Giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh mới

Minh Anh - 09:46, 29/09/2021

TheLEADERNếu như trước đây, Chính phủ đặt trọng tâm vào việc giảm ca mắc thì trong giai đoạn tới, việc ưu tiên cho bài toán phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đang đòi hỏi các giải pháp phù hợp cho sát với những ưu tiên này.

Giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh mới
Việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh sẽ là nội dung điều chỉnh hết sức quan trọng của cả nước trong giai đoạn tới đây

Bốn đề xuất

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội về dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. 

Theo Ban IV, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh sẽ là nội dung điều chỉnh hết sức quan trọng của cả nước trong giai đoạn tới đây. 

Qua tổng hợp từ ý kiến góp ý của gần 20 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, ban đã đề xuất bốn kiến nghị để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thứ nhất, để các hướng dẫn mới tạo được hiệu ứng cân bằng giữa các mục tiêu phòng, chống dịch với mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện dịch vẫn tồn tại ở cộng đồng, các hiệp hội đề xuất những nguyên tắc đã được Thủ tướng chỉ đạo, công bố hoặc nhất trí tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 26/9/2021 cần được truyền tải, ghi nhận cụ thể, rõ ràng và chính thức để làm “kim chỉ nam” cho việc xây dựng, áp dụng các chính sách ở các bộ, địa phương, cũng đồng thời để được hưởng ứng thực thi hiệu quả ở từng cấp doanh nghiệp, người lao động, người dân trên cả nước.

Các đề xuất cần thực hiện như thay đổi mạnh mẽ nhận thức, cho phép doanh nghiệp/cụm doanh nghiệp trở thành các chủ thể tham gia vào công tác quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch thay vì chỉ là đối tượng “chịu sự quản lý” như thời gian trước đây. Trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, doanh nghiệp luôn phải duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn lực cho chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. 

Bên cạnh đó, yếu tố hợp tác công - tư là điều kiện then chốt để tập hợp sức mạnh, nguồn lực cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cần được thực thi nghiêm túc ở mọi cấp, ngành. Các biện pháp đánh giá, khoanh vùng, triển khai cần được thực thi theo từng cấp độ nhỏ nhất, thậm chí ở cấp tổ dân phố, khối phố hoặc cao nhất là cấp phường (xã) để đảm bảo tính chất linh hoạt cho giai đoạn mới.

Thứ hai, các hiệp hội đề xuất bổ sung hai nguyên tắc quan trọng trong phòng chống dịch. Một là áp dụng thống nhất và xuyên suốt nguyên tắc về hoạt động tập trung ngoài trời và trong nhà trong mục cho mọi loại hình ngành nghề và hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp cho phép số lượng tập trung nhiều hơn.

Hai là việc thực hiện hướng dẫn này không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp. Việc tăng cấp độ dịch không được đột ngột, chỉ thực hiện ít nhất 72 giờ sau khi thông báo.

Thứ ba, để giải quyết triệt để tình trạng các địa phương chỉ tập trung truy vết, khoanh vùng dịch mà không quan tâm mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương (và/hoặc một số bộ đầu mối về kinh tế) nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao chỉ tiêu “duy trì/mở cửa hoạt động của doanh nghiệp” cho từng tỉnh, thành bên cạnh các chỉ số/chỉ tiêu khác về chống dịch.

Thứ tư, bên cạnh việc quy định các chỉ số, chỉ tiêu, biện pháp, các hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ giao bộ, ngành đầu mối phối hợp với các chuyên gia y tế, kinh tế nghiên cứu, tham mưu xây dựng khung đánh giá, giám sát quá trình thực thi để nhanh chóng phát hiện các thiếu sót, bất cập nhằm hiệu chỉnh quy định hoặc nhìn nhận được những nội dung thực sự hiệu quả để có thể đẩy mạnh.

Ưu tiên bài toán phục hồi và phát triển kinh tế

Về các ý kiến đóng góp cụ thể, ý kiến từ các hiệp hội cho rằng cho rằng, do tư duy các cấp chính quyền lâu nay trọng tâm vào việc giảm ca mắc nên rất nhiều nguồn lực đã được sử dụng để phát hiện sớm, khoanh vùng, truy vết. Tuy nhiên, giai đoạn tới đây, nguồn lực tài chính rất khó khăn, lại ưu tiên bài toán phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nên cần đặt mục tiêu cho sát với những ưu tiên này.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất đưa mục tiêu giảm số ca tử vong và ca mắc nặng thành mục tiêu hàng đầu thay vì giảm ca mắc thuần túy; đưa mục tiêu giảm số ca mắc xuống dưới cùng thậm chí loại bỏ khỏi tài liệu, bởi việc mắc Covid tới đây như mắc cúm, không thể hạn chế ca mắc hoàn toàn dù đã tiêm phòng.

Về các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, theo đề xuất của các hiệp hội, không nên quy định phân biệt các dịch vụ không thiết yếu mà nên đưa ra những tiêu chí an toàn cụ thể về y tế để các loại dịch vụ đều có cơ hội vận hành hoạt động trong bối cảnh thích ứng an toàn.

Đối với hoạt động trong nhà và ngoài trời, cần bổ sung yêu cầu người tham gia đeo khẩu trang. Dự thảo cần sửa đổi số lượng người được phép tham gia hoạt động ngoài trời trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 ở các cấp 2, 3 và 4 tương ứng là ≤150 người, ≤100 người và ≤70 người.

Đối với lưu thông, vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh, không nên đặt ra vấn đề cấp QRcode cho xe/phương tiện, chỉ để lại các bộ tiêu chí liên quan đến con người vì con người mới là đối tượng cần kiểm soát. Đồng thời, các hiệp hội đề xuất biện pháp đối với người nhập cảnh (không phân biệt quốc tịch) đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trong vòng 72 giờ là được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch.

Đối với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất, đề nghị giảm chỉ số tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao xuống 10% để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tinh thần sống chung với dịch lâu dài. 

Nhóm người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh là nhân của các công ty đối tác nên thuộc trách nhiệm phòng, chống dịch của công ty khác, đề nghị bỏ nhóm đối tượng này ra khỏi mục quy định tự tổ chức xét nghiệm.

Đối với trung tâm thương mại hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch, các hiệp hội đề xuất được hoạt động ở cấp 4 với điều kiện tất cả những người tham gia đều đã hoàn thành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày. Đối với nhà hàng, quán ăn hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch, đề xuất được hoạt động ở cấp 4 với điều kiện tất cả những người tham gia đều đã hoàn thành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác cũng cần được hoạt động ở cấp 4 với điều kiện tất cả những người tham gia đều đã hoàn thành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày.

Về biện pháp tiêm chủng vaccine, các hiệp hội cho rằng, nếu đặt mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế thì cũng nên ưu tiên vắc xin cho đội ngũ làm kinh tế. Hiện dự thảo chưa cho thấy rõ tính ưu tiên cho nhóm đối tượng này khi sử dụng các độ tuổi trên 18, trên 50 để làm các căn cứ. Đây là bài toán hết sức khó khăn của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên cả nước hiện nay vì người lao động muốn quay trở lại sản xuất kinh doanh đều buộc phải đáp ứng đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid hoặc tối thiểu tiêm 1 liều vắc xin.

Về biện pháp cách ly, với điều kiện hiện nay, theo các hiệp hội doanh nghiệp, nên hạn chế cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho ngành y tế, giảm rủi ro lây nhiễm. Mục tiêu là kiểm soát độ an toàn của con người, do đó các biện pháp đưa ra cần hướng đến mục tiêu kiểm soát này. 

Đối với chuyên gia, Chính phủ đã có quy định chuyên gia nước ngoài khi vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi chỉ cần cách ly 7 ngày. Nhưng chuyên gia trong nước vẫn phải cách ly 14 - 21 ngày bởi quy định riêng lẻ của nhiều địa phương. Do đó, các hiệp hội đề nghị cần phải có quy định đồng bộ cho những người đã tiêm để nhất quán ứng xử với cả quốc tế lẫn trong nước, không tạo ra các quy định khác nhau ở các tỉnh thành như hiện nay gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng đề xuất bổ sung quy định để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0 tại trụ sở doanh nghiệp hoặc các khu thu dung của doanh nghiệp, địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch. Có như vậy, các bên mới có thể cùng thích ứng an toàn và sống chung với dịch bệnh.