Giấy thông hành mới cho các dự án điện

Nguyễn Cảnh - 15:10, 26/09/2023

TheLEADERBản dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII mới nhất đang xin ý kiến các địa phương, hé mở phương thức và tiêu chí xây dựng danh mục dự án ưu tiên triển khai.

Giấy thông hành mới cho các dự án điện
Tiêu chí lựa chọn dự án điện sẽ khắt khe hơn. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Theo Bộ Công thương, một trong những mục tiêu cơ bản của kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII là tính toán rà soát tiến độ các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện, quy mô phát triển các nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, điện sinh khối… phân theo vùng hoặc tỉnh tại các mốc 2025, 2030.

Các dự án điện gió trên bờ, thủy điện nhỏ đề xuất mới sẽ phải vượt qua hàng loạt tiêu chí để được lựa chọn đầu tư, phát triển.

Thuộc danh mục ưu tiên trong quy hoạch điện VIII, với các dự án nguồn điện, hàng năm hoặc định kỳ Bộ Công thương rà soát tình hình phát triển báo cáo Thủ tướng điều chỉnh tiến độ, lựa chọn các dự án thay thế tại các vị trí tiềm năng để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Với dự án lưới điện chưa có chủ đầu tư, nếu Nhà nước đầu tư một phần/toàn bộ, sẽ giao EVN/doanh nghiệp nhà nước lập hồ sơ đề xuất trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Nếu theo hình thức xã hội hóa, Bộ Công thương đề xuất giao địa phương công bố danh mục và kêu gọi đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.

Đáng chú ý là bộ tiêu chí lựa chọn dành cho các loại hình nguồn điện đã tính toán quy mô công suất tới cấp tỉnh gồm điện gió trên bờ, điện sinh khối, điện rác, thủy điện nhỏ.

Theo đó, để nhận được giấy thông hành, dự án sẽ phải vượt qua 4 bước theo quy định của Luật Đầu tư.

Cụ thể, ở bước đầu tiên, căn cứ công suất loại hình được duyệt, địa phương sẽ rà soát, mời các nhà đầu tư quan tâm danh mục dự án để cụ thể hóa thông tin liên quan.

Tiếp theo, việc đánh giá, xếp hạng các đề xuất dự án sẽ gồm các tiêu chí: Tình trạng pháp lý và hiện trạng triển khai, sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn; địa điểm, quy mô, thông tin về năng lượng sơ cấp đầu vào, phương án đấu nối, tiến độ triển khai, đánh giá tác động môi trường và cuối cùng là giá bán điện đề xuất.

Cách thức xếp hạng dự án sẽ “lọc” dần qua các bước: pháp lý – kỹ thuật – kinh tế. Nếu qua được “cửa ải” pháp lý, dự án sẽ phải tiếp tục bước qua vòng đánh giá kỹ thuật để vào chung khảo là đánh giá kinh tế: xếp hạng thứ tự ưu tiên phát triển dự án theo nguyên tắc giá bán điện của dự án từ thấp đến cao.

Nếu các dự án có kết quả đánh giá kinh tế như nhau, phương án tính đến là dựa vào các tiêu chí phụ để xếp hạng như: dự án đã có trong quy hoạch điện, đã có chủ trương, đã giao chủ đầu tư, đã lập FS…

Sau khâu đánh giá, xếp hạng, danh mục các dự án này sẽ được trình phê duyệt theo quy định phân quyền. Cuối cùng, UBND cấp tỉnh sẽ công bố danh mục dự án trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư hoặc cấp chủ trương theo quy định Luật Đầu tư.

Giá bán điện của dự án được xác định không cao hơn giá đề xuất trước đó.

Đáng chú ý, bản dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII cũng đề cập tới số phận các dự án điện mặt trời đã được duyệt quy hoạch, cấp chủ trương và đã có chủ đầu tư.

Cụ thể, đối với 23 dự án/phần dự án điện mặt trời có công suất khoảng 2.360MW, giải pháp đưa ra là tư vấn lập kế hoạch đề xuất UBND các tỉnh tổng hợp xếp hạng dự án, báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ nhằm lựa chọn được các dự án để phát triển, đáp ứng tiêu chí tại Quyết định 500 của Thủ tướng, đảm bảo tối ưu tổng thể theo Quy hoạch điện VIII.