Gian nan giải ngân vốn đầu tư công tại 9 tỉnh

Nguyễn Cảnh - 08:18, 28/04/2023

TheLEADERTổng vốn đầu tư công giải ngân quý I/2023 của 9 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chưa tới 7,3%, thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư công giải ngân đến 31/3 của 9 địa phương (Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên và Sơn La) khoảng 3.539 tỷ đồng, chỉ đạt 7,23% kế hoạch, thấp hơn bình quân chung cả nước (10,35%).

Cụ thể, Lai Châu giải ngân đạt 10,25% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) trong nước đạt 8,16% kế hoạch. Hòa Bình khoảng 8,6% kế hoạch vốn, vốn NSTW 4,5%); Lạng Sơn khoảng 8,5% kế hoạch vốn; Hà Giang khoảng 8% kế hoạch vốn, vốn NSTW gần 4,9%; Tuyên Quang khoảng 7,6% kế hoạch vốn, vốn NSTW đạt khoảng 1,2%...

Đáng chú ý, vốn ODA giải ngân quý I/2023 của cả 9 địa phương đều là 0% kế hoạch.

Toàn vùng trung du miền núi phía Bắc (9/14 địa phương) có mức giải ngân thấp hơn bình quân cả nước. Mặc dù các địa phương đã cố gắng giải ngân song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 2022 giải ngân được khoảng 4.400 tỷ đồng, đạt 15%). 9/9 địa phương có mức giải ngân trên 5%, trong đó Sơn La có mức giải ngân thấp, chỉ đạt gần 3,4%.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, thực trạng này có nhiều nguyên nhân.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, một số chủ đầu tư chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao. Việc phối hợp giữa một số ngành, UBND các huyện, thành phố trong giải quyết khó khăn, vướng mắc đôi lúc chưa kịp thời, nhất là trong hoạt động giải phóng mặt bằng, lập/điều chỉnh dự án, thiết kế/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Các chủ đầu tư chưa chú trọng triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng ngay từ khi dự án được phê duyệt, thiếu quyết liệt trong điều hành, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quản lý thực hiện và triển khai dự án (nhất là kiểm đếm diện tích đất phải thu hồi để đền bù GPMB, thiếu chủ động) dẫn đến làm chậm tiến độ.

Đồng thời, một lý do khác là các chủ đầu tư đang thực hiện hoàn trả tạm ứng kế hoạch vốn, đồng thời tập trung triển khai thực hiện dự án với các nguồn vốn được phép kéo dài thơi gian thanh toán vốn từ năm 2022 sang năm 2023, đã dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2023 thấp.

Ngoài ra, tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp còn do một số nguyên nhân khác quan khác như: các dự án xây dựng đường giao thông không tránh khỏi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành; khó khăn trong bồi thường GPMB (vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…).

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn trong tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 nhưng chưa đủ điều kiện phân bổ vốn chi tiết (Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu) do phải báo cáo Ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giải ngân chậm các dự án vốn nước ngoài được giải thích bởi thực tế các dự án thường gồm nhiều hợp phần, công tác tổng hợp chứng từ hồ sơ thanh toán để rút vốn nước ngoài mất nhiều thời gian phải có ý kiến của nhà tài trợ, thời gian lập đề xuất dự án đến triển khai thực hiện kéo dài, thủ tục gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian…

Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho 9 địa phương với tổng số vốn gần 49.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 16.888 tỷ đồng, còn lại là vốn NSTW (vốn NSTW trong nước gần 30.300 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 1.800 tỷ đồng).

Tổng số vốn NSTW chưa được các địa phương phân bổ chi tiết là khoảng 8.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 40% tổng số vốn Thủ tướng giao).