Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì Covid-19: Không hiệu quả và bất bình đẳng?

Linh Nguyễn - 08:43, 22/06/2020

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng việc ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không tạo ra hiệu quả bởi hầu hết doanh nghiệp đều bị lỗ do ảnh hưởng của Covid-19, thuộc đối tượng không phải nộp thuế thu nhập.

Vừa qua, Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực sau 45 ngày, áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Nghị quyết đã bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa. Đây là một trong những biện pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh hậu đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra không mấy hào hứng với hỗ trợ trên và cho rằng biện pháp này không hiệu quả trên thực tế.

Anh Sơn, chủ một chuỗi spa tại Hà Nội và TP.HCM, phân tích cho biết, về bản chất, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng với những doanh nghiệp có lãi nhưng hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến số lượng này “như lá mùa đông”.

“Bây giờ chỉ tìm cách sống tiếp, mấy tháng tới không biết có phải giải thể công ty không vì khó khăn quá, chứ nghĩ gì đến việc có lãi để đóng thuế. Mỗi tháng oằn lưng trả cả mấy trăm triệu tiền mặt bằng, chưa kể đến những chi phí khác mà khách thì chẳng có mấy”, anh tâm sự.

Anh cho biết nhiều người bạn của anh đã buộc phải phá sản vì không thể trụ được, đặc biệt là khách sạn và làm tour du lịch vì không chịu được áp lực từ chi phí cố định và lãi vay ngân hàng. “Có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ có lợi cho tập đoàn lớn, các công ty nhà nước là chính chứ doanh nghiệp nhỏ và vừa không hào hứng lắm”.

Theo anh, các chính sách hỗ trợ nên hướng nhiều hơn tới những chi phí cố định của doanh nghiệp nhưng đặc biệt, những yêu cầu phải “dễ thở” hơn thì doanh nghiệp mới tiếp cận được.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì Covid-19: Không hiệu quả và bất bình đẳng?
Covid-19 đã khiến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động.

Chia sẻ cùng quan điểm, người đứng đầu một doanh nghiệp du lịch cho biết doanh nghiệp cảm thấy rất vui mừng trước các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nhưng có nhận được hay không lại là vấn đề khác.

Người này cho biết thêm, đã gặp nhiều khó khăn khi đến tiếp cận vốn vay ngân hàng để giải quyết các vấn đề sau đợt Covid-19, thậm chí còn nhận được lời từ chối cho vay ưu đãi.

“Không phải cứ ra ngân hàng là vay được, phải có giấy tờ xác minh và chứng minh trả được khoản vay, nhưng giờ đào đâu ra vì khoản vay trước còn đang đè nặng, chưa trả được hết vì không có khách du lịch. Đợt này khách du lịch nội địa đi nhiều trở lại, muốn vay thêm để quay vòng tiền mà khó quá. Mình cũng hiểu nghiệp vụ của ngân hàng, nhưng rốt cục vẫn là mình tự cứu mình”.

Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết bản chất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng với những doanh nghiệp có thu nhập, có lãi. Do đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng được cho những doanh nghiệp có lãi.

Với những doanh nghiệp lỗ, Chính phủ có ưu đãi thì họ cũng chẳng được hưởng bởi lỗ thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc ưu đãi thành ra lại là ưu đãi cho các doanh nghiệp khỏe, ông Thế Anh phân tích.

“Tôi cho rằng chính sách này không cần thiết và nếu nhìn từ góc độ đối tượng hỗ trợ thì có sự bất bình đẳng. Nếu ngân sách dồi dào thì Chính phủ hỗ trợ ai cũng được, nhưng ngân sách đang thâm hụt và năm nay còn thâm hụt nhiều hơn thì phải đặt câu hỏi nên hỗ trợ cho ai. Tôi nghĩ ưu đãi cho những doanh nghiệp có lãi, có lợi nhuận thì chẳng giải quyết vấn đề gì cả”, vị này chia sẻ.

Theo đó, Chính phủ cần có những chính sách khác và hỗ trợ những doanh nghiệp thật sự bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đơn cử như nhìn vào chi phí cố định, những chi phí mà doanh nghiệp buộc phải trả dù diễn ra hoạt động sản xuất hay không, như thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng.

Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi không nên căn cứ vào thu nhập mà nên nhìn vào chi phí của doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn.