3 tại chỗ chỉ là phương án cầm cự

Phạm Sơn - 09:59, 31/08/2021

TheLEADERKết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời. Chuỗi cung ứng đứng trước bờ vực đứt gãy nếu không có giải pháp khẩn cấp phục hồi sản xuất.

3 tại chỗ chỉ là phương án cầm cự
Thủy sản đứng trước nguy cơ hiện hữu về đứt gãy chuỗi sản xuất. Ảnh: TT.

Thực hiện chỉ thị 16 tại các tỉnh thành phía Nam khiến hoạt động lưu thông hàng hóa, thu hoạch, mua bán con giống trong ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, 3 địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng tôm, doanh nghiệp chế biến tôm cho biết phải giảm công suất chế biến tới 60 - 70%.

Các doanh nghiệp sản xuất cá tra cũng rơi vào khó khăn khi 50% doanh nghiệp tại các địa phương trọng điểm phải đóng cửa. Cá tra nuôi vượt kích thước do các nhà máy giảm công suất, thời gian nuôi kéo dài khiến hàng chục tấn cá chết mỗi ngày. Công suất toàn ngành cá tra chỉ đạt khoảng 10 – 20%.

Phân “vùng xanh, vùng đỏ” khiến các nhà máy chế biến rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Một số nhà máy áp dụng giải pháp “3 tại chỗ” để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn hàng cho đối tác, tuy nhiên không thể duy trì bởi chi phí phát sinh quá lớn, với các khoản chi như tiền thuê khách sạn, ký túc xá, tiền ăn, chi phí y tế…

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, qua khảo sát, 100% doanh nghiệp tham gia nhận định phương án “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời, giúp doanh nghiệp cầm cự trước mắt chứ không thể duy trì lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động phải chuyển hàng dự trữ ra để trả dần đơn cho khách, tuy nhiên cho đến nay hầu hết đều đã cạn kiệt nên đều phải ngừng hoạt động hoàn toàn. 

Không chỉ khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà doanh nghiệp thủy sản ở nhiều tỉnh thành ven biển khác như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang cũng phải hạn chế tối đa công suất, chỉ hoạt động cầm chừng. 50% nhà máy chế biến thủy sản miền Đông TP.HCM phải đóng cửa.

VASEP cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của công nhân, người lao động trong ngành thủy sản còn rất thấp, chỉ 40 – 50% lao động toàn ngành được tiêm mũi 1, dù đã có nhiều kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin từ hiệp hội cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xuất khẩu thủy sản đạt được đà tăng trưởng tương đối ấn tượng từ đầu năm cho đến khoảng giữa tháng 7, sau đó bị trùng lại do tác động của Covid-19, cộng với việc cước phí vận tải biển tăng cao. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 41% so với nửa cuối tháng 7.

Nhiều đối tác nhập khẩu đang đòi hủy hợp đồng, tìm khách hàng thay thế vì doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng tiến độ giao hàng. Ngành thủy sản đứng trước nguy cơ rõ ràng về việc đánh mất thị trường vốn đã mất nhiều công sức, nỗ lực để tiếp cận và xâm nhập.

VASEP cảnh báo, nếu không thể khôi phục sản xuất và tháng 9, chuỗi sản xuất rất có thể sẽ đứt gãy và có rất ít cơ hội phục hồi. Nguy cơ không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp, sinh kế của người nông dân cũng như lao động trong ngành.

Từ đó, VASEP kiến nghị Chính phủ nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không thể muộn hơn 15/9.

Mới đây, VASEP cùng 13 hiệp hội ngành hàng khác đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Các giải pháp được đề xuất bao gồm hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” và doanh nghiệp ngừng sản xuất; miễn đóng phí công đoàn từ tháng 8 đến tháng 12; tạm dừng thu phí công đoàn đến hết tháng 6/2022; cho phép sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư để trang trải một số chi phí cho doanh nghiệp.