Hồ sơ quản trị
Giảm cồn, tăng giá, Sabeco vượt khó
Việc điều chỉnh sản phẩm theo hướng giảm nồng độ cồn và tăng hương vị, có giá bán cao hơn được cho là động lực tăng giá bán bình quân tự nhiên.
Dù cả ngành bia, rượu nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung vẫn đang trải qua những giai đoạn phục hồi khó khăn, Tổng CTCP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn tăng trưởng đều đặn cùng chiến lược mở rộng cả về lượng và chất trong bối cảnh cạnh tranh cao và nhiều rào cản, biến số bất định trong ngành.
Tăng trưởng đều đặn
Theo báo cáo tài chính quý III/2024 vừa công bố, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ lên 7.670 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty cũng chủ động tiết giảm hàng loạt chi phí cũng giúp giảm một phần tình trạng sụt giảm thu nhập từ lãi tiền gửi và lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết do tác động từ mặt bằng lãi suất giảm.
Khấu trừ các khoản chi phí, Sabeco báo lợi nhuận sau thuế đạt
1.161 tỷ đồng, duy trì đà tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế chín tháng đầu năm, “ông trùm” ngành bia ghi nhận doanh thu thuần đạt 22.940 tỷ và lãi sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Sabeco đã hoàn thành được gần 67% mục tiêu doanh thu và 77% mục tiêu lợi nhuận sau chín tháng.
Theo giải trình, Sabeco cho biết doanh thu thuần cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ chủ động tăng giá bán sản phẩm, nền kinh tế được cải thiện trong bối cảnh Nghị định 100 thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong chín tháng đầu năm, bên cạnh lãi gộp tăng, Sabeco ghi nhận chi phí bán hàng 2.612 tỷ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ; trong đó khoản chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi chiếm tỷ trọng lớn nhất 58%, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước còn 1.505 tỷ đông.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Sabeco đạt 32.234 tỷ, giảm 5% so với hồi đầu năm. Đặc biệt, khoản mục tiền, tiền gửi ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 70%) trong cơ cấu tài sản với giá trị hơn 22.400 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong suốt giai đoạn 2021 tới nay.
Số tiền “khủng” này giúp “hãng bia quốc dân” thu về 780 tỷ
lãi tiền gửi sau chín tháng đầu năm, tương ứng việc mỗi ngày nhận gần 2,9 tỷ đồng
tiền lãi.
Đáng chú ý, về xu hướng trung hạn, kết quả kinh doanh của Sabeco vẫn tăng trưởng trong suốt giai đoạn nâng thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng bia, rượu – một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp ngành này.
Cụ thể, năm 2014, Sabeco ghi nhận 24.635 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lãi ròng. Kết quả này tăng đều qua các năm và đạt đỉnh ở mức 38.134 tỷ đồng doanh thu và 5.370 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2019 trước khi đảo chiều giảm từ năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch cũng như Nghị định 100.
Tuy vậy, ngay sau đại dịch Covid-19, năm 2022 cũng chứng kiến kết quả kinh doanh của Sabeco vượt mức kỷ lục năm 2019 và cũng dần chứng kiến sự phục hồi tích cực trong nhiều quý liên tiếp vừa qua.
Tiếp tục mở rộng
Không dừng lại ở kết quả hiện tại, với đà tăng trưởng đều đặn trên cơ sở tiềm lực tài chính dồi dào, đảm bảo vị thế thị phần lớn trong ngành, Sabeco vẫn không ngừng triển khai các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Mới đây nhất, Sabeco đã ban hành nghị quyết thông qua việc thực hiện và phương án chào mua công khai cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco).
Với hàng nghìn tỷ tiền mặt sẵn có, việc tăng mạnh tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco của Sabeco được coi như thương vụ đầu tư khả thi, từ đó gia tăng quyền kiểm soát và lợi ích tại một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất hiện hữu.
Cụ thể, Sabeco dự kiến chào mua hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB, tương đương 43,2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Sabibeco.
Hiện tại, Sabeco đang là cổ đông lớn tại Sabibeco và nếu chào mua thành công sẽ nâng sở hữu tại Sabibeco lên gần 52,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 59,6% vốn điều lệ, qua đó trở thành công ty mẹ của Sabibeco. Tổng số lượng cổ phiếu do Sabeco và người có liên quan nắm giữ hơn 57,7 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 66% vốn điều lệ.
Sabeco dự kiến sẽ phải chi hơn 830 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ và có thể tăng giá chào mua nếu cần thiết. Thời điểm chào mua là trong năm 2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Theo tìm hiểu, Sabibeco tiền thân là Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây, được thành lập ngày 25/11/2005, với dự án đầu tiên là Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương. Vốn điều lệ ban đầu chỉ là 90 tỷ đồng, sau sáu lần tăng vốn đạt 875 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính của Sabibeco là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bia. Cụ thể, Sabibeco sản xuất gia công các dòng sản phẩm bia của Sabeco như Saigon Lager, Saigon Export, Saigon Special và Saigon 333Export.
Hiện Sabibeco đang sở hữu sáu nhà máy bia với tổng công suất sản
xuất đạt 610 triệu lít/năm. Sau khi thâu tóm Sabibeco, tổng công suất sản xuất
của Sabeco sẽ tăng lên hơn 3 tỷ lít/năm, tăng 25% so với công suất hiện tại và
trở thành công ty bia có quy mô sản xuất lớn nhất tại Việt Nam.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá thương vụ sáp nhập Sabibeco sẽ giúp Sabeco cải thiện thị phần.
Theo đó, doanh thu hợp nhất dự kiến sẽ tăng thêm khoảng hơn
500 – 700 tỷ đồng, tăng 1,5- 2% so với hiện tại do 75% doanh thu của Sabibeco hiện
đang đến từ việc gia công bia và bán hàng cho Sabeco sẽ được loại trừ khi hợp
nhất.
Đồng thời, biên lợi nhuận dự kiến của Sabibeco sẽ dần được cải thiện bằng với các công ty con sản xuất bia của Sabeco, hiện bình quân đang ở mức 10,6%, tương ứng mức đóng góp vào lợi nhuận hợp nhất của Sabeco có thể đạt khoảng 50 – 70 tỷ đồng trong dài hạn.
Bên cạnh đó, vào tháng 8/2023, Sabeco đã hoàn thành giai đoạn
1 của dự án tổng thể kho bãi – điều vận, một trong bốn dự án lớn trong khuôn khổ
chiến lược Sabeco Supply Chain 4.0 giai đoạn 2022 - 2024, được kỳ vọng tối ưu
hóa chuỗi cung ứng, tăng hiệu quả vận hành và kiểm soát chi phí tốt hơn.
Theo Euromonitor, thị trường bia Việt Nam được thống trị bởi
bốn “ông lớn”, cùng nhau nắm giữ hơn 90% tổng thị phần trong năm năm qua bao gồm
Heineken Việt Nam, Sabeco, Carlsberg Việt Nam, và Habeco. Trong đó, Sabeco,
cùng với Heineken, chiếm tới gần 80% tổng sản lượng bán hàng năm 2023.
Sabeco rẽ lối đi riêng
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, ngành bia đã và vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về cả chính sách và thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự chủ động trong hoạch định và cập nhật điều chỉnh các chiến lược kinh doanh mục tiêu giúp Sabeco có thể vươn lên tách biệt với xu thế chung này.
Theo thống kê của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, sau khi ghi nhận giảm 12% năm ngoái, sản lượng ngành bia tiếp tục ghi nhận mức giảm 4% trong tám tháng đầu năm nay.
Thêm nữa, việc tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại các thành phố lớn được cho là nguyên nhân khiến cho tiêu thụ tiếp tục có sự sụt giảm.
Đánh giá triển vọng toàn ngành, VCBS cho rằng lũy kế cả năm 2024 mức giảm có thể còn nhiều hơn nếu tính tới thiệt hại từ cơn bão Yagi tới miền Bắc trong tháng 9 vừa qua.
Năm 2025, tổ chức này dự báo đà giảm tiêu thụ có thể chững lại khi người tiêu dùng trở nên quen thuộc với chính sách mới và thu nhập của người dân bắt đầu manh nha hồi phục trở lại sau một thời gian dài thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy vậy về dài hạn, tiêu thụ cho đồ uống có cồn gặp khá nhiều yếu tố tác động tiêu cực khi các quy định nghiêm ngặt và tăng cường kiểm soát về nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn tiếp tục diễn ra. Thêm nữa, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2026-2030 là một rủi ro trong dài hạn với ngành bia
Theo Forbes, thế hệ Gen Z uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng tới sức khoẻ cũng khiến tiêu thụ bia truyền thống giảm.
Mặc dù vậy, các “ông lớn” đầu ngành như Sabeco hay Heineken vẫn đảm
bảo duy trì được khả năng tăng trưởng dù đối mặt với hàng loạt thách thức, đặc
biệt là rào cản từ Nghị định 100 cùng “gánh nặng” lớn về thuế tiêu thụ đặc biệt
trong suốt thập kỷ vừa qua.
Ngoài ra, bất chấp sự cạnh tranh lớn trong ngành cũng như những thách thức đặt ra, giá bán sản phẩm bình quân của Sabeco năm 2024 được dự báo tăng 2,5% so với năm 2023 nhờ thực hiện tăng giá bán kể từ quý II/2023.
Điều này đến từ khâu nghiên cứu và phát triển về giá cũng như các phân khúc sản phẩm mới theo sát xu hướng thị trường của Sabeco.
Theo nghiên cứu của NielsonIQ, người tiêu dùng đang ưa chuộng các sản phẩm có độ cồn nhẹ và hương vị mới lạ, giá bình quân cao hơn so với sản phẩm truyền thống.
Theo thống kê từ hơn hai năm trở lại đây, NielsonIQ chỉ ra nhóm sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp, hương vị dễ uống đang được người tiêu dùng đón nhận với sản lượng tiêu thụ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại sáu thành phố lớn và kênh hiện đại. Nhìn trên khía cạnh giá bán, các sản phẩm trung cấp và cao cấp đang chiếm ưu thế.
Nhận thấy xu hướng này, Sabeco kế hoạch tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm mới, dễ uống và mới lạ, và đơn giá sản phẩm cũng cao hơn sản phẩm truyền thống.
Việc điều chỉnh sản phẩm theo hướng giảm nồng độ cồn và tăng hương vị, có giá bán cao hơn được cho là động lực tăng giá bán bình quân tự nhiên.
Điển hình với động thái cho ra mắt dòng sản phẩm Saigon Soju, cạnh tranh trực tiếp với Tiger Soju, là dòng bia có nồng độ cồn thấp, hương hoa quả, và sản phẩm bia 333 Pilsner Extra Smooth, có hương vị ngọt, ít đắng hơn và nồng độ cồn thấp hơn bia 333 truyền thống.
VCBS đánh giá đây cũng là một trong những bước đi phù hợp với xu hướng thị trường khi phát triển dòng sản phẩm mới dễ uống trong phân khúc trung cấp thay vì gia tăng chi tiêu quảng cáo và khuyến mại của Sabeco.
Đối thủ lớn nhất của Sabeco là Heineken cũng đang có xu hướng giảm dần nồng độ cồn và tăng hương vị mới trong sản phẩm của mình với dòng bia Larue Smooth hay dòng sản phẩm Tiger Platinum.
Trong khi đó, Chứng khoán Phú Hưng cho rằng các dòng sản phẩm như Saigon Special, Saigon Chill và 333 Pilsner, phù hợp với nhóm tiêu dùng trẻ, có thu nhập cao sẽ tạo tiền đề giúp Sabeco thâm nhập vào phân khúc bia cận cao cấp.
Dòng sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng bia và gián tiếp tăng giá sản phẩm bình quân, qua đó giữ vững được biên lợi nhuận trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào biến động khó lường và cạnh tranh trong ngành bia ngày càng gay gắt.
Kêu khó vì thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành bia vẫn lãi lớn
Sabeco lãi ròng kỷ tục 5.500 tỷ đồng
Ông Bennett Neo - Tổng Giám đốc Sabeco cho biết: "Năm 2022 là một năm bứt phá của Sabeco, khi lợi nhuận sau thuế đã đạt kỷ lục mới. Kết quả này có được nhờ vào những nỗ lực thúc đẩy kinh doanh, đầu tư đúng hướng và quản lý chi phí hiệu quả".
Ba trụ cột tăng trưởng ở Sabeco
Giai đoạn hiện tại, Sabeco đang tập trung đẩy mạnh ba lĩnh vực bao gồm: tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và các sáng kiến ESG.
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành bia sa sút
Các doanh nghiệp ngành bia đều chứng kiến kết quả kinh doanh tụt dốc do ảnh hưởng từ kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người dùng.
Giảm cồn, tăng giá, Sabeco vượt khó
Việc điều chỉnh sản phẩm theo hướng giảm nồng độ cồn và tăng hương vị, có giá bán cao hơn được cho là động lực tăng giá bán bình quân tự nhiên.
Hanoi Melody Residences: 3 lý do khiến khách gia đình quyết chọn ngay
Là dự án hiếm đang triển khai giữa nội đô, tổ hợp căn hộ Hanoi Melody Residences (Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến khách mua ở thực vô cùng ưa chuộng.
FPT đầu tư thêm 800 tỷ đồng vào mảng trí tuệ nhân tạo
FPT Smart Cloud, công ty con trực thuộc FPT đã được tập đoàn mẹ tăng vốn điều lệ, nhằm gia tăng vị thế trong mảng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hành kinh tế tuần hoàn
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đóng góp tích cực vào hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
11 chính sách kinh tế Donald Trump đề xuất nếu tái đắc cử
Ông Trump nhấn mạnh các chính sách thuế quan, ưu đãi thuế và phát triển nhà ở nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ông Trần Huy Tuấn làm Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái
Ông Trần Huy Tuấn vừa được bầu giữ chức bí thư tỉnh uỷ Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối.
Để đón làn sóng đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam
Trong bối cảnh đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng, đảm bảo dòng vốn đầu tư nước ngoài bền vững là mục tiêu quan trọng cần được chú trọng lâu dài.