của công dân trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.
Cụ thể, giá vé gồm vé lượt (vé chặng) được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga, gồm giá mở cửa 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Vé tháng có 2 loại gồm loại 200.000 đồng/tháng và loại 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra, còn có vé ngày giá vé 30.000 đồng/ngày, không giới hạn số lượt đi và được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến.
Phương án giá vé trên được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí gồm thu nhập người dân và khả năng chi trả; sự cạnh tranh với các phương tiện khác; khảo sát chi phí người dân; cân đối chi phí vận hành và khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước.
So với giá vé xe buýt cùng hạng thì mức giá đường sắt đô thị như trên cao hơn 1,57 lần, nhưng tốc độ di chuyển lại nhanh hơn 2,1 lần so với xe buýt, không kể xe buýt bị tắc đường.
Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,1km, với 12 nhà ga. Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống). Toàn tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.
Thời gian vận hành từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày, tần suất vào giờ cao điểm 5-6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến; vận tốc khai thác bình quân 35km/giờ, như vậy thời gian từ Cát Linh đến Hà Đông bình quân 23 phút.
Trong 1 ngày, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành 288 lượt, năng lực vận chuyển tối đa 260-270 nghìn hành khách mỗi ngày, đáp ứng vận chuyển 55-65% tổng lưu lượng giao thông trên tuyến. Trong 3 năm đầu khai thác, vận hành, trung bình 1 năm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận chuyển từ 30-40 triệu hành khách, năng lực vận chuyển này sẽ tăng dần theo các năm.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc.
Tuy nhiên, do tiến độ chậm, dự án chính thức được triển khai vào tháng 10/2011, và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD.
Từ ngày 20/9/2018, dự án đã vận hành thử toàn bộ hạng mục và dự kiến sau khi chạy thử 3-6 tháng, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Những ngày qua, người dân thủ đô không khỏi háo hức khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã được đóng điện trên toàn tuyến để chạy thử. Theo nhận định của các chuyên gia, sự kiện này không chỉ cải thiện tình hình giao thông mà còn góp phần làm gia tăng giá trị bất động sản (BĐS) quanh khu vực mà nó đi qua.
Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã đồng ý khai thác thương mại dự án vào Quý I/2018 nhưng do vấn đề liên quan Hiệp định vay vốn bổ sung nên tiến độ bị chậm.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.