Hai bài toán lớn nhất của ngành tóc nam

Việt Hưng - 15:51, 02/07/2019

TheLEADERCó lịch sử lâu đời hơn, nhưng rất ít thương hiệu ngành tóc có thể vươn lên thành chuỗi quy mô lớn, mà chủ yếu là cửa hàng nhỏ lẻ nhiều, chưa kể nhân sự thiếu bài bản, quy trình chưa được chuẩn hóa.

Nhà sáng lập Nguyễn Đức Tài khởi sự từ những cửa hàng Thế Giới Di Động (MWG) đầu tiên vào năm 2004. Sau 13 năm, Thế Giới Di Động vươn lên trở thành một trong những Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, với khoảng 31.000 nhân sự.

FPT Shop (FRT) ra đời muộn hơn. Thành lập năm 2012, đến nay công ty đang vận hành hơn 500 cửa hàng, với khoảng 6.500 nhân sự phục vụ khách hàng mỗi ngày. FPT Shop hiện là chuỗi bán lẻ điện thoại di động lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Công thức chung để hai nhà bán lẻ này nhanh chóng đạt được thành tựu trong ngành bán lẻ, đó là mặt bằng kinh doanh thuận lợi, quy trình chuẩn hóa, nhân viên đào tạo bài bản, từ đó nhân rộng và tăng đươc quy chuỗi các cửa hàng. Nhờ vậy, dù mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng bán lẻ di động đã sớm trở thành một ngành hàng hấp dẫn.

Có lịch sử lâu đời hơn, thậm chí là sở hữu nhiều điểm tương đồng với bán lẻ di động, nhưng câu chuyện về ngành tóc lại rất khác. Rất ít thương hiệu có thể vươn lên thành chuỗi quy mô lớn, cửa hàng nhỏ lẻ nhiều, chưa kể nhân viên thiếu bài bản, quy trình chưa được chuẩn hóa.

Tại Việt Nam, duy nhất chuỗi cắt tóc 30Shine - startup mới 4 năm tuổi đã giải được bài toán của ngành này. Với hơn 2.300 nhân sự, 30Shine hiện đặt mục tiêu tăng tốc mở điểm, dự kiến tới cuối năm nay đạt dấu mốc 100 salon tóc.

Hai bài toán lớn nhất của ngành tóc nam
30Shine đặt mục tiêu 100 salon tóc vào cuối năm 2019

Ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội

Nguyễn Huy Hoàng - CEO chuỗi 30Shine cho hay, thời điểm anh và các cộng sự mới tham gia vào lĩnh vực cắt tóc đã nhận ra bài toán lớn nhất của ngành này đó là bài toán năng suất. "Từ trước tới nay, năng suất của ngành tóc nói chung rất thấp", Hoàng nói.

Mô hình cắt tóc truyền thống vẫn là khách hàng tiện lúc nào sẽ tranh thủ đi cắt tóc lúc đó. Nhưng vì khung thời gian rảnh để đi cắt tóc của phần đông nam giới là sau 6 giờ chiều, hoặc rơi vào những ngày cuối tuần, nên rơi vào tình trạng kín khách. Trong khi đó, vào khung giờ sáng hoặc ngày thường, thợ cắt tóc chủ yếu là ngồi chơi.

"Lượng khách thất thường, thu nhập khó đảm bảo, chưa kể tay nghề thợ cắt không thường xuyên được mài dũa khiến ngành tóc dậm chân tại chỗ nhiều năm qua. Một cửa hàng lo chưa nổi, thì tiến lên chuỗi là gần như không thể", CEO 30Shine nhận định.

Chính vì vậy, việc 30Shine tham gia thị trường đã phần nào chuẩn hóa được quy trình, dịch vụ vốn nặng yếu tố cảm tính như ngành tóc.

Bằng việc hoàn thiện, bổ sung những kĩ năng vốn không phải thế mạnh của thợ cắt tóc, bài toán năng suất ngành này đã được Nguyễn Huy Hoàng cùng các cộng sự giải quyết. Như việc đặt lịch cắt tóc sẽ giúp thợ cắt tránh rơi vào tình trạng quá tải. Marketing tốt giúp 30Shine có được lượng khách ổn định. Hoạt động quản trị tài chính, con người hiệu quả sẽ tránh được thất thoát, hao hụt không đáng có...

"Ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội. Khi bắt tay vào ngành tóc, chúng tôi đã xác định rất rõ, hoặc 30Shine sẽ phải trở thành chuỗi tóc số một Việt Nam, hoặc là không có gì. Và thực tế đã trả lời cho tất cả, năm vừa qua 30Shine đón hơn 2 triệu lượt khách. Tới nay, chúng tôi đã phát triển được 64 cửa hàng trên 10 tỉnh, thành cả nước", vị CEO trẻ tuổi chia sẻ.

Hai bài toán lớn nhất của ngành tóc nam 1
Năm 2018, chuỗi 30Shine đón nhận tới 2 triệu lượt khách hàng

Mảnh ghép văn hóa doanh nghiệp

Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong thời gian qua, số lượng nhân sự tại 30Shine đã sớm vượt qua mốc 2.300 con người, trong đó gồm hơn 1.000 stylish (thợ cắt tóc) chuyên nghiệp. Hoàng thừa nhận, nhân sự chuỗi tóc cũng là một bài toán khó.

"Ngành nghề thủ công nói chung, ngành tóc tại Việt Nam nói riêng thường gặp phải tình trạng thợ giỏi "giấu" nghề. Chưa kể, nhiều thợ sợ bị cạnh tranh, nên họ càng không muốn truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm cho thợ khác. Như vậy, nếu 1.000 stylish của chúng tôi, ai cũng "giấu" nghề cho riêng mình, thì đó quả là tình trạng đáng báo động", Hoàng nói.

Nắm được tâm lý này, từ khi vận hành những cửa hàng 30Shine đầu tiên, Hoàng và các cộng sự đã sớm xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho nhân sự của chuỗi, đó là trao đổi thẳng thắn, sẵn sàng sẻ chia và luôn tôn trọng lẫn nhau.

"Đây chính là mảnh ghép quan trọng để chúng tôi hoàn thiện chuỗi 30Shine. Bởi sẽ rất khó để một ai đó thực sự giỏi, nếu không sống trong một cộng đồng. Do đó, ở 30Shine, chúng tôi quy tụ một cộng đồng bao gồm hàng ngàn stylish ngành tóc tâm huyết với nghề, không ngại chia sẻ và luôn làm việc trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau", CEO 30Shine khẳng định.

Hoàng cho biết, ở 30Shine không chỉ có các khóa đào tạo từ chuyên gia nước ngoài giúp stylish nâng cao tay nghề, mà còn thường xuyên diễn ra các buổi workshop nội bộ do chính các thành viên trong chuỗi này tổ chức nhằm giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Từ đó, tạo ra sự cộng hưởng, thu hút ngày một nhiều hơn các stylish tay nghề giỏi khác ở Việt Nam.

"Ví dụ, nếu một stylish của 30Shine nhận thấy đồng nghiệp của mình còn thiếu sót, hoặc làm chưa tốt, thì anh ấy sẽ sẵn sàng chỉ lại và hướng dẫn đồng nghiệp đó. Ở 30Shine, chúng tôi không hề có khái niệm cạnh tranh, hay giấu nghề. Bởi bất kì nhân sự nào cũng hiểu, 30Shine là một chuỗi các cửa hàng. Nếu một cửa hàng gặp lỗi, thì cả chuỗi sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, tinh thần tự giác của bất kì ai ở 30Shine cũng đều rất cao", Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.