Hàng không tư nhân cũng cần hỗ trợ vượt khủng hoảng

Thu Phương - 16:01, 27/11/2020

TheLEADERViệc hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khủng hoảng là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Hàng không tư nhân cũng cần hỗ trợ vượt khủng hoảng
Sự hỗ trợ của Chính phủ ở thời điểm hiện tại là rất quang trọng giúp ngành hàng không Việt Nam hồi phục.

Việc chạy đua giảm giá vé chỉ khiến các hãng khó khăn hơn

Hàng không là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là động lực phát triển của nền kinh tế bởi hàng không tăng 2,5% góp phần kích thích tăng 1% GDP. Tuy nhiên, trong đại dịch Covib 19, đây cũng ngành nghề chịu tác động đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập. Covid đã "đốt" 41% giá trị vốn hóa của 116 công ty hàng không niêm yết, trị giá 157 tỷ USD.

IATA ước tính ngành hàng không thế giới giảm doanh thu 419 tỷ USD, lỗ 84 tỷ USD và cần ba năm để khôi phục. Đơn vị này cũng dự báo năm nay sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không" và các hãng hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tại hội thảo "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam", bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết, trước đại dịch, tăng trưởng của Vietjet hàng năm đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Vietjet đã phục vụ 100 triệu hành khách; đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, doanh thu của hãng hàng không đã suy giảm trên 70% - 75% và ảnh hưởng rất nhiều thanh khoản. Doanh nghiệp hiện đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không và duy trì hoạt động, Vietjet đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm. Vietjet đã giảm lương từ 50%-70% đối với quản lý cấp cao và cấp trung, đồng thời chi trả mức thu nhập tối thiểu từ 8 – 10 triệu đồng/tháng đối với người lao động khác.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ dòng tiền, Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài. Doanh nghiệp đã tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, với bình quân chi phí giảm 55% do giảm khai thác hơn 30% - 35% và giảm đơn giá chi phí 20% - 25%.

Đặc biệt trong tháng 5, Vietjet đã triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường, đồng thời tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20% - 45% tùy nhà cung cấp.

Song, theo bà Phương, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể vượt qua khó khăn và phục hồi. Hiện chính phủ các nước trên thế giới hỗ trợ bằng 25% thiệt hại của các hãng hàng không. Song, ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ khoảng 1-2%.

Đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, mới đây Quốc hội thông qua gói giải cứu Vietnam Airlines, tỷ lệ hỗ trợ của Chính phủ cho hãng hàng không nâng lên, chiếm khoảng 10% thiệt hại của các hãng hàng không. Như vậy, riêng đơn vị này đã chiếm gần 90% số tiền hỗ trợ của chính phủ cho ngành hàng không. "Mừng cho Vietnam Airlines nhưng cũng lo cho các hãng khác, nhất là trong lúc khó khăn này", ông Long nói.

Trong bối cảnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở nước ta, các hãng hàng không trong nước nhanh chóng phục hồi tần suất bay nhưng vẫn không đủ bù đắp doanh thu và lợi nhuận. 

Hệ số sử dụng ghế bay của Vietnam Airlines khoảng 86%, gần như cao nhất trên thế giới, nhưng để đạt tới điểm hòa vốn hay không còn phụ thuộc vào mức giá bán. Thời gian qua, các hãng hàng không đã liên tiếp giảm giá vé. Chưa bao giờ cao điểm hè, giá vé bay nội địa lại rẻ như vậy. 

Trong tháng 8, giá vé bay Hà Nội -TP. HCM của các hãng Bamboo Airways và Vietjet niêm yết 99.000 đồng/vé/chặng, còn Vietnam Airlines niêm yết 209.000 đồng đến 1 triệu đồng (chưa tính thuế, phí). Chặng Hà Nội - Phú Quốc giá vé dao động 199.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chiều. Thậm chí, một số chuyến bay của hãng Vietjet từ TP.HCM đi Nha Trang giá vé 36.000 đồng/vé/chặng (chưa tính thuế, phí).

Trước thực trạng khó khăn của ngành hàng không hiện nay, ông Long cho rằng, các hãng "đừng đua nhau hạ giá vé nữa". Điều này chỉ khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn.

Ngoài sự nỗ lực của các hãng hàng không, sự hỗ trợ của Chính phủ ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng, góp phần giảm áp lực, hỗ trợ hàng không hồi phục bởi hàng không là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Vietjet muốn vay với lãi suất ưu đãi

Bàn về các giải pháp giải cứu ngành hàng không, ông Long cho rằng, với hàng không, vốn lưu động, dòng tiền là máu nuôi sống cơ thể. Do đó, trước tình hình kinh doanh sụt giảm khiến dòng tiền của hãng đang cạn kiệt nghiêm trọng, từ tháng 8, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đã kiến nghị Chính phủ cho các hãng vay dài hạn 25.000 tỷ đồng.

Theo ông Long, đề xuất này là rất đúng và rất trúng vì nếu được vay bằng lãi suất tái cấp vốn như 4.000 tỷ Vietnam Airlines được duyệt vay thì tính ra mỗi năm Chính phủ chỉ phải hỗ trợ 1.000 tỷ đồng lãi suất, từ 3 - 5 năm là 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Trong khi mỗi năm các hãng hàng không nộp thuế và phí hơn 20.000 tỷ đồng.

Có vốn hồi phục, các hãng sẽ trả được nợ, đóng góp nhiều cho ngân sách, cho xã hội, cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành thương mại, du lịch. Vì vậy, sau Vietnam Airlines, đề nghị Chính phủ cũng xét cho các hãng vay ưu đãi lãi suất để hồi phục và cũng bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Đồng quan điểm, bà Hồ Ngọc Yến Phương cũng cho rằng, các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 – 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu và Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng thương mại cho vay. 

Do vậy, Vietjet kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn, hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm. Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi kể từ 2023-2025.

Mặt khác, theo bà Phương, trước khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp hàng không rất cần nguồn lực tài chính để tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN chỉ áp dụng việc cơ cấu nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020, vì vậy, bà Phương kiến nghị bổ sung thêm các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 đối với ngành hàng không vào phạm vi, đối tượng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2021.

Đại diện doanh nghiệp này cũng kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000 đồng/lít thay vì mức 2.100 đồng/lít (áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến 31/12/2020) và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế này đến hết năm 2021.

Về các phí, lệ phí và chi phí dịch vụ cảng hàng không, kể từ ngày 01/10/2020 trở đi, các mức phí, khung giá sẽ hết thời hạn ưu đãi theo Thông tư 19/2020/TT-BGTVT và áp dụng theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Do đó, Vietjet kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Ngoài ra, để hỗ trợ cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp và người lao động, Vietjet kiến nghị việc dừng, giãn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân; thuế nhà thầu nước ngoài; tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31/12/2021 và giãn thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu.

Theo dự báo của Cục hàng không Việt Nam, phải đến năm 2023 ngành hàng không mới trở lại mức trước đại dịch thì sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự duy trì của ngành hàng không Việt Nam, giúp Vietjet vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục tăng trưởng để tăng thu Ngân sách và góp phần vào sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước khi thị trường hồi phục, bà Phương nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: "Hàng không phải là ngành đứng dậy ngay lập tức sau đại dịch". Phục hồi và phát triển ngành hàng không có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc giải cứu ngành hàng không là rất cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Đáng chú ý, theo vị chuyên gia này: "Trong bối cảnh không bình thường như hiện nay, Chính phủ rất cần có những giải pháp "không bình thường" để cứu ngành hàng không nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung".

"Cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước có thể cho học sinh nghỉ học trong một thời gian ngắn để kích cầu du lịch nội địa, tạo đà hồi phục cho các doanh nghiệp khách sạn, du lịch và hàng không", ông Thiên chia sẻ.

Bên cạnh đó, để hàng không phát triển bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, giữa hãng hàng không nhà nước và tư nhân.

Với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước có thể hỗ trợ cho Vietnam Airlines nhưng vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc của thị trường và đảm bảo sự hỗ trợ công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ông Thiên nhấn mạnh.