Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 nhằm tăng hạng môi trường kinh doanh lên 10 bậc

Nhật Hạ - 20:27, 02/01/2020

TheLEADERNăm 2020, môi trường kinh doanh của Việt Nam phấn đấu lên 10 bậc theo xếp hạng EoDB của Ngân hàng thế giới (WB); năng lực cạnh tranh lên 5 bậc theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Trong đó, năm 2020, môi trường kinh doanh của Việt Nam phấn đấu lên 10 bậc theo xếp hạng EoDB của Ngân hàng thế giới (WB); năng lực cạnh tranh lên 5 bậc theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); đổi mới sáng tạo lên 3 - 4 bậc theo xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO); Chính phủ điện tử lên 10 - 15 bậc của Liên Hợp Quốc (UN).

Nghị quyết nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQCP ngày 1/1/2019.

Thứ hai, các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.

Thứ ba, tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh.

Thứ tư, cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Thứ sáu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Thứ bảy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp tục cải thiện thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh

Để tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, Nghị quyết chỉ rõ các giải pháp cụ thể ở 4 mặt. 

Về khởi sự kinh doanh, Bộ Tài chính trong quý I/2020 kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp.

Đồng thời, giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 04 ngày theo quy định (trong đó thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn là 02 ngày; thông báo phát hành là 02 ngày); đối với thủ tục mua hóa đơn đảm bảo giải quyết ngay trong ngày; đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo Nghị định số 119/2018 của Chính phủ.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.

Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường. Hoàn thành và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2020.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 giúp môi trường kinh doanh lên 10 bậc
Cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Về cấp phép xây dựng, các bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giám sát và tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải quyết thủ tục hành chính;

Bộ Xây dựng rà soát lại quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày; nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt; hoàn thành trong quý III/2020.

Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

Bộ Tư pháp trong quý IV/2020 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán… theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến...

Về đăng ký tài sản, Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì đề nghị, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; hoàn thành trong quý II/2020.

Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh

Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá; hoàn thành trong tháng 1/2020. 

Với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh trong các dự thảo luật, nghị định bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2020.

Cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành

Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Gồm áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; 

Đồng thời công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành (Danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018). 

Trong quý I năm 2020 công bố công khai, đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm.

Trong quý II năm 2020, hoàn thành sắp xếp bộ máy tổ chức ở các bộ liên quan theo hướng đối với mỗi mặt hàng chỉ có một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; 

Đồng thời, chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch,…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm; trình Chính phủ trong quý I năm 2020.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết ngay các vướng mắc kéo dài trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu; chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2020.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra (nhất là kiểm tra cảm quan), đảm bảo thực hiện nhất quán, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp; 

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Thông tư số 285/2016/TT-BTC về cách tính phí, lệ phí trong công tác thú y nhằm giảm chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc áp đặt và gia tăng phí của các hãng tàu và phụ phí của cảng.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Chính phủ yêu cầu cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bộ Thông tin và truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Hoàn thành trong quý IV/2020.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo áp dụng và thực hiện thống nhất. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.

Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo tất cả các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đến hết năm 2020, 100% trường học trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán nhằm phục vụ chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.

Năm 2019, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 3,5 điểm và 10 bậc với 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc (theo Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF).. Chỉ số Đổi mới sáng tạọ tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm (theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO). Môi trường kinh doanh cải thiện 1,2 điểm (theo Ngân hàng thế giới - WB). Năng lực cạnh tranh ngành du lịch cải thiện thêm 4 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).