Gói tài chính mới 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng

Kiều Mai - 10:36, 15/12/2022

TheLEADERDự kiến chương trình sẽ được công bố trước tháng 11/2023, hướng vào các dự án điện gió, điện mặt trời, truyền tải, xe điện và một số lĩnh vực khác.

Thông tin từ Ủy ban châu Âu (European Commission – EC) mới đây cho biết Việt Nam cùng nhóm các nước đối tác quốc tế (International Partners Group – IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, đã thiết lập thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP).

Mục tiêu là hỗ trợ sự phát triển ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch công bằng và khử carbon trong hệ thống điện.

Đồng thời, giúp Việt Nam phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới tương lai không phát thải ròng.

Đáng chú ý, thông qua JETP Việt Nam, các đối tác cam kết huy động ít nhất 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ nhu cầu chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, phù hợp với khuôn khổ của quốc gia này về quản lý nợ công và nợ nước ngoài.

Trong đó, IPG cùng với các thành viên Liên minh Tài chính Glasgow vì cân bằng phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, hướng tới huy động và tạo điều kiện thu hút ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư, nhằm hỗ trợ hành trình chuyển dịch đầy tham vọng và kế hoạch đầu tư.

Cùng với đó, các thành viên IPG sẽ huy động 7,75 tỷ USD từ khối công, từ đó có tiềm năng trong việc thu hút thêm khối lượng lớn từ tài chính tư.

Mục tiêu của cam kết là đảm bảo duy trì tiến độ cải thiện chính sách trong nước cũng như quốc tế và tạo môi trường thuận lợi hơn; huy động và triển khai nguồn vốn công, bao gồm cơ cấu và hình thức phù hợp để giảm rủi ro và thu hút tài chính tư; và lên kế hoạch nhiều dự án mời thầu cạnh tranh phù hợp với định hướng chuyển dịch tham vọng của JETP.

Dự kiến, kế hoạch huy động nguồn lực JETP Việt Nam (JETP - RMP) sẽ được công bố trước tháng 11/2023 nhằm xác định các yêu cầu và cơ hội đầu tư mới cho các dự án điện gió, điện mặt trời, truyền tải, xe điện, và một số lĩnh vực khác.

Gói tài chính của Việt Nam là gói thứ ba trong một loạt các thỏa thuận lớn nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình giảm phụ thuộc vào than, cũng như giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch hơn.

Trước đó, Nam Phi đã công bố thỏa thuận đầu tiên trị giá 8,5 tỷ USD tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái. Gần đây nhất vào tháng trước, Indonesia đã công bố thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD tại cuộc họp của nhóm G20.

Than chiếm khoảng một nửa nguồn cung năng lượng của Việt Nam, và Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng than hàng đầu trên thế giới.

Thông qua JETP, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện khung pháp lý nhằm mở rộng đầu tư công và tư nhân, tập trung và năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng, bao gồm các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, và củng cố lưới điện.

JETP RMP sẽ làm việc với Việt Nam và các nhà đầu tư để giảm quy mô dự án điện than, từ mức đỉnh công suất theo dự kiến là 37MW xuống còn 30,2MW, cũng như đưa ra một lộ trình giảm phát thải đầy tham vọng và đáng tin cậy để loại bỏ dần mà không suy giảm sản xuất điện đốt than sau đó.

Các đối tác cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và phát triển chuyên môn kỹ thuật, để hỗ trợ và quản lý lưới điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chiếm ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030.

Ông Michael R. Bloomberg, Đồng Chủ tịch GFANZ nhấn mạnh: “Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch. Thông qua khu vực công và hợp tác tư nhân, chúng ta có thể tăng tốc đầu tư cần thiết để Việt Nam đáp ứng các mục tiêu khí hậu, phát triển nền kinh tế, tạo việc làm mới, và cải thiện sức khỏe cộng đồng cùng một lúc”.

Ông Mary Schapiro, Phó Chủ tịch GFANZ nhận định việc huy động vốn cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển rất quan trọng, nếu thế giới muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thỏa thuận mới với Việt Nam là bước phát triển quan trọng, và là ví dụ mới nhất về cách thức hoạt động của tài chính tư nhân với các chính phủ nhằm đảm bảo một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

Ông Noel Quinn, Tổng giám đốc Tập đoàn HSBC – một trong những thành viên đầu tiên tham gia làm việc với các đối tác nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai JETP, chia sẻ: “HSBC cam kết hỗ trợ khách hàng tại các thị trường mới nổi nhằm giảm phát thải theo hướng hỗ trợ duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo nguồn cung năng lượng lâu dài. JETP là một cơ chế trong đó chúng tôi có thể tham gia sâu sát vào quá trình đạt được mục tiêu này và chúng tôi rất mong được làm việc với các đối tác ở Việt Nam nhằm hỗ trợ đất nước chuyển dịch sang cân bằng phát thải”.