Hà Nội cho phép nhiều dịch vụ, hoạt động mở cửa trở lại

Nhật Hạ - 07:58, 21/09/2021

TheLEADERDịch vụ ăn uống, kinh doanh văn phòng phẩm; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh... tại Hà Nội được mở cửa trở lại từ ngày 21/9.

Qua 60 ngày giãn cách xã hội, nhận định tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành chỉ thị điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, từ ngày 21/9, thành phố sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới.

Các cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ cơ quan trung ương; các lực lượng vũ trang; lực lượng chống dịch và cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà).

Các cơ sở được phép hoạt động gồm: siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh; ngân hàng, kho bạc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa; cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội;

Cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến, cũng trong diện được phép hoạt động.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Chủ các cơ sở được phép hoạt động phía trên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động; yêu cầu kiểm soát phòng chống dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng/ sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR và thực hiện 5K.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe 2 bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động và chỉ được phép hoạt động từ 9h sáng đến 22h hàng ngày. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, khai báo y tế hàng ngày.

Hà Nội hạ mức độ giãn cách xuống Chỉ thị 15+
Cửa hàng cắt tóc, gội đầu được mở cửa trở lại từ ngày 21/9.

Thành phố tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; trường hợp thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp; đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 m; tổ chức đám tang trong phạm vị gia đình, không quá 20 người; hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người...

Chính quyền yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Hà Nội tiếp tục tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng như một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Hà Nội tiếp tục tạm dừng vận tải hành khách đường bộ, đường thủy, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, xe "ôm" công nghệ... (trừ trường hợp phục vụ chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia).

Sở Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn việc đảm bảo vận tải hàng hóa; hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng hóa, bưu gửi.

Chính quyền đề nghị người dân chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết.

Mặc dù nới lỏng giãn cách, nhưng Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ ra/ vào thành phố, 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh vận cận và hoạt động tuần tra, kiểm soát trong thành phố.

Người từ các địa phương đang áp dụng chỉ thị 16 đến hoặc về Hà Nội phải được cấp có thẩm quyền xem xét, đồng ý bằng văn bản. Trường hợp người dân đi vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải khai báo y tế; tuân thủ biện pháp giám sát, cách ly y tế.

Thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bày và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.

Tại cuộc họp chiều 20/9, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó gần 5,7 triệu mũi một (đạt 94,2% dân số trong độ tuổi tiêm chủng) và gần 800.000 mũi hai (đạt 12% dân số).

Tính đến ngày 20/9, thành phố đã ghi nhận tổng số 4.187 ca, trong đó có 1.311 ca ngoài cộng đồng.

Số ca mắc trung bình/ ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh còn 27,6 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày).

Hiện tại thành phố có 10 chùm ca bệnh mới/phức tạp, cụ thể: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (584 ca); Văn Miếu, Đống Đa (118 ca); Văn Chương, Đống Đa (98 ca); Minh Khai, Hai Bà Trưng (60 ca); Thanh Liệt, Thanh Trì (19 ca); chung cư A1-A4-A5 Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (23 ca); Tả Thanh Oai, Thanh Trì (10 ca), Việt Hưng, Long Biên (08 ca); Thụy Hương, Chương Mỹ (05 ca); Liên Phương, Thường Tín (4 ca).