Giải bài toán kinh doanh thịt lợn thương hiệu Việt

Quỳnh Chi - 07:47, 04/03/2020

TheLEADERNhật Bản chỉ có một giống lợn bản địa nhưng ngành kinh doanh thịt lợn thương hiệu đã được hình thành và phát triển. Trong khi đó, Việt Nam có sự đa dạng phong phú về tài nguyên nhưng lại chưa được khai thác.

Giải bài toán kinh doanh thịt lợn thương hiệu Việt
Việt Nam có sự đa dạng phong phú về tài nguyên lợn bản địa

Việt Nam có sự đa dạng phong phú và may mắn có được số lượng lớn các giống vật nuôi. Dẫn báo cáo của Chính phủ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, ở Việt Nam có hơn 20 giống lợn bản địa. Gần đây, một số giống này đã bị giảm mạnh về số lượng và bị lai với các giống khác dẫn đến tình trạng một số giống bản địa gần như hoặc đã tuyệt chủng. 

Trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh của lợn lây lan ở châu Á, việc bảo tồn các giống lợn bản địa là một nhiệm vụ cấp bách trên quan điểm đa dạng sinh học, và là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Phát triển các biện pháp bền vững để cải thiện sinh kế của hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cũng là một ưu tiên quan trọng không kém.

Trong đó, dự án thành lập hệ thống ngân hàng gien đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học (SATREPS) với sự cố vấn của các chuyên gia Nhật Bản bắt đầu vào tháng 5/2015 đã thực hiện khảo sát lợn bản địa Việt Nam tại 22 tỉnh và thiết lập cơ sở dữ liệu gồm các nhận dạng, phân loại, đặc tính. Sau khi dự án kết thúc vào tháng 5/2020, đối tác phía Việt Nam của dự án cam kết tiếp tục các sáng kiến do dự án khởi xướng để bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên lợn bản địa quan trọng của Việt Nam.

GS. Kazuhiro Kikuchi, cố vấn trưởng dự án này cho biết, dự án đã thực hiện bảo quản lạnh tinh trùng của các giống được chọn và thiết lập một hệ thống ngân hàng tinh trùng đông lạnh. Dự án cũng thực hiện nhiều nghiên cứu để sản xuất phôi trong ống nghiệm, đông lạnh tế bào trứng và phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển nhân tế bào soma, cấy chuyển phôi và hợp tử.

Các công nghệ cơ bản để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, cải thiện việc nuôi và quản lý chăn nuôi đã được phổ biến cho người chăn nuôi lợn bản địa ở tỉnh Hòa Bình nhằm tăng năng suất lợn bản địa.

Dự án đã được hình thành và bắt đầu như thế nào, thưa ông?

GS. Kazuhiro Kikuchi: Khi biết rằng Việt Nam có tới 26 giống lợn bản địa tôi đã rất kinh ngạc vì ở Okinawa (Nhật Bản) chỉ có một giống. Tôi cũng được biết rằng một số giống trong số này đã bị tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng trong quá trình ngành chăn nuôi tìm cách nâng cao hiệu quả để phát triển kinh tế. Mỗi loại giống đều có những đặc tính và đặc điểm di truyền riêng, cả đã được khám phá và chưa được khám phá. Các đặc tính và đặc điểm di truyền này không thể khôi phục lại được một khi bị mất đi. 

Khai thác ngành kinh doanh thịt lợn thương hiệu
GS. Kazuhiro Kikuchi

Nhận thức được điều này và trước nguy cơ mất đi các nguồn tài nguyên lợn bản địa, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã thảo luận về cách thức bảo tồn các giống bản địa này như thế nào và quyết định xin tài trợ dự án SATREPS, theo đó các nghiên cứu và hoạt động chung có thể được thực hiện bởi cả hai nước.

Các hoạt động chính của dự án là gì?

GS. Kazuhiro Kikuchi: Dự án có bốn hợp phần chính. Thứ nhất, khảo sát lợn bản địa Việt Nam và thiết lập hệ thống ngân hàng đông lạnh. Trong đó, khảo sát kiểu hình và đặc điểm di truyền; bảo quản đông lạnh tinh trùng và thiết lập hệ thống ngân hàng tinh trùng (hệ thống ngân hàng gene).

Thứ hai, phát triển kỹ thuật sinh sản, cụ thể là sản xuất phôi trong ống nghiệm; đông lạnh tế bào trứng và phôi; nhân bản. Trong hệ thống ngân hàng gene hiện được thành lập tại Viện Chăn nuôi, chỉ có tinh trùng được bảo quản lạnh. Tuy nhiên, để áp dụng trong tương lai, các nghiên cứu đã được thực hiện để thiết lập các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đông lạnh tế bào trứng và phôi. Kỹ thuật này hiện được cho là rất khó. Ngoài ra, các nghiên cứu để thiết lập một kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma, hay còn thường được gọi là kỹ thuật nhân bản cũng đã được thực hiện.

Thứ ba, khảo sát tình hình dịch bệnh tại các trại nuôi lợn bản địa ở Việt Nam. Thứ tư, cải thiện việc quản lý chăn nuôi lợn bản địa Việt Nam để tăng năng suất.

Hợp phần thứ ba và thứ tư đã được thực hiện thử nghiệm với hộ chăn nuôi mẫu ở tỉnh Hòa Bình. Các hoạt động phổ biến đã được thực hiện để Qhòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và cải thiện việc quản lý chăn nuôi và dinh dưỡng.

Qua các nghiên cứu về lợn bản địa Việt Nam, đâu là những phát hiện mới mà ông thu nhận được?

GS. Kazuhiro Kikuchi: Trước hết, lợn bản địa Việt Nam chịu được điều kiện chăn nuôi kém (vì chúng có thể sống bằng thức ăn sống) nhưng thịt thì lại rất ngon. Điều này rất quan trọng về mặt thực phẩm, vì nó làm tăng cơ hội xây dựng thương hiệu thịt lợn bản địa. 

Thứ hai, nhiều giống lợn bản địa của Việt Nam có kích thước nhỏ với trọng lượng chỉ 40-50kg, có nghĩa là chúng có thể được dùng phục vụ mục đích y học. Điều này có thể tạo ra nhu cầu tiềm năng và cơ hội thương mại trong tương lai. Như vậy, tài nguyên lợn bản địa Việt Nam có nhiều tiềm năng khác nhau.

Cần lưu ý, Nhật Bản chỉ có một và ở Philippines chỉ có vài giống lợn bản địa nhưng ngành kinh doanh thịt lợn thương hiệu đã được hình thành và phát triển. Trong khi đó, Việt Nam có sự đa dạng phong phú về tài nguyên nhưng lại chưa được khai thác.

Ông mong muốn các đối tác Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì sau khi dự án kết thúc?

GS. Kazuhiro Kikuchi: Cho đến nay trong dự án, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cùng tham gia nghiên cứu. Từ giờ trở đi, phía Việt Nam sẽ phải tiếp tục một mình. Tôi hy vọng rằng các đối tác Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để bảo tồn nguồn gien và chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo tồn với những nhà nghiên cứu bên ngoài. Điều quan trọng là áp dụng những gì đã biết để bảo tồn và tiếp tục.

Ông nghĩ gì về sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi kể từ năm ngoái?

GS. Kazuhiro Kikuchi: Sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) gây nhiều mối đe dọa trong việc thực hiện dự án. Chúng tôi đã cố gắng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đối phó với tình hình dịch bệnh, phải mất nhiều nỗ lực và thời gian hơn. Một số hoạt động theo kế hoạch đã phải hủy bỏ. 

Tuy nhiên, các hoạt động chăn nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi Thái Nguyên không bị ảnh hưởng do có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, và điều này đã cho chúng tôi niềm tin rằng có thể ngăn chặn được ASF nếu thực hiện các biện pháp kịp thời và hiệu quả. Sự lây lan của ASF cũng cho chúng ta một thông điệp quan trọng về bảo tồn nguồn gien, vì một khi nguồn gien bị mất đi do các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, không có cách nào phục hồi được.

Đối với việc tìm kiếm và chăn nuôi giống lợn không bị nhiễm virus nói chung, có tiềm năng để tìm thấy những con lợn như vậy trong nguồn tài nguyên di truyền phong phú. Tuy nhiên, cho đến nay, cá thể hoặc nhóm cá thể như vậy vẫn chưa được chứng minh. Việc tiếp tục khảo sát và nghiên cứu là cần thiết.

Quan điểm của ông về sự hợp tác giữa hai quốc gia và các tổ chức tham gia dự án?

GS. Kazuhiro Kikuchi: Hợp tác và cộng tác là rất cần thiết trong nghiên cứu và thực hiện dự án. Mặc dù tôi có cảm tưởng rằng các tổ chức Việt Nam có xu hướng hoạt động theo chiều dọc, nhưng tăng cường hợp tác theo chiều ngang giữa các tổ chức nghiên cứu sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nghiên cứu và thực hiện dự án.

Xin cảm ơn ông!