Giãn cách kéo dài khiến số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng vọt

Nhật Hạ - 12:35, 31/08/2021

TheLEADER85,5 nghìn doanh nghiệp đã ngừng kinh doanh, chờ giải thể và hoàn tất giải thể từ đầu năm đến nay, tăng hơn 24% so cùng kỳ năm ngoái, 28% trong số này là ở TP.HCM.

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Khó khăn bủa vây khiến quyết định thành lập doanh nghiệp không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Điều này dẫn đến số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 tiếp tục giảm sâu 34% so với tháng trước. Đồng thời số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này cũng giảm 45%.

Giãn cách kéo dài khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng vọt

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.133,4 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 8% và số vốn giảm 7,5%, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê.

Tổng số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp này là 598,9 nghìn lao động, giảm 14%.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5%.

Nếu tính cả 1.539,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua là 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn với 32,4 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước), tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay nâng lên hơn 114 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,3 nghìn doanh nghiệp.

Theo khu vực kinh tế, 8 tháng qua có 1.388 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản thành lập mới, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước; gần 22 nghìn doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, giảm 16%; 58 nghìn doanh nghiệp dịch vụ, giảm 4%.

Theo lĩnh vực hoạt động, kinh doanh bất động sản đang gia tăng nhanh nhất số doanh nghiệp thành lập mới với 19,2%. Vận tải kho bãi theo sau tăng 9,3%; thông tin và truyền thông tăng 5%.

Các lĩnh vực còn lại có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, bao gồm sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 73%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 18%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 16%; nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 10,6%; xây dựng giảm 10,2%. Các lĩnh vực khác giảm dưới 10%.

Mặt khác, 8 tháng qua có 43,2 nghìn doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 30 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 24,5%.

Còn số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,2 nghìn, tăng 18%, trong đó có gần 10,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 18%; còn 140 doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng, giảm 17%.

Theo đó, kể từ đầu năm, trung bình mỗi tháng cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.500 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.400 doanh nghiệp; xây dựng có 1.080 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 732 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 700 doanh nghiệp; các lĩnh vực còn lại đều có dưới 700 doanh nghiệp.

“Đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong khi đó, đợt dịch Covid-19 thứ 4 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Môi trường kinh doanh thực sự khó khăn, đặc biệt là với doanh nghiệp trẻ và có quy mô vừa và nhỏ.

Như đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời, giúp doanh nghiệp cầm cự trước mắt chứ không thể duy trì lâu dài. Trong khi đó, chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp có thể đáp ứng được ‘3 tại chỗ’. Chuỗi cung ứng đứng trước bờ vực đứt gãy nếu không có giải pháp khẩn cấp phục hồi sản xuất.

Phân “vùng xanh, vùng đỏ” khiến các nhà máy chế biến rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Một số nhà máy áp dụng giải pháp “3 tại chỗ” để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn hàng cho đối tác, tuy nhiên không thể duy trì bởi chi phí phát sinh quá lớn, với các khoản chi như tiền thuê khách sạn, ký túc xá, tiền ăn, chi phí y tế…

Tại TP.HCM, 24 nghìn doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể hay hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng qua, chiếm 28% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên cả nước.