Giấc mơ chất lượng cho thương hiệu Việt

Nguyễn Hữu Thái Hoà - Chủ tịch iBosses Việt Nam - 13:30, 28/01/2020

TheLEADERMột “giấc mơ chất lượng” cả trong tư duy và thực tế phát triển của Nhà nước và doanh nghiệp hy vọng sẽ góp phần đưa đất nước Việt Nam tự khẳng định mình để mạnh mẽ tiến lên phía trước trong vận hội của thời đại mới.

Giấc mơ chất lượng cho thương hiệu Việt
Nguyễn Hữu Thái Hoà - Chủ tịch iBosses Việt Nam

Từ nhiều năm qua, những trăn trở trong lòng tôi đã dần dần hình thành nên một giấc mơ có thật, một giấc mơ “vượt được người” của sản phẩm Việt Nam, dựa trên nhiều bằng chứng cụ thể. Tôi đã nghiệm thấy rằng đất nước và con người Việt Nam dù bản sắc riêng không thật sự mạnh mẽ nhưng lại hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị nổi bật của nhiều nền văn hóa, có nhiều điều kiện để hình thành được một thương hiệu toàn cầu (Made in World) chất lượng cao trong xu thế phát triển đa chiều của thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Tiềm lực của Việt Nam trong các mối quan hệ

Khi có cơ hội đi lại nhiều, so sánh giữa các nền văn hóa - con người của nhiều quốc gia, tôi nhận thấy Việt Nam có những thuận lợi lớn của một “nền văn hóa nằm ở ngã ba đường” mà không phải ai cũng có được. 

Tinh hoa văn hóa Phương Tây (cụ thể là châu Âu) đã được người Pháp truyền đạt vào Việt Nam rất sớm, đây chính là những thuận lợi của Việt Nam mà các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ và kể cả Trung Quốc không có được. 

Một thực tế có thật là ngày nay nhiều chuyên gia phương Tây từ Pháp, Mỹ, đều rất thích đến làm việc tại Việt Nam và dễ dàng hòa nhập với con người và văn hóa Việt hơn các dân tộc khác. Người Nhật Bản, vốn là một dân tộc rất đặc trưng trong cung cách ứng xử và văn hóa công việc, cũng đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc hợp tác với Việt Nam.

Cứ nhìn vào số lượng lớn các dự án đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm gần đây có thể cho ta một niềm tin về sự hợp tác tốt đẹp với cường quốc châu Á này. Trong mắt người Nhật, chúng ta là một phần của niềm tự hào châu Á. Các nước ASEAN từ nhiều năm nay đã xem Việt Nam là một thành viên quan trọng; vị trí chiến lược về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở bản đồ Đông Nam Á càng làm tăng thêm tầm ảnh hưởng của chúng ta.

Bản chất người Việt lại rất dễ hòa nhập và linh động với nhiều đối tác khác nhau, nếu biết học tập thật nhanh các giá trị về chất lượng dịch vụ cao, năng động trong quản lý kinh doanh, công - thương nghiệp từ Hồng Kông, Singapore, đồng thời dựa trên nền tảng khá dồi dào của nguồn nhân lực, tài nguyên bản địa thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một tương lai sáng sủa không hề thua kém bạn bè trong khu vực.

Vấn đề lớn cuối cùng đó là mối quan hệ với Trung Quốc. Qua các bài học về mở cửa sớm với Phương Tây, chiến lược bùng nổ sản lượng và phát triển đón đầu công nghệ trong mấy thập niên qua, người Trung Quốc đã tạo được đột biến đặc biệt. 

Việc giải quyết được thành công các mối quan hệ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực chính là những yếu tố quyết định cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Chúng ta phải biết học hỏi và quan trọng nhất là phải có những định hướng chiến lược riêng, mà chỉ với đặc thù của Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao.

Giấc mơ chất lượng về “Thương hiệu Việt”

Thật sự giấc mơ chất lượng của tôi bắt đầu từ một thị trấn nhỏ miền Trung nước Pháp - tôi đã từng chia sẻ câu chuyện này như một bài học đáng nhớ cho bản thân. Một lần vào một siêu thị nhỏ ở gần Lyon để kiếm một đôi giầy đá bóng. Tôi vẫn còn nhớ mình đã sửng sốt như thế nào trong cái siêu thị đó.

Đôi giày thứ nhất “made in China” bán với giá 30 Euro, đôi giầy thứ hai do châu Âu sản xuất bán với giá 60 - 80 Euro. Đôi giầy thứ ba rất đẹp với đường may tỉ mỉ làm cho tôi rất thèm muốn có được nó. Nó giá 190 Euro, tôi mở ra và sửng sốt khi nhìn thấy dòng chữ “made in Vietnam”. Một đôi giày đến từ Việt Nam lại được bày ở vị trí trang trọng nhất, có chất lượng tốt nhất và giá bán cao hơn nhiều so với giầy Trung Quốc và châu Âu.

Giấc mơ chất lượng Việt Nam bắt đầu từ đó. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt, chất lượng phù hợp với tố chất của người Việt. Vấn đề là chúng ta có tin mình làm được không?

Sự ngạc nhiên của tôi chính là vấn đề của tất cả chúng ta, chưa tin vào giá trị thật của chính mình. Nhưng sự thật đã chứng minh, đôi giầy đó là một minh chứng là chúng ta có thể làm được. Những quốc gia nghèo như Pakistan (chuyên làm bóng đá cao cấp) hay Việt Nam vẫn còn những cơ hội của mình trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra.

“Giấc mơ chất lượng” mà tôi thường ấp ủ, chiêm nghiệm và hướng tới chính là điều vừa đề cập trên đây: Xây dựng một thương hiệu toàn cầu (MADE IN WORLD) nhưng cũng là “Một thương hiệu Việt - chất lượng cao” trong mắt bạn bè và khách hàng toàn thế giới. 

Làm sao để trong 10, 20 năm nữa, khi một nhãn hiệu “Made in Vietnam” xuất hiện trên thị trường cũng đồng nghĩa với giá trị chất lượng cao, uy tín và có đặc thù nổi trội khác hẳn những nhãn hiệu “sàn sàn bậc trung” theo chính sách không cần đồ tốt, chỉ cần hợp túi tiền của Trung Quốc, hay như những mặt hàng chỉ hoàn toàn mang tính gia công của các quốc gia Đông Nam Á khác.

Để làm được điều đó, kinh nghiệm 10 năm qua tại Trung Quốc cho thấy cần có sự hỗ trợ và tác động mạnh mẽ đặt biệt từ khoa học và công nghệ. Một cơ hội lớn khác của thương hiệu Việt Nam là thông qua các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh (bằng nhiều hình thức liên doanh, liên kết) giới thiệu được những sản phẩm mang tính tiêu chuẩn hóa và toàn cầu hóa cao; những hệ thống chất lượng hiệu quả, đáng tin cậy; những dịch vụ hậu mãi linh động và thật sự đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.

Những thương hiệu Việt như thế cần biết tập trung vào các thế mạnh của mình từ những ngành công nghiệp có kỹ năng lao động, công nghệ cao và cũng phải biết cách quảng bá cho hình ảnh chất lượng tích cực của thương hiệu Việt: Sản phẩm chất lượng tốt, có tính thẩm mỹ cao kèm theo nhiều dịch vụ linh động với những nhân viên vừa cầu tiến, vừa dễ mến, biết làm vừa lòng khách hàng và luôn có những giải pháp thông minh trong mọi tình huống khác nhau cùng khách hàng vượt mọi khó khăn.

Giấc mơ chất lượng cho thương hiệu Việt
Viettel Telecom vào Top 50 thương hiệu tăng giá mạnh nhất thế giới 5 năm qua trên bảng xếp hạng của Brand Finance.

Cần cải tổ tư duy chất lượng

Một câu hỏi được đặt ra: Liệu các thương hiệu Việt đã đủ tầm vươn ra thế giới hay chưa? Câu trả lời đúng sẽ là: Có và không. 

Có – đối với trường hợp những thương hiệu đã xuất khẩu và đứng được ở thị trường quốc tế như Café Trung Nguyên, các mặt hàng nông sản, may mặc... Tuy nhiên hầu hết chỉ là các mặt hàng phục vụ cộng đồng Á đông ở phương Tây. 

Không - là vì hầu như chưa có hoặc rất ít những thương hiệu Việt có thể đứng ở thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế và thật sự thoát khỏi cái áo làm gia công cho các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Adidas...

Rất nhiều lý do cả chủ quan và khách quan cho thực trạng trên. Khách quan như việc tụt hậu trong kinh tế thị trường hơn 30 năm sau chiến tranh, chính sách đóng cửa và phong tỏa kinh tế của các thế lực phương Tây. Nhưng đáng lo hơn là chúng ta không có một định hướng phát triển chất lượng đúng đắn và có tầm nhìn mang tính thấu trí lâu dài. 

Chất lượng của sản phẩm Việt còn nặng tính hình thức, hô hào và lý thuyết suông hơn là thực sự đem lại giá trị lợi nhuận cụ thể cho doanh nghiệp và khách hàng. Nói cách khác là khách hàng quốc tế không (hoặc chưa) tin tưởng vào thương hiệu chất lượng Việt Nam. Điều mà khi nói đến Nhật Bản (made in Japan) hay Đức (made in Germany) mọi khách hàng đều hiểu và thuyết phục về giá trị chất lượng “từ trong huyết quản” của họ.

Rõ ràng chất lượng thương hiệu của một quốc gia cực kỳ quan trọng cho doanh nghiệp. Đó là lý do rất nhiều doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia tìm cách tránh né việc ghi xuất xứ trên sản phẩm của mình.

Vậy cơ hội nào cho các thương hiệu hiếm hoi của Việt Nam mang tầm quốc tế? Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Tôi cho rằng các thương hiệu Việt đều có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, chúng ta không nên nhìn nhận thiển cận rằng thị trường quốc tế chỉ dành cho những giá trị chất lượng cao cấp. 

Ở các thị trường quốc tế cũng có rất nhiều cấp độ (ví dụ ở Trung Quốc: S1 là thị trường hàng xuất nhập khẩu cao cấp, S2 là thị trường của các thương hiệu “copy” loại tốt, S3 và S4 loại hàng rẻ tiền nội địa,...). Do vậy những thương hiệu Việt ở thị trường S2, S3, S4 vẫn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Phi và các nước khác nếu họ có chiến lược cạnh tranh, quảng cáo và thương hiệu chất lượng tốt.

Có ý kiến cho rằng “ngoài các nguyên nhân như công nghệ chế biến kém nên hàng Việt Nam phải xuất thô, còn có các lý do như Việt Nam yếu về marketing nên đành chịu thiệt”. Marketing là một lý do lớn ảnh hưởng đến thương hiệu Việt Nam, nhưng quan trọng hơn là ý thức chất lượng của các doanh nghiệp đối với khách hàng và một chiến lược chất lượng tầm cỡ quốc gia, gây tiếng tăm và sự chú ý của khách hàng thế giới về sự cam kết chất lượng của thương hiệu Việt. 

Ở Việt Nam, chưa có một doanh nghiệp nào thật sự xây dựng một chiến lược chất lượng toàn diện. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các tổ chức nhà nước vẫn còn bị bó hẹp, do đó để phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác, các doanh nghiệp cũng như tổ chức nhà nước cần cải tổ mạnh mẽ về tư duy chất lượng, có như vậy mới thành công.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Hữu Thái Hoà - Chủ tịch iBosses Việt Nam