Grant Thornton: Công nghệ số sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam

Quỳnh Chi - 16:00, 18/07/2018

TheLEADERTheo tổ chức tư vấn, kiểm toán tư vấn độc lập Grant Thornton, trung bình 89,8% khách sạn coi rằng việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ là yếu tố làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam.

Grant Thornton: Công nghệ số sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam
Tỷ trọng khách quốc tế lưu trú ở khách sạn 4-5 sao tăng mạnh.

Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn của Grant Thornton cho thấy, xu hướng tăng lên của khách nội địa lưu trú tại các khách sạn cao cấp diễn ra trong ba năm liên tiếp từ năm 2014. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi trong năm 2017 khi tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế (29%) đã vượt qua tốc độ tăng của khách nội địa (18%) khiến cho tỷ trọng khách quốc tế lưu trú tại khách sạn 4 - 5 sao tăng tới gần 81% vào năm 2017.

Khách du lịch cá nhân và khách du lịch theo nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số khách lưu trú tại các khách sạn cao cấp với tỷ trọng của hai nhóm khách này chiếm tới 60% tổng lượng khách. Nhóm khách thương nhân chiếm tỷ trọng lớn thứ ba với tỉ lệ tăng 0,5% trong năm 2017.

Tỷ lệ khách dự hội nghị (MICE) có sự giảm nhẹ ở mức 0,2%. Grant Thornton nhận định, tuy mức giảm không đáng kể, nhưng việc suy giảm trong hai năm liên tiếp cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút phân khúc khách này chưa có nhiều kết quả khả quan.

Châu Á vẫn là thị trường khách du lịch chính của Việt Nam, chiếm tới 76% tổng lượng khách quốc tế, trong số đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là ba thị trường lớn nhất trong suốt ba năm qua, gộp lại chiếm trên một nửa lượng khách nước ngoài tới Việt Nam.

Trong khi đó, tổ chức này cho biết, trung bình lượng khách tới từ các nước phương Tây chỉ tăng 14% trong năm 2017; mức tăng lớn nhất là của khách du lịch Nga với tốc độ tăng 32% do các nhà quản lý tour du lịch mở rộng gói du lịch đến Việt Nam nghỉ dưỡng vào mùa đông, cũng như việc khách và các đại lý tour du lịch ngày càng hiểu biết nhiều hơn về tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Trong năm 2017, cơ cấu đặt phòng không có nhiều thay đổi so với năm 2016, khi kênh đặt phòng qua công ty lữ hành và các nhà điều hành tour vẫn là kênh phổ biến nhất đối với các khách sạn 4 và 5 sao với tỷ trọng mỗi kênh khoảng 33%. 

Ở các kênh còn lại, kênh đặt phòng trực tiếp qua khách sạn có sự suy giảm nhẹ, đồng thời lượng đặt phòng qua các đại lý bán phòng khách sạn trên mạng (OTA) và kênh doanh nghiệp tăng nhẹ.

"Phản hồi từ các khách sạn 4 và 5 sao cho thấy, việc tích hợp công nghệ số vào hoạt động của khách sạn có ý nghĩa quan trọng. Thống kê cho thấy có trung bình 89,8% khách sạn coi rằng việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ là yếu tố làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam", Grant Thornton cho biết.

Công nghệ số hoá sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường khách sạn trong tương lai
Phần lớn khách sạn cao cấp tại Việt Nam tin rằng tích hợp công nghệ số sẽ thay đổi thị trường khách sạn.

Báo cáo của tổ chức này cũng cho thấy trong khi việc ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội vào truyền thông và sử dụng phân tích dữ liệu trong hoạt động khách sạn đã trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết các khách sạn 4 và 5 sao, việc ứng dụng cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng qua điện thoại và làm thủ tục phòng trực tuyến đang dần được áp dụng rộng rãi và ngày một phổ biến tại hơn một nửa số lượng khách sạn 5 sao và 30 - 40% khách sạn 4 sao được khảo sát. Tổ chức này dự doán xu thế công nghệ hóa này sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường khách sạn trong tương lai không xa.

Bên cạnh đó, so với năm 2016, giá phòng bình quân năm ngoái đã tăng 2,8%, từ 89,3 USD tới 91,8 USD; trong đó, giá phòng khách sạn 5 sao có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn so với khách sạn 4 sao.

Theo khu vực, giá phòng bình quân ở cả ba vùng đều có sự cải thiện, với khu vực miền Trung tăng mạnh nhất ở mức 5,7%, tiếp đó là khu vực miền Bắc ở mức 4,4%. Doanh thu trên mỗi phòng tăng đáng kể, với tỷ lệ tăng 7,6% cho khách sạn 4 sao và 10,2% cho khách sạn 5 sao; trong đó, khu vực miền Trung có mức tăng trưởng cao nhất.

Xét về doanh thu, bộ phận phòng chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 60% và tăng nhẹ ở mức 1,8% so với năm 2016. Ngược lại, tỉ trọng doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 1,3% so với năm trước. Tỉ trọng doanh thu từ các hoạt động khác không có sự thay đổi nhiều trong hai năm.

Trong khi đó, cấu trúc chi phí hầu như không thay đổi giữa hai năm. Mặc dù lợi nhuận gộp của các bộ phận không có thay đổi đáng kể, song chi phí nhân sự của bộ phận dịch vụ ăn uống và các bộ phận khác có xu hướng tăng. Xu hướng này cũng được thể hiện trong việc chi phí nhân viên bình quân năm 2017 tăng so với năm 2016.

Thống kê của các khách sạn tham gia khảo sát cho thấy doanh thu trung bình và chi phí lương trung bình của nhân viên đã tăng năm thứ hai liên tiếp sau khi giảm nhẹ vào năm 2015. Doanh thu bình quân của nhân viên năm 2017 tăng 6,7% và chi phí lương bình quân tăng 5,7%.

Grant Thornton cũng cho biết, công suất phòng có sự cải thiện với mức tăng khoảng 5% cho cả hai hạng sao; cụ thể 4,8% cho khách sạn 4 sao và 5% đối với khách sạn 5 sao.

Trong tương lai, với việc chính sách miễn thị thực được gia hạn thêm 3 năm, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến từ năm quốc gia nằm trong chính sách này, cũng như lượng khách đến từ phương Tây nói chung, có thể được kỳ vọng sẽ tăng nhanh. 

Ngoài ra, tổ chức này cũng cho rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đặt ra mục tiêu thu hút 15 tới 17 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2018 là hoàn toàn trong tầm tay. 

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục du lịch, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón gần 7,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.