Góc nhìn PCI: Doanh nghiệp Việt tăng sức ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng

Nhật Minh - 09:16, 12/05/2024

TheLEADERSự phụ thuộc của doanh nghiệp FDI vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần.

Góc nhìn PCI: Doanh nghiệp Việt tăng sức ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ngoại. Ảnh: Hoàng Anh

Dữ liệu mới nhất của Bảng xếp hạng PCI 2023 - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, sự phụ thuộc của doanh nghiệp FDI vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm.

Chỉ số này của năm ngoái đã đạt mức 75%, tăng khá mạnh so với mức khoảng 63% của năm 2022.

Con số này thể hiện tỷ lệ phần trăm nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI đối với một nhóm khách hàng là doanh nghiệp tư nhân.

Các nhà cung cấp là hộ kinh doanh cũng chiếm tỷ lệ tăng đáng kể, từ hơn 13% lên mức hơn 23%. 

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, sự phụ thuộc ngày càng tăng của doanh nghiệp FDI vào các nhà cung cấp nội bộ củng cố giả thuyết, các doanh nghiệp FDI đang chuyển hàng hóa đầu vào qua Việt Nam để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Cơ hội để Việt Nam vươn lên trong chuỗi cung ứng cũng được nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh trong các cuộc trao đổi gần đây.

Ở hầu hết thị trường ASEAN, hơn một nửa doanh nghiệp được hỏi bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam để mở rộng kinh doanh.

Trong đó, Thái Lan dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sang Việt Nam, theo sau là Malaysia và Indonesia, theo khảo sát của HSBC.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trên toàn cầu và trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường nhận được nhiều sự quan tâm.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính cách đây không lâu, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trung tâm sản xuất quan trọng và các doanh nghiệp Mỹ đang hào hứng khám phá những cơ hội hợp tác mới.

Nhiều thách thức phía trước

Các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, vấn đề trong mở rộng chuỗi cung ứng tại đây là số lượng doanh nghiệp địa phương có thể cung ứng sản phẩm/công nghệ phù hợp với nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn chưa nhiều.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp có khả năng còn thiếu.

Đặc biệt, khoảng cách trong một số lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, điện và điện tử, công nghệ thông tin đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Do đó, để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong các ngành này, việc quan trọng không chỉ là cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam mà còn cần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng.

Doanh nghiệp nội tăng sức ảnh hưởng trên chuỗi cung ứng
Để đảm bảo năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng. Ảnh: Hoàng Anh

Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) gần đây đánh giá, Việt Nam đang có một vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư lớn khi các công ty đa quốc gia đang tăng cường tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, như các nước sở hữu chuỗi cung ứng lớn khác, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì.

“Việt Nam cần ưu tiên đào tạo lao động và kỹ sư, cấp phép lao động cho kỹ sư nước ngoài và khả năng hỗ trợ các ngành công nghiệp theo chiều dọc, đặc biệt khi các công ty đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp cấp hai và cấp ba ra khỏi Trung Quốc”, AmCham nhấn mạnh.

Tổ chức này khuyến nghị dỡ bỏ các rào cản đối với các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo nghề và chuyên môn để hỗ trợ phát triển các kỹ năng và năng lực quan trọng của lực lượng lao động.

Cùng với đó, Việt Nam cần cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ hơn cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Các công ty này tuy là các công ty rất nhỏ lẻ với vốn thấp nhưng lại là một phần thiết yếu của các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Dựa trên các cơ sở đánh giá hiện tại của các sở kế hoạch và đầu tư, các nhà đầu tư nhỏ lẻ như vậy thường gặp nhiều bất lợi và chậm trễ trong việc cấp phép và cấp phép.

Các công ty này thường là nhà tuyển dụng lao động có tay nghề và chuyên môn cao, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ mà các nhà sản xuất toàn cầu cần ở Việt Nam.

Để nắm bắt kịp thời các cơ hội đa dạng hóa, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng kêu gọi cần nhanh chóng xây dựng cơ chế tốt hơn để phê duyệt các dự án đầu tư mở rộng (mua hoặc thuê các cơ sở sản xuất hiện có để triển khai hoạt động sản xuất mới).

Các nhà sản xuất quốc tế gặp khó khăn trong việc bán các cơ sở mà họ đã xây dựng/đầu tư và những người mua tiềm năng gặp khó khăn trong việc xin được phê duyệt, thực hiện các giao dịch mua cũng như xin giấy phép kinh doanh cho các dự án này.

“Một thị trường chuyển nhượng các dự án hiện hữu hiệu quả là một yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các dự án đầu tư vào Việt Nam”, AmCham nhận định.