Giải cứu ngành hàng không quan trọng nhất là 'nhanh và công bằng'

An Chi - 09:04, 22/09/2020

TheLEADERTS. Lương Hoài Nam cho rằng, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua đại dịch là công bằng. Nếu nguyên tắc này bị phá vỡ, ngành hàng không sẽ phát triển méo mó, thiếu bền vững.

Giải cứu ngành hàng không quan trọng nhất là 'nhanh và công bằng'
Ngành hàng không chịu thiệt hại lớn bởi dịch Covid-19

TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra đối với hàng không là rất khủng khiếp, thế giới chưa bao giờ có thể hình dung một tác động tiêu cực đến như vậy.

Trước thực trạng này, việc chính phủ nhiều quốc gia đưa ra các giải pháp giải cứu ngành hàng không là hết sức cần thiết. Trong đó, các chương trình hỗ trợ có thể chia thành ba giải pháp chủ đạo.

Giải pháp thứ nhất là hỗ trợ bằng các gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Tại nhiều nước như Mỹ, chính phủ thậm chí đã tài trợ và cho không các gói tín dụng cho doanh nghiệp. 

Giải pháp này nhằm giúp các hãng không có tiền để chi trả cho người lao động, giảm sa thải nhân viên, đảm bảo công ăn việc làm, đồng thời giúp doanh nghiệp chi trả các khoản nợ đến hạn và nhiều khoản nợ quá hạn, tránh sự đình trệ trong hoạt động.

Giải pháp thứ hai là các biện pháp giúp các hãng hàng không giảm tối thiểu chi phí hoạt động. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn về doanh thu như hiện nay, việc giảm chi phí hoạt động theo ông Nam là một trong những nội dung rất quan trọng. 

Thông qua các biện pháp giảm thuế, miễn phí, giảm phí dịch vụ, các hãng hàng không đã tiết giảm được chi phí đáng kể.

Thứ ba giải pháp giúp các hãng hàng không tăng vốn bằng cách Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên thị trường tham gia đầu tư vào các hãng hàng không để họ có tiềm lực về vốn vượt qua khủng hoảng.

Giải cứu ngành hàng không quan trọng nhất là "nhanh và công bằng"
Tiến sỹ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia

Theo ông Nam, tuỳ theo mức độ ảnh hưởng của ngành hàng không mà mỗi quốc gia có thể áp dụng từng biện pháp hoặc cả ba biện pháp trên để có sự hỗ trợ đủ mạnh giúp các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi.

Ở Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất giải pháp cứu ngành hàng không theo cả ba giải pháp này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thực chất các gói hộ trợ này đi vào thực tế như thế nào. Thời gian triển khai các giải pháp có đủ nhanh để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp hay không. Mặt khác, nguồn tài chính có đủ lớn để mang lại ý nghĩa giúp các hãng hàng hay không, ông Nam nhấn mạnh.

Đi vào phân tích các giải pháp cụ thể, theo vị chuyên gia này, về tín dụng, Hiệp hội Hàng không mới đây đã có kiến nghị Chính phủ một gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi cho tất cả các hãng hàng không quy mô 25 - 27 nghìn tỷ đồng.

Đây là gói tín dụng có quy mô phù hợp, bằng 1/3 - 1/4 thiệt hại mà các hãng hàng không phải gánh chịu do dịch bệnh. Gói tín dụng này nên sớm được đưa vào thực tế để kịp thời đến với cá doanh nghiệp khi họ đang dần cạn kiệt về nguồn tiền.

Đối với gói hỗ trợ về thuế và phí, hiện một số biện pháp nhỏ lẻ đang được thực hiện. Song theo ông Nam, thời gian áp dụng gói hỗ trợ này quá ngắn, phạm vi áp dụng chỉ mang lại cho các hãng hàng không tiết kiệm chi phí vài trăm tỉ đồng là không đáng kể để giải quyết nhu cầu sinh tồn, phục hồi và phát triển của các hãng hàng không. 

"Về mặt thời gian, chương trình này nên được kéo dài khoảng 18 - 24 tháng. Covid-19 ảnh hưởng đến các hàng hàng không dài như thế nào thì chương trình ưu đãi này cũng phải dài tương tự thì mới có ý nghĩa thực chất. Còn về quy mô, chương trình này cần giúp các hãng hàng không tiết kiệm 5.000 - 7.000 tỷ đồng", vị chuyên gia này kiến nghị.

Đối với giải pháp thu hút đầu tư vào các hãng hàng không, theo ông Nam, lúc này là lúc cần có sự tạo điều kiện để các doanh kể cả nhà nước và tư nhân thu hút được nguồn vốn đầu tư, tăng vốn điều lệ để có tiềm lực tài chính tốt.

Trong các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng, ông Nam nhấn mạnh đến nguyên tắc về sự công bằng. Việc đầu tư vào các hãng hàng không cần tránh việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào nhà nước, nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào hàng không tư nhân. 

Mặt khác, yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư là tính hiệu quả, khả năng thu hồi vốn và gia tăng giá trị. Do đó, trong hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp nên có sự cởi mở, không có sự phân biệt đối xử để xem xét tất cả các cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư vào hàng không tư nhân nếu có cơ hội sinh lợi tốt hơn và ngược lại.

Theo ông Nam, nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ doanh nghiệp là gốc rễ trong các luật về kinh tế. Nếu nguyên tắc này bị phá vỡ, thị trường sẽ phát triển một cách méo mó, thiếu bền vững. 

Đơn cử như việc nếu một doanh nghiệp nhận được một gói cứu trợ lớn trong khi các đối thủ của không nhận được, họ sẽ dùng tiềm lực tài chính này để tiến hành cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá để chiếm thị phần khiến các công ty đối thủ không thể tồn tại. Về lâu dài, điều này sẽ gây hệ luỵ rất lớn cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế.

Để đảm bảo công bằng trong hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh hiện nay, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư nên sử dụng các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư để nghiên cứu đề án tái cấu trúc và định giá doanh nghiệp. 

Từ đó, các doanh nghiệp có thể xác định được tính hiệu quả, khả năng thu hồi vốn của hoạt động đầu tư và có quyết định đầu tư chính xác giúp các doanh nghiệp hàng không phục hồi.