Giảm tiếp một nửa thủ tục khởi sự kinh doanh

Nhật Hạ - 20:00, 06/01/2020

TheLEADERChỉ mới qua 4 ngày làm việc của năm 2020, Văn phòng chính phủ đã có 2 cuộc họp với các bộ, ban ngành liên quan về cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ban hành Nghị quyết 02 hướng tới mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10 bậc và phấn đấu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020.

Giảm tiếp một nửa thủ tục khởi sự kinh doanh
Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế vào năm 2019. Nguồn ảnh: ADB.

Theo xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tuy có tăng điểm nhưng lại tụt 1 hạng, xếp 70 thế giới và thứ 5 trong ASEAN.

Trong đó, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 với 8 thủ tục phải thực hiện. Do đó, Nghị quyết 02/2020 mới đây của Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10 - 15 bậc ngay trong năm nay.

Năm 2019, Việt Nam có 138,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2% với tổng số vốn đăng ký là trên 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17% và tổng số lao động đăng ký là 1,254 triệu lao động, tăng 13,3%.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.

Tại cuộc họp ở Văn phòng Chính phủ hôm nay về các giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận, “thời gian qua, từng bộ đã cải cách tốt nhưng liên bộ thì chưa tốt, còn tình trạng cát cứ, từ đó đặt ra vấn đề liên thông, kết nối, chuyển từ thủ tục giấy sang điện tử”.

Còn nhiều nội dung cần cải cách liên quan tới chỉ số khởi sự kinh doanh, theo Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan. Với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, mặc dù đã thực hiện trực tuyến nhưng người dân vẫn phải nộp hồ sơ giấy.

Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thông báo mẫu dấu tới cơ quan đăng ký kinh doanh. Kèm theo chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trở thành thành phần hồ sơ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp khi đăng ký mở tài khoản.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, về bảo hiểm xã hội, thông tin về lao động… chưa được kết nối, tích hợp, chia sẻ với nhau, khiến các cơ quan quản lý yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin một cách trùng lặp, rời rạc.

Do đó, ông Phan kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, bỏ quy định doanh nghiệp vừa phải thực hiện thủ tục trực tuyến vừa phải nộp hồ sơ bản giấy; bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu, thay vào đó nghiên cứu áp dụng hình thức thông báo sử dụng chữ ký điện tử của người đại diện theo pháp luật.

Đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bãi bỏ thủ tục mua hóa đơn giấy. Nếu chưa thể bãi bỏ, thì yêu cầu các cơ quan thuế thực hiện nghiêm việc giải quyết thủ tục mua hóa đơn theo đúng quy định là ngay trong ngày. Hiện theo khảo sát của Ngân hàng thế giới là mất tới 10 ngày cho thủ tục này.

Đồng thời, nhiều giải pháp cần liên thông, tích hợp dữ liệu như thực hiện thủ tục khai nộp phí môn bài trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Kèm theo, đề nghị WB cập nhật kịp thời, đầy đủ các cải cách của Việt Nam và ngược lại, các cơ quan cung cấp thông tin cải cách đầy đủ cho WB.

Giảm thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 xuống còn 4 thủ tục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp hôm nay. Ảnh: VGP.

Ý kiến từ các bộ

Về con dấu, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng, cải cách nội dung này là khó, vì liên quan tới các quy định về thuế, ngân hàng…

Mặt khác, ông Thắng giải thích thêm, khi đăng ký kinh doanh, nếu bộ hồ sơ điện tử có chữ ký điện tử thì không cần nộp hồ sơ giấy, nhưng nếu chưa có chữ ký điện tử thì phải nộp hồ sơ giấy, vì luật yêu cầu như vậy. Hiện chi phí giao dịch chữ ký điện tử tại Việt Nam vẫn đắt đỏ, khoảng 1,5 triệu đồng mỗi năm, nên nhiều người vẫn chưa sử dụng.

Về thủ tục mua hóa đơn, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng thực tế có những doanh nghiệp không muốn dùng hóa đơn điện tử. Do đó, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giải quyết được rất nhiều vấn đề, để việc quản lý không nhất thiết phải bám vào tờ hóa đơn nữa.

Về khai báo lao động, đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho rằng đây không phải là một thủ tục như nhận định của WB, mà doanh nghiệp chỉ phải gửi một báo cáo tới cơ quan quản lý lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình với giải thích này và thực tế WB vẫn coi đây là một thủ tục.

“Các ông nói là không phiền hà, nhưng ở địa phương, họ kiểm tra mà không đúng, như sử dụng nhiều hơn số lao động đã đăng ký, thì doanh nghiệp khổ lắm”, ông Dũng nhận định.

Theo nội dung trên biểu mẫu hướng dẫn của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết không chỉ là đăng ký số lao động như phát biểu của đại diện của bộ, biểu mẫu này yêu cầu doanh nghiệp khai trình sử dụng 6 tháng, 1 năm, giữa kỳ.

“Như này thì doanh nghiệp kêu suốt ngày làm báo cáo, làm cả đêm là đúng rồi”, Bộ trưởng đặt vấn đề liệu có cắt giảm được thủ tục này không và đề nghị xem lại Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động về vấn đề này.

Về thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, các cơ quan và bảo hiểm xã hội đều cho rằng cần tích hợp thủ tục này vào thủ tục đăng ký kinh doanh. 

Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần nỗ lực giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 thủ tục xuống còn 4 thủ tục, tích hợp thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ sẽ có báo cáo chung và dự kiến trình Thủ tướng một quyết định về các thủ tục khởi sự kinh doanh để giải quyết các bất cập. Đồng thời trình cấp có thẩm quyền khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan như liên thông dữ liệu, chi phí chữ ký số... Những gì phức tạp cho doanh nghiệp sẽ phải thay đổi.

Hôm nay đã là cuộc họp thứ 2 của Văn phòng Chính phủ liên quan tới cải thiện môi trường kinh doanh, trước đó trong cuộc họp ngày 2/1, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã có biết, Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành, ít nhất 20% chi phí hành chính mỗi năm.

Đặc biệt, thời gian tới, việc cắt giảm sẽ tuân theo nguyên tắc ‘khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ, riêng thông tư thì ban hành một phải bãi bỏ ít nhất hai’, và ông Dũng cho biết, sẽ tham khảo kinh nghiệm của Vương quốc Anh về nội dung này.

Cũng tại cuộc họp ngày 2/1, ông Ngô Hải Phan cho biết, hiện Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với VNPT để xây dựng phần mềm thống kê tất cả các văn bản có liên quan tới hoạt động kinh doanh, kể từ cấp công văn hướng dẫn cho tới luật, nghị quyết của Quốc hội. Việc này cũng phù hợp với khuyến nghị của OECD.

Ông Phan đề nghị, một hướng khác là khi hướng dẫn các luật, nếu thuộc phạm vi quản lý của một bộ thì chỉ ban hành một nghị định hướng dẫn, tránh tình trạng một luật ban hành hàng chục nghị định, “rất mất thời gian và nguồn lực của Chính phủ”. Cũng tương tự như vậy với các thông tư.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, cần hạn chế việc ban hành các thông tư, tiến tới làm sao ban hành nghị định mà không cần thông tư hướng dẫn.

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tiếp tục là một trọng tâm điều hành của Chính phủ năm 2020. 

Tại Nghị quyết 01 mới ban hành đầu năm 2020, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm nay.