Giữa dịch Covid, nhiều dự án điện gió ở Quảng Trị vẫn quyết thi công để kịp hưởng giá FIT

Nguyễn Cảnh - 08:05, 17/05/2021

TheLEADERBất chấp việc tỉnh Quảng Trị quyết định áp dụng cách ly xã hội tại địa bàn do dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư vẫn đề nghị được thi công dự án điện gió với lý do kịp tiến độ hoàn thành từ thời điểm 31/10/2021 để được hưởng mức giá FIT.

Giữa dịch Covid, nhiều dự án điện gió ở Quảng Trị vẫn quyết thi công để kịp hưởng giá FIT
Nhiều dự án điện gió lấy lý do kịp tiến độ để được hưởng giá FIT nên đang quyết đẩy nhanh thi công giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Chỉ một ngày sau khi UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, chủ đầu tư 3 dự án điện gió tại địa phương này đồng loạt kiến nghị được tiếp tục thi công – với lý do kịp tiến độ vận hành vào 31/10/2021.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị (gọi tắt là Công ty Tài Tâm Quảng Trị) cho biết đang gấp rút triển khai nhà máy điện gió Tài Tâm tại xã Húc (công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng). 

Vì tiến độ dự án rất căng thẳng nên doanh nghiệp đã tổng huy động toàn bộ nguồn lực để thi công ngày đêm đảm bảo về đích đúng kế hoạch.

Chủ đầu tư trần tình, vùng dịch tại xã Húc tác động rất lớn, gây khó cho việc triển khai thi công dự án, làm chậm tiến độ, thậm chí phá sản cả dự án. 

Do đó, Công ty Tài Tâm Quảng Trị đề nghị tỉnh và đơn vị chức năng cho phép được tiếp tục thi công dự án bằng các phương án tự đảm bảo việc phòng, chống dịch dành cho hoạt động giải phóng mặt bằng, các nhà thầu thi công và ban quản lý dự án (như trang bị đầy đủ phòng hộ cho từng cán bộ, tổ làm việc tạm trú tập trung và tự cách ly, khi có dấu hiệu về nghi nhiễm sẽ báo cáo kịp thời tới địa phương…).

Tương tự, Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Hoàng Hải tại xã Húc (công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng) cũng đưa ra kiến nghị với UBND tỉnh giống hệt Công ty Tài Tâm Quảng Trị. 

Ký tên trong cả 2 văn bản đề nghị của hai công ty nêu trên đều là ông Nguyễn Liêm, chức danh phó giám đốc.

Chủ đầu tư hai dự án điện gió Tài Tâm và Hoàng Hải nêu trên vốn cùng thuộc hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Lê Quân – một ông trùm mới nổi trong ngành năng lượng tái tạo. Pháp nhân đứng tên 2 dự án (theo quyết định chủ trương đầu tư) đều thuộc sở hữu của 2 công ty do ông Quân làm giám đốc.

Đặc biệt, trong bộ sưu tập dự án điện gió tỷ đô của ông Đỗ Lê Quân, vừa qua đã ghi nhận 3 dự án điện gió tại tỉnh Đắk Nông được chuyển nhượng cho Sungrow Power Việt Nam (trực thuộc một tập đoàn lớn trụ sở tại Trung Quốc) – chỉ ít ngày sau khi được chấp thuận chủ trương từ tỉnh.

Trường hợp thứ ba là Công ty CP điện gió Khe Sanh (thuộc Tập đoàn Amaccao), chủ đầu tư nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1. Nêu trong văn bản, công ty này cho biết đang thần tốc triển khai dự án để hoàn thành trước 31/10/2021 để đạt được biểu giá FIT của Chính phủ.

"Sau thời điểm giá FIT này, nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể về việc các dự án điện gió có được triển khai tiếp hay không. Việc dự án không hoàn thành kịp trước thời gian quy định sẽ gây ra thiệt hại số tiền hơn 2.000 tỷ đồng cho chúng tôi, không chỉ gây ra tổn thất cho doanh nghiệp mà cho xã hội và tỉnh Quảng Trị", chủ đầu tư nhấn mạnh.

Bằng cách đưa ra biện pháp đảm bảo giãn cách, phòng/chống dịch liên quan, công ty này đề xuất được thi công, sản xuất bình thường tại dự án. Công ty đề nghị tỉnh, đơn vị chức năng cho phép bằng văn bản riêng hoặc bằng hình thức khác trong việc thực hiện hoạt động phòng dịch, không ngăn chặn, gây khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động thi công dự án.

Được biết, tại địa bàn huyện Hướng Hóa, ghi nhận nhiều dự án điện gió đang chung mốc hẹn tháng 10/2021 sẽ vận hành (để kịp hưởng biểu giá FIT của Chính phủ) như: Điện gió Hướng Hiệp 1 (Công ty CP điện gió Hướng Hiệp 1, công suất 30MW, 1.350 tỷ đồng), điện gió Liên Lập (Công ty CP điện gió Liên Lập, 1.970 tỷ đồng, 48MW), điện gió Phong Nguyên (Công ty CP điện gió Phong Nguyên, 1.900 tỷ đồng, 48MW)…