Giải pháp tạm thời cứu ngành mía đường Việt Nam

Minh Anh - 09:20, 24/02/2021

TheLEADERBộ Công thương vừa chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan sau gần 5 tháng điều tra. Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định này sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành mía đường Việt.

Giải pháp tạm thời cứu ngành mía đường Việt Nam
Bộ Công thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Kết quả điều tra từ bộ này cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước, tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất, người tiêu dùng, Bộ Công thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. 

Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn.

Động thái này của Bộ Công thương được đánh giá là quyết định quan trọng giúp ngành mía đường Việt Nam vượt qua giai đoạn rất khó khăn.

Theo đó, sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 1/1/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

Trong khi đó, ngành mía đường của các quốc gia trong khu vực được trợ giá rất lớn từ Chính phủ. Đến ngày 30/6/2020, Chính phủ Thái Lan đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath (tương đương 317 triệu USD). Mức tài trợ cho này tương đương khoảng 1.419 Bath/tấn mía, giúp giá thành mía đường của Thái Lan ở mức rất cạnh tranh. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.

Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng mạnh.

Giá đường thấp dẫn đến giá mía cũng rất thấp. Nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Cả nhà máy và nông dân đều thua lỗ rất nặng nề, diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp.

Đường mía Thái Lan nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường, cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước. Nếu như trước đây, năng lực sản xuất của doanh nghiệp mía đường trong nước vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn thì đến nay giảm chỉ còn một nửa.

Trước đó, trải qua gần 5 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng. 

Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. 

Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định của Bộ Công thương là giải pháp có ý nghĩa rất lớn giúp ngành mía đường Việt Nam.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho rằng, cơ sở để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO) là rất rõ ràng.

Do đó, để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, người dân trồng mía và tăng thu ngân sách.